5 cách dập 'đại dịch hoảng sợ' vì Covid-19: Cách thứ 5 bạn đã từng nghe chưa?

NCS Ngô Thị Hương - ThS Nguyễn Thạch Hà - BS Phạm Nguyên Quý  - Theo Trí Thức Trẻ | 15/03/2020 08:30 AM

Bạn có biết không? Chúng ta càng lo lắng, càng sợ hãi thì sẽ càng trở nên "yếu đuối" khi phải đối mặt với Covid-19, vì đơn giản stress làm hệ miễn dịch yếu đi.

Mọi sự lo lắng đều bắt nguồn từ sự bất định, tức là những việc không biết chắc chắn rõ ràng. Sự lây lan nhanh rộng của virus corona mới cùng quá nhiều câu hỏi và nhiều điều còn chưa sáng tỏ về virus này đang làm cho nhiều người ít nhiều hoang mang, lo lắng, thậm chí sợ hãi.

"Virus có lan đến nơi mình ở không?"

"Liệu rồi mình có bị nhiễm không?"

"Khi nào cuộc sống mới trở lại bình thường?"

Nhưng bạn có biết không? Chúng ta càng lo lắng, càng sợ hãi thì sẽ càng trở nên "yếu đuối" khi phải đối mặt với dịch bệnh. Vì đơn giản, căng thẳng (stress) chỉ làm hệ miễn dịch yếu đi và như vậy khả năng phòng ngự của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng trước khi chúng ta thực sự gặp con virus.

Mặc dù bạn có thể đang cảm thấy "căng thẳng ở mức độ toàn quốc" và dễ bị căng thẳng lây, thì dưới đây là những việc dễ dàng làm được để tránh lo lắng thái quá.

01. Lên kế hoạch để cảm thấy đang kiểm soát tình hình

Chuẩn bị cơ bản cho tình huống dịch có thể bùng phát ở nơi bạn đang sống để cảm thấy yên tâm hơn. Ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng trường học của các con bạn có thể bị đóng cửa tạm dừng hoạt đông như các nơi có dịch khác, hãy thử hỏi ý kiến công ty bạn xem có thể cho phép nhân viên làm việc ở nhà không.

Việc tìm hiểu xem nếu dịch bệnh xảy ra thì nên theo dõi, cập nhật tin tức từ cơ quan, tổ chức, trang web nào cũng rất quan trọng.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là tồi tệ nhất, có chuẩn bị vẫn hơn. Chúng tôi xin giới thiệu một tài liệu tham khảo về Chương trình Hành động để đối phó với Tình trạng khẩn cấp cho Gia đình của nước ngoài. 

02. "Tắt máy" và "học sống" ở hiện tại

Cập nhật tin tức để biết điều gì đang xảy ra là quan trọng nhưng chớ để bị "ám ảnh" hoặc "chết đuối khi bơi" trong biển thông tin. Đọc quá nhiều thông tin nhiều khi lại gây thêm vấn đề, vì khả năng đọc phải những tin không chính xác, tin đồn, "tin bẩn" sẽ cao hơn và bạn sẽ tự làm mình thêm hoang mang, sợ hãi.

Thật ra, như một phân tích trước, đọc nhiều thông tin không hề giúp bạn giảm nguy cơ nhiễm virus. Hãy tắt máy tính, bỏ điện thoại di động sang một bên để tập trung vào hiện tại trước mắt. Nhận thức và thực hành những việc thiết thực quanh mình sẽ giúp bạn thấy an tâm hơn. 

Một cách hữu ích khác là thực hành chánh niệm; hãy tìm hiểu thêm về từ khóa này nhé!

03. Đảm bảo có một giấc ngủ ngon

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nghỉ ngơi tốt hơn có hệ miễn dịch tốt hơn để "chống đỡ" với virus. Trong một nghiên cứu thực hiện ở Đại học California, người ta đã thử xịt virus cảm thông thường vào mũi của những người khỏe mạnh. Kết quả cho thấy những người ngủ ít nhất là những người dễ bị "dính bệnh hơn.

