- Theo Helino | 15/01/2019 11:00 AM
Ngày nay, người hâm mộ điện ảnh thường dùng kinh phí để đáp trả đối thủ cũng như làm thước đo độ hoành tráng của một bom tấn. Nhưng tiền đôi khi không phải tất cả. Nhiều bộ phim trở thành kinh điển không phải nhờ ngân sách lên đến hàng trăm triệu đô mà do nhà sản xuất đã... cạn túi.
1. Star Wars: A New Hope (Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao: Niềm Hy Vọng Mới, 1977)
Nhà sản xuất Gary Kurtz thực đã trở thành anh hùng vô danh của Star Wars khi cứu vãn được tình thế vượt quá ngân sách giúp bộ phim vẫn được đầu tư như dự kiến từ phía 20th Century Fox. Lúc bấy giờ, Star Wars là một cái tên xa lạ và việc huy động một lượng lớn diễn viên quần chúng để đóng vai người ngoài hành tinh là một điều không tưởng.
Và để giải quyết vấn đề này, Kurtz đã quyết định thu nhỏ lại đội ngũ để Star Wars vượt qua được giai đoạn khủng hoảng và đến được với công chúng.
Sự tiết kiệm của đoàn làm phim đã cho ra mắt nhiều chi tiết kinh điển của cả loạt phim như con tàu Millenium Falcon được chế tạo từ các bộ phận cũ của xe hơi và máy bay. Ban đầu, George Lucas muốn đưa vào phim hàng trăm nhân vật Wookiee.
Nhờ Gary Kurtz, họ chỉ tập trung vào Chewbacca và anh chàng nhanh chóng trở thành một nhân vật biểu tượng của thương hiệu. Và cũng nhờ có chính sách tiết kiệm để vừa khớp ngân sách ít ỏi mà kịch bản của Star Wars mới được rút ngắn lại, tạo được ấn tượng lớn trước công chúng.
2. Saw (Lưỡi Cưa, 2004)
Mặc dù gây nhiều tranh cãi về tính bạo lực và độ ám ảnh, Saw vẫn là một thương hiệu vô cùng thu hút đối với các cuồng phim kinh dị. Ít ai biết được rằng để tạo ra được tác phẩm kinh dị ăn khách trên, James Wan và Leigh Whannell đã làm việc cùng nhau trong một thời gian dài để viết một kịch bản có chi phí thấp nhất. Lý do là vì không một ai mạo hiểm đầu tư hàng triệu USD cho hai nhà làm phim trẻ.
Họ chỉ có 10.000 USD và quyết định thực hiện bộ phim với bối cảnh đơn giản cùng một vài diễn viên. Sau một thời gian, ngân sách eo hẹp dẫn đến sự ra đời của kịch bản điên rồ của hai nhà làm phim trẻ. Phim chỉ xoay quanh 2 người đàn ông bị xích trong một nhà tắm dơ bẩn với một xác chết ngay giữa họ.
3. Jaws (Hàm Cá Mập, 1975)
Jaws là một trong những bộ phim kinh dị hiếm hoi không dựa vào những hiệu ứng đặc biệt nhưng vẫn làm khán giả tận hưởng trọn vẹn sự hồi hộp, kịch tính và bị hù dọa bởi những "kẻ săn mồi dưới nước" Tuy nhiên, ít ai biết được rằng những con cá mập hung dữ trong phim lại được làm từ những bức ảnh ngắn về vây cá mập nhô lên khỏi mặt nước để tiết kiệm chi phí quay phim.
Mặc dù ngân sách dành cho Jaws không hề nhỏ và đạo diễn Steven Spielberg đã sử dụng ba mô hình cá mập nhưng những sự cố về chập điện cũng như yêu cầu bảo trì, sửa chữa khiến số tiền dần cạn kiệt. Song, sự tài tình này lại mang về kết quả bất ngờ khi những chiếc vây lấp ló, thoắt ẩn thoắt hiện đáng sợ hơn hẳn... nguyên con cá mập.
4. Back To The Future (Trở Về Tương Lai, 1985)
Trước khi trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của thập niên 80, kịch bản của Back To The Future đã trải qua chỉnh sửa rất nhiều lần. Những yếu tố quan trọng như xe du hành DeLorean, Plutonium, tia sét, tháp đồng hồ và nhóm khủng bố đều bị lược bỏ. Lúc ban đầu, Robert Zemeckis dự định cho nhân vật Giáo sư Brown (Christopher Lloyd) phát triển một thiết bị du hành thời gian bằng chiếc tủ lạnh và vụ nổ hạt nhân thay thế cho tia sét.
Nhưng thật may là nhà sản xuất đã cắt giảm ngân sách khiến dự định về chuyến du hành cùng vụ nổ hạt nhân trên sa mạc Nevada bị loại bỏ. Thay vào đó, những ý tưởng ban đầu đã được đưa trở lại để tạo nên một siêu phẩm mà bất cứ ai khi nhắc đến cũng phải trầm trồ.
5. Raiders Of The Lost Ark (Indiana Jones Và Chiếc Rương Thánh Tích, 1981)
Hầu hết mọi người đều biết câu chuyện đằng sau cảnh "chiến đấu" khét tiếng giữa Indiana Jones (Harrison Ford) và kiếm sĩ Ai Cập. Xuất hiện trên trường quay vào ngày hôm đó, ngôi sao của Star Wars đã mắc phải một số vấn đề về đường ruột và không thể đóng cảnh chiến đấu tay đôi. Do đó mà anh đã gợi ý Steven Spielberg rằng cho nhân vật Indiana... bắn đối thủ là xong.
Vị đạo diễn ngay lập tức chấp nhận ý kiến này vì vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và trên hết là tiền của bỏ ra. Ngạc nhiên thay, cảnh phim này trở thành một trong những phân đoạn kinh điển, thể hiện được sự hài hước và "láu cá" của Indiana Jones. Lẽ ra, một phần phim về tay khảo cổ học này đều nên có một cảnh như vậy.
6. Halloween (1978)
Bộ phim kinh dị của John Carpenter đã trở thành một trong những thương hiệu "chặt chém" ăn khách trên toàn thế giới. Trong đó, tên sát nhân đeo mặt nạ Micheal Myers (Nick Castle) cũng trở thành một nhân vật kinh điển, bên cạnh Jason của loạt Friday the 13th và Freddy Krueger của Nightmare on Elm Street .
Thế nhưng, sự ám ảnh của nhân vật này lại đến từ việc bộ phim có ngân sách quá eo hẹp. Với chỉ 200.000 USD kinh phí, John Carpenter phải hạ thấp phần phục trang của Halloween hết mức có thể. Ông bỏ ra vài đồng để mua chiếc mặt nạ Thuyền trưởng Kirk trong loạt Star Trek ngoài chợ, tẩy trắng và bùm - kẻ sát nhân đáng sợ bậc nhất màn ảnh rộng ra đời.