- Theo Trí Thức Trẻ | 09/04/2020 06:00 PM
Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, thời Tam Quốc được xem là giai đoạn chiến loạn liên miên với các thế lực quân phiệt nổi lên khắp nơi.
Trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" tái hiện lại giai đoạn đầy phong ba bão táp này của La Quán Trung, thế lực của Lưu Bị dường như được đưa lên trở thành tuyến nhân vật chính thuộc phe chính diện.
Do ảnh hưởng của các tác phẩm ấy, mỗi khi nhắc tới tập đoàn chính trị này, nhiều người vẫn thường mặc định rằng nội bộ Thục Hán luôn rất mực đoàn kết.
Thế nhưng theo quan điểm của Qulishi, ít ai biết rằng nội bộ của Thục quốc trong phạm vi Tam Quốc diễn nghĩa nói riêng thậm chí còn chia bè kết phái nhiều hơn so với cả hai đối thủ Ngụy và Ngô.
Lý do nào khiến Thục Hán trở thành tập đoàn chính trị chia bè kết phái nhiều nhất Tam Quốc?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trên thực tế, vào thời kỳ chiến tranh loạn lạc như Tam Quốc, các lộ chư hầu phần lớn đều vì bá nghiệp của bản thân mà tranh đoạt với nhau.
Cho tới khi thế chân vạc được hình thành, nước Ngô vẫn được coi là vùng đất thái bình hơn cả. Mảnh đất Giang Đông nổi tiếng phồn vinh sau này cũng bắt đầu được gây dựng bắt đầu từ đó.
Cũng bởi vậy mà Qulishi cho rằng, trong số ba thế lực thời Tam Quốc, nội bộ nước Ngô được cho là ít xảy ra tình trạng chia bè kết phái hơn cả.
Nói về chính quyền Tào Ngụy, tập đoàn này sở hữu một số lượng hiền tài, lương tướng không hề nhỏ.
Thế nhưng trên thực tế, nội bộ Tào Ngụy chỉ là cuộc tranh đấu ngấm ngầm giữa hai phe cánh nổi bật, bao gồm phe ủng hộ gia tộc họ Tào và phe ủng hộ Hoàng đế, trung thành với nhà Hán.
Sau khi Tào Phi soán Hán, nội bộ của nhà Ngụy lại trở thành vũ đài chính trị chứng kiến cuộc đấu giữa Tào gia và gia tộc Tư Mã.
Tuy nói rằng tập đoàn chính trị của nhà họ Tào có các thuộc hạ đến từ khắp mọi nơi, bởi Tào Tháo năm xưa khi đánh đông dẹp bắc đã thu về được không ít nhân tài. Thế nhưng việc xuất thân khác biệt lại không khiến phe cánh của nội bộ Tào Ngụy quá mức hỗn loạn.
Bởi ngoại trừ thân thích của họ Tào và những người trung thành với Hán thất, nhóm người còn lại đa số đều là hàng binh hàng tướng, quan hệ giữa họ hết sức phức tạp, căn bản không cách nào cấu kết để tạo thành các phe phái lớn.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Tuy nhiên ngược lại với Tào Ngụy và Đông Ngô, Thục Hán nhìn bề ngoài tưởng như đoàn kết nhưng lại là thế lực sở hữu nhiều phe cánh trong nội bộ hơn cả.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, nhiều người sẽ nghĩ rằng trong tập đoàn chính trị ấy, uy danh của Lưu Bị có thể áp đảo tất cả quần thần, nắm giữ toàn bộ quyền lực của Thục quốc.
Thế nhưng trên thực tế, từ buổi đầu gây dựng thế lực cho tới khi đạt tới thời kỳ cường thịnh, phe cánh trong nội bộ Thục Hán dần phân chia ngày một rõ ràng, hơn nữa số lượng cũng không thể xem là ít.
Nguyên nhân là bởi chúng tướng Thục Hán phần lớn đều do một tay Lưu Bị cất nhắc, bồi dưỡng. Họ lại là những người theo ông chinh chiến sa trường đã nhiều năm, địa vị tương đối ổn định, hơn nữa còn có trong tay không ít thuộc hạ, tướng lĩnh trung thành.