04. Tập thể dục và ăn uống lành mạnh

Lời khuyên này có vẻ đã quá quen thuộc nhưng trong những lúc hoang mang như thế này, nhấn mạnh lại một lần nữa vẫn là cần thiết. Tập thể dục hàng ngày giúp nâng cao thể trạng, làm tinh thần sảng khoái và tăng cường miễn dịch. Chỉ đơn giản là đi bộ cũng giúp tốt cho tim mạch, giảm nguy cơ các bệnh mãn tính.

Tham gia tập thể dục với bạn bè cũng giúp bạn vui vẻ hơn. Trong những ngày này, việc tập thể dục tại nhà với video trên mạng (xem link tham khảo) có thể là một gợi ý hữu ích. Nếu đi tập thể dục ở nơi công cộng, hãy lưu ý hơn tới những vị trí mà nhiều người cầm nắm/tiếp xúc và nhớ rửa tay cẩn thận ngay sau đó.

Chế độ ăn uống nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám, thịt nạc cũng giúp giảm căng thẳng, lo âu. Ăn nhiều đường và các thực phẩm chế biến sẵn được cho là làm tăng phản ứng viêm và giảm chức năng miễn dịch.

05. Rửa tay sạch sẽ và thay bắt tay bằng chạm chân/cùi chỏ khi gặp nhau

Khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta không thể khử trùng tất cả môi trường xung quanh. Nhưng chỉ qua một vài hành động nhỏ, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm cả lo lắng nữa.

Virus corona mới SARS-CoV-2 lây nhiễm từ người này sang người khác qua tiếp xúc và bằng các giọt li ti "bắn ra" từ người bệnh. Vì các giọt bắn này có thể bay xa khoảng 1m trước khi rơi xuống đất hay các bề mặt xung quanh như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, bàn ghế… hãy cố gắng giữ khoảng cách ít nhất 2m để giảm nguy cơ.

Cũng cần lưu ý lại rằng việc rửa tay đúng cách, đúng thời điểm sẽ giúp phòng ngừa một cách dễ dàng và hiệu quả nhất. Hãy rửa tay ít nhất trong 20 giây bằng xà phòng và nước sạch. Nếu dùng dung dịch rửa tay nhanh thì hãy dùng sản phẩm có cồn theo khuyến cáo (nồng độ trên 70%). 

Ngoải ra, nên tạm thời từ bỏ việc bắt tay, ôm nhau hay tiếp xúc gần, và thay bằng cách chào hỏi "ít va chạm" hơn như mốt mới là chạm cùi chỏ/chân nhau.

Nhóm tác giả: 

Nghiên cứu sinh Ngô Thị Hương, Khoa huyết học, Trường Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Ths. Nguyễn Thạch Hà, Chuyên ngành Tâm lý học, Đại học Melbourne, Australia.

TS.BS. Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo

https://adaa.org/node/5109

https://www.npr.org/sections/health-shots/2020/03/03/811656226/pandemic-panic-these-5-tips-can-help-you-regain-your-calm?utm_source=facebook.com&utm_campaign=npr&utm_term=nprnews&utm_medium=social&fbclid=IwAR3Qvm9dzDaxR0Bdz3SBSkPFDAAlg8tISgBaRwLwugaxOsArMKOK_CGTXfc

https://www.forbes.com/sites/traversmark/2020/03/06/the-hysteria-of-coronavirus-and-how-to-avoid-it/#67bff3646683

https://soha.vn/hai-benh-dich-an-theo-virus-corona-nguoi-thi-bi-tranh-nhu-tranh-ta-ke-ton-hao-qua-nhieu-nang-luong-song-20200212150859829.htm

https://yhoccongdong.com/thongtin/chuong-trinh-hanh-dong-de-doi-pho-voi-tinh-trang-khan-cap-cho-gia-dinh/

https://www.youtube.com/watch?v=-SSYX8sIOmM

5 cách dập đại dịch hoảng sợ vì Covid-19: Cách thứ 5 bạn đã từng nghe chưa? - Ảnh 4.