- Theo Trí Thức Trẻ | 07/12/2016 0:00 AM
Vào năm 2007, đạo diễn Zack Snyder được giao trọng trách chuyển thể bộ comic đình đám của tác giả Alan Moore và họa sĩ Dave Gibbons - “Watchmen”. Được đánh giá là tác phẩm làm nên cuộc cách mạng đổi mới cho DC Comics, song con đường lên màn ảnh rộng của “Watchmen” lại không dễ dàng chút nào. Đến năm 2009, bộ phim mới được ra mắt công chúng và ngay lập tức “gây bão” dư luận với hai luồng ý kiến trái chiều mạnh mẽ.
Sáu năm sau, trong kỷ nguyên hậu - “Avengers”, những chuẩn mực về phim siêu anh hùng đã hoàn toàn thay đổi, nó vẫn được fan “cứng” lẫn fan “thông thường” mang ra bàn luận và so sánh với các sản phẩm mới. Sau khi xem cả bản chiếu rạp (2 tiếng 43 phút), bản cắt của đạo diễn (3 tiếng 6 phút) và bản cắt cuối cùng (3 tiếng 35 phút), Taste of Cinema đã phân tích ra 5 lý do vì sao “Watchmen” là một tuyệt tác kinh điển nhất của thể loại siêu anh hùng cho tới thời điểm này.
1. Doctor Manhattan
Có không nhiều nhân vật giả tưởng đạt đến trình độ “mâu thuẫn” và phức tạp như Doctor Manhattan. Một thực thể vô song, nhưng lại bị giới hạn bởi ý chí; có thể nhìn trước tương lai, song vẫn bị bất ngờ; trông giống con người, nhưng lại hành xử như người … ngoài hành tinh; được tôn thờ như Chúa, song lại bị con người quản lý.
Mang nhân vật này lên màn ảnh không phải là nhiệm vụ dễ dàng gì, nhưng Snyder cùng với nhà làm hiệu ứng hình ảnh John “DJ” DesJardin, quay phim Larry Fong và nam diễn viên Billy Crudup đã thực hiện nó một cách xuất sắc.
Doctor Manhattan không phải chỉ là một yếu tố CGI để “làm màu” cho bộ phim, mà còn là một nhân vật đầy triết lý, đưa “Watchmen” vượt qua phạm vị chật hẹp của thể loại siêu anh hùng. Những trăn trở của nhân vật về bản chất của nhân loại và điều tốt đẹp trong cuộc sống đã làm nên những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong phim.
Thậm chí, Doctor Manhattan là một nhân vật độc đáo đến độ khi còn sống, nhà phê bình phim lừng danh Roger Ebert đã viết hẳn một bài blog riêng về sự sáng tạo và xử lý của nhân vật, sau khi ông đã xem và đánh giá phim.
2. Không sợ mạo hiểm
Có một sự thật hiển nhiên là ngày nay Hollywood không còn “ưa mạo hiểm” như trước đây nữa. Tốn rất nhiều chi phí để sản xuất và phân phối một bộ phim điện ảnh, nên nếu như không có gì đảm bảo cho việc thu về lợi nhuận, dự án đó nhiều khả năng sẽ chọn ra những giải pháp an toàn nhất.
Vì thế cho nên việc “Watchmen” được sản xuất vốn dĩ đã làm một “phép lạ”, bởi nó là một bộ phim hạng R, với dàn diễn viên vô danh và kinh phí thì lên tới hơn 100 triệu USD. Bên cạnh đó, “Watchmen” rất trung thành với bản comic khi không hề bỏ qua cả những yếu tố gây tranh cãi như bạo lực, tình dục và chính trị xã hội. Bạn phải công nhận rằng, nó đã làm được điều mà vô số phim siêu anh hùng khác không thể - đó chính là mạo hiểm.
3. Nhiều chủ đề vẫn còn được liên hệ tới ngày nay
Tan rã nông thôn, mâu thuẫn giai cấp và chạy đua vũ trang hạt nhân đều là những vấn đề gây tranh cãi khi Alan Moore lần đầu sáng tác “Watchmen”. Và trong những thập kỷ sau đó, chúng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Những nhân vật như The Comedian, Rorschach, và Nite-Owl II đều đại diện cho những nhánh tư tưởng khác nhau trong xã hội.