Bên cạnh nhóm người trên, số ít còn lại là những người đã từ bỏ thế lực cũ để nương nhờ Lưu Bị. Đa số họ đều từng là hào kiệt một phương hoặc đã có uy danh trên chiến trường, chúng tướng dưới tay cũng gia nhập Thục Hán, từ đó sẽ hình thành những phe cánh trong nội bộ của tập đoàn chính trị này.
Theo Qulishi, đây cũng được xem là lý do vì sao sau khi xưng đế, Lưu Bị đã dần thay đổi từ một vị quân chủ đề cao nhân nghĩa trở thành một Hoàng đế nghiêm khắc với thuộc hạ.
Đây được xem là cái "thuật đế vương", bởi nội bộ Thục Hán khi ấy tồn tại không ít phe cánh, chỉ có đưa ra những yêu cầu nghiêm khắc, chấp pháp một cách công bằng mới có thể đảm bảo không xuất hiện tình trạng mâu thuẫn, tranh đấu nội bộ.
Điểm mặt 5 phe cánh lớn trong nội bộ tập đoàn chính trị Thục Hán: Người đứng đầu đều là những nhân vật cốt cán
Theo quan điểm của Qulishi, vào giai đoạn Lưu Bị còn là người đứng đầu, nội bộ Thục Hán từng tồn tại 5 phe cánh lớn.
Nhìn từ bên ngoài, không khó để nhận thấy mặc dù những phe cánh này sở hữu người đứng đầu khác nhau, nhưng chung quy đều thần phục sự điều khiển của Lưu Huyền Đức.
Tuy nhiên trên thực tế, các nhân vật này dù không có mâu thuẫn rõ ràng với nhau nhưng thế lực giữa họ cũng khó có thể xem như đồng nhất một cách hoàn toàn.
Phe cánh của Lưu Bị
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trong số đó, phe cánh lớn nhất đương nhiên chính là "dòng chính" do Lưu Bị đứng đầu.
Dòng chính này bao gồm các nhân vật như Gia Cát Lượng, Triệu Vân, Quan Vũ, Trương Phi. Bên cạnh đó còn có một số nhân vật khác như Giản Ung, Mi Trúc, Vương Bình, Tôn Càn…
Tuy nhiên bởi các thuộc hạ của Quan Vũ đã hình thành một phe phái khác của riêng mình, hơn nữa vị tướng này lại một mình trấn giữ Kinh Châu, cho nên thế lực của ông có thể xem là "dòng thứ" (nhánh bên) của phe Lưu Bị.
Một nhân vật khác là Trương Phi tuy rằng cũng một mình trấn giữ Lãng Trung, nhưng địa bàn của ông gần với Lưu Bị hơn, thuộc hạ cũng không chia bè kết phái nên vẫn được xếp vào dòng chính.
Đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao hai con gái của Trương Phi sau này đều trở thành Hoàng hậu của Thục Hán.
Phe cánh của Quan Vũ
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Phe phái của Quan Vân Trường bao gồm các tướng lĩnh thân cận như con trai trưởng Quan Bình, tùy tùng Chu Thương, Liêu Hóa, ngoài ra còn có Mi Phương, Mã Lương, Triệu Lũy, Phó Sĩ Nhân, Y Tịch…
Những thuộc hạ này bất luận về năng lực hay chiến lực đều được xem là mạnh hơn so với tập đoàn chính trị của Lưu Biểu từng thống lĩnh Kinh Châu năm xưa.
Phe cánh của Lý Nghiêm
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ngoại trừ hai phe của Lưu – Quan, nội bộ Thục Hán khi xưa còn ghi nhận phe phái thứ ba của Lý Nghiêm, được gọi là phái Ba Thục.
Phe cánh này có số lượng văn thần chiếm đa số, võ tướng rất ít, hơn nữa năng lực không mấy nổi bật, chỉ có Nghiêm Nhan, Ngô Ý là có thể xếp vào hàng danh tướng.
Thế lực chủ yếu của phái Ba Thục đến từ những vân thần với số lượng danh sĩ đông đảo. Trong số đó, có nhiều người sau này đã trở thành trụ cột chính trị của Thục Hán, phụ tá hai đời quân chủ, làm nên nhiều thành tựu, cống hiến.