The Comedian coi mọi thứ như một trò đùa, biết tận dụng bất cứ tình thế nào bởi lẽ hắn cảm thấy con người không thể thay đổi được điều gì trước sự kiểm soát của Chính Phủ. Trong khi đó, Nite-Owl II là một người lạc quan, tin rằng con người có thể thay đổi thế giới. Rorschach đứng ở trung lập, hoài nghi thời cuộc như Comedian nhưng cũng cho rằng có thể nỗ lực xây dựng nên một tương lai tốt đẹp hơn.
Chúng ta nhận thấy sự tồn tại của các phe phái tương tự trong chính trị hiện đại, khi mà chủ nghĩa chuyên chế đối đầu với chủ nghĩa chống đối nhiều khi bằng cả con đường bạo lực. “Watchmen” động chạm đến rất nhiều vấn đề vẫn còn “nóng hổi” cho đến tận ngày nay, và đó là lý do khiến nó trở thành một bộ phim đi cùng năm tháng.
4. Mang đến cảm giác của một tiểu thuyết hình ảnh
Như đã đề cập đến ở trên, “Watchmen” vừa nổi tiếng vừa tai tiếng vi cố gắng trung thành nhất có thể với tiểu thuyết hình ảnh nguyên tác. Trừ đoạn kết, rất nhiều cảnh trong phim như được lấy thẳng ra từ comic. Có thể nói, Snyder đã sử dụng bộ khung của họa sĩ Gibbons để dựng cốt truyện cho bộ phim.
Qua đó, “Watchmen” trở thành bộ phim siêu anh hùng duy nhất còn giữ nguyên được thần thái của một tiểu thuyết hình ảnh. Tất cả mọi thứ về nó, từ thiết kế sản xuất, trang phục đến kỹ xảo VFX và hậu kỳ, đều hướng tới mục đích cho bạn cảm giác như mình đang đọc comic “động”. Một yếu tố xuất sắc nổi bật khi mà xét cho cùng mọi bộ phim siêu anh hùng đều được chuyển thể từ comic.
5. Nó mang tới một triết lý chân thực
Những bộ phim siêu anh hùng ngày nay vẫn thường đi theo khuôn mẫu “thiện” đối đầu với “ác”. Đó là một mối quan hệ mẫu thuẫn có từ thời xa xưa, hiện diện trong mọi truyền thuyết và những câu chuyện kể dân gian vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, nhưng nó cũng có thể được đơn giản hóa để tạo ra một tình cảnh đủ để chấp nhận. Kể cả trong những kẻ ác đáng thương nhất, chúng vẫn thường tồn tại một đức tính đủ ác nào đó để khiến người anh hùng trở nên vượt trội hơn trong mắt người xem.
Và điều làm “Watchmen” trở nên đặc biệt là nó đã khai thác khuôn mẫu này theo một khía cạnh khác. Những siêu anh hùng thực chất là những kẻ ngoài vòng pháp luật, đánh tội phạm có thể gây ra tổn thương nghiệm trọng như gãy lòi ra cả xương, và làm công việc này dài lâu còn để lại chấn thương tâm lý theo thời gian cho cả người anh hùng lẫn xã hội. Hơn nữa, mặc dù họ dẹp tan các băng nhóm xấu và giữ an toàn cho cộng đồng, nhưng không hề làm gì để ngăn chặn mối hiểm họa chính trị lớn hơn đang bao trùm lên xã hội.
“Watchmen” cho chúng ta thấy rằng siêu anh hùng ngoài vòng pháp luật có thể gây thiệt hại không kém gì đóng góp, một điều không dễ gì chấp nhận, nhưng lại hoàn toàn hợp lý. Khi một bộ phim làm được điều này, nó thực sự đã vượt qua ranh giới của một bộ phim hành động giả tưởng thông thường.
Theo Tasteofcinema
10 cách con người có thể sử dụng đám zombie trong "The Walking Dead"