Ví dụ tiêu biểu cho các nhân tài này có thể kể tới như Lý Nghiêm, Hoàng Quyền, Phí Quan… Một trong số những đại thần nổi tiếng sau này của Thục Hán là Phí Y cũng nằm trong số đó.
Phe cánh của Mã Siêu
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Ngoại trừ 3 phe phái lớn nói trên, Mã Siêu cùng với quân đội của Mã gia cũng được xem là một thế lực có xuất thân ngoại lai tương đối nổi bật trong nội bộ Thục Hán.
Quân Mã gia có Mã Siêu, Mã Đại là người cầm đầu. Phe cánh này vốn không thuộc dòng thứ hay dòng chính, mà thuộc về phe cánh tự hình thành, có thể xem như "lính đánh thuê" của chính quyền Thục quốc. (Theo Qulishi).
Tuy nhiên sau khi Mã Siêu qua đời, phe phái ấy tựa như rắn mất đầu, dần dần bị sát nhập dưới quyền Gia Cát Lượng, trở thành một lực lượng trung kiên trong chiến dịch Bắc phạt của Khổng Minh.
Phe phái của Hoàng Trung
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Phe cánh cuối cùng trong nội bộ Thục Hán nhìn bên ngoài tưởng như có phần hỗn loạn, nhưng thực chất đều xuất thân từ cùng một nơi.
Đó chính là những văn thần, võ tướng thuộc địa bàn Kinh Châu, chịu quy phục Lưu Bị sau khi ông có được vùng đất này.
Trong số này, võ tướng chiếm đa số, Hoàng Trung được xem như người đứng đầu. Sau khi Hoàng Trung qua đời, Ngụy Diên tiếp tục trở thành người đại diện của họ.
Những người này tuy không công khai tạo thành một thế lực thống nhất, nhưng đều quy thuận cùng một thời kỳ, lại không thuộc về bất kỳ phe cánh nào nên cũng có thể xem là một nhóm thế lực tự hình thành.
Vào thời kỳ cường thịnh, nội bộ Thục Hán tuy tồn tại 5 phe cánh lớn, nhưng giữa các bên chưa hề xảy ra mâu thuẫn nghiêm trọng nào.
Bởi những người đứng đầu của các phe phái này đều đồng lòng quy thuận Lưu Bị, cho dù đó là Mã Siêu từng xưng bá một phương hay là Hoàng Trung từng đầu quân cho một thế lực khác.
Nhìn chung, đa số họ hoặc là đều có chung mối thù nước nợ nhà với Tào Tháo, hoặc là đều mang đại ân của Lưu Bị, nên đối với Thục Hán đều rất mực trung thành.
Sau khi người cầm đầu của hai phe cánh ngoại lai là Hoàng Trung và Mã Siêu qua đời, cùng với đó là sự biến ở Kinh Châu khiến Quan Vũ vong mạng, các chúng tướng dưới trướng của những nhân vật ấy đều trở về dưới tay Gia Cát Lượng, gia nhập vào thế lực của dòng chính.
Gia Cát Khổng Minh cũng bởi vậy mà trở thành nhân vật nắm giữ quyền cao trong triều đình, đồng thời cũng trở thành bậc hiền lương duy trì sự ổn định cho nội bộ nhà Thục Hán.
Vì vậy, dù ở vào giai đoạn Lưu Bị còn tại thế hay thời kỳ Gia Cát Lượng phò tá Tân đế, mặc dù nội bộ Thục quốc có nhiều phe cánh phân chia rõ ràng, thế nhưng chưa từng phát sinh nội loạn.
Hơn nữa, các văn thần võ tướng vẫn luôn nhớ tới ân huệ của Tiên đế nên một lòng tình nguyện trung thành, thậm chí còn sẵn sàng bỏ qua rào cản giữa các phe phái để chung tay bảo vệ đất nước, bắc phạt Trung Nguyên để hoàn thành tâm nguyện khi còn sống của Tiên chủ.
Điều này cũng phần nào chứng minh cho năng lực thu phục lòng người và xây dựng đoàn kết nội bộ của Lưu Huyền Đức lúc sinh thời. Ông chính là người đã gây dựng một căn cơ vững chắc, tạo tiền đề cho Khổng Minh phò trợ ấu chủ sau này.
*Theo quan điểm của Qulishi (Trung Quốc).