Phải chăng chỉ xuất ngoại, game thủ Việt mới tìm được chỗ đứng ở đấu trường đỉnh cao?

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/06/2016 0:00 AM

Để được "xuất ngoại", game thủ sẽ phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng một khi đã tập trung vào mục tiêu đã đặt ra, thi đấu, tập luyện hết sức mình, đôi khi vận may sẽ mỉm cười

Giống như bất kỳ môn thể thao nào, một khi đặt chân tới những giải đấu lớn với tầm cỡ quốc tế, bản thân những game thủ chuyên nghiệp luôn phải đối mặt với rất nhiều thứ: Từ cách nhìn của gia đình, thậm chí là đến cả vấn đề Quốc thể, vì ở một mức độ nhất định, họ, những game thủ cùng đứng dưới một lá cờ, đang thay mặt cho cả một dân tộc, một đất nước đối đầu với những gaming team đến từ các quốc gia khác.

Và rồi, phía sau vinh quang, game thủ chuyên nghiệp luôn phải đánh đổi rất nhiều điều…

Hy sinh vì sự nghiệp

Rất, rất nhiều những game thủ chuyên nghiệp hiện vẫn còn đang trong độ tuổi đi học. “Thần đồng” Faker của SKT.T1 năm nay mới 20 tuổi. Trong khi đó Clement Ivanov, "sếp sòng" Puppey năm nay mới bước sang tuổi 27.

Điều này có nghĩa là, việc chơi game, tham gia những giải đấu từ online tournament đến những giải đấu LAN chắc chắn sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ đến việc học tập của họ, nếu họ không coi eSports là sự nghiệp lâu dài mà vẫn cùng lúc song song theo đuổi cả hai.

Điều này không chỉ xảy tới với những game thủ còn đang trong độ tuổi đến trường hoặc theo đuổi những cấp đào tạo cao hơn như đại học chẳng hạn. Cũng giống như những vận động viên thể thao, độ tuổi giúp những game thủ chuyên nghiệp có thể đứng trên đỉnh cao sự nghiệp thường không kéo dài lâu. Rất hiếm có những pro gamer còn trụ lại được tại các giải đấu sau độ tuổi 30.

Lý do là, ở một độ tuổi nhất định, phản xạ cũng như khả năng quan sát chiến thuật của game thủ sẽ ngày một suy giảm. Đến một lúc nào đó, họ sẽ tự chứng tỏ mình là một cựu binh không hơn không kém, khi không thể đối chọi lại được những game thủ trẻ tuổi đầy kỹ năng và phản xạ chính xác.

Cách đây không lâu, GameK cũng từng đăng tải một bài viết về cuộc sống sau khi từ giã ánh đèn sân khấu, từ giã vinh quang khi đứng trên bục nhận phần thưởng tại các giải đấu tầm cỡ quốc tế của những game thủ chuyên nghiệp.

Nhiều hướng đi được đặt ra, ví như trở thành huấn luyện viên, sử dụng kinh nghiệm trong quá khứ để dìu dắt thế hệ trẻ. Một hướng khác là trở thành những caster, những bình luận viên chuyên nghiệp. Trong khi đó, cũng không ít game thủ khác tự kiếm cho mình một việc làm sau khi giải nghệ, ví như support triệu đô Joakim “Akke” Akterhall của Alliance đã bắt đầu công ty riêng của mình, Mobile Storytelling, phát triển các ứng dụng Android và iOS.

Cái nhìn của gia đình

Nếu đã theo dõi Free To Play, những fan cuồng DOTA 2 có lẽ sẽ nhận thấy một sự tương phản đến mức đầy mâu thuẫn giữa Fear, đội trưởng Online Kingdom lúc bấy giờ, và hyhy, người đảm nhiệm vị trí carry tại Scythe Gaming tại thời điểm International lần thứ nhất diễn ra.

Cả hai gia đình của hai game thủ, một phương Tây, một phương Đông này đều giống nhau ở điểm, họ vẫn còn chưa dám tin vào việc một hình thức giải trí (chơi game) lại có thể trở thành một nghề hái ra tiền đúng nghĩa đen. Tuy nhiên cách ứng xử với con cái, những game thủ chuyên nghiệp của cả hai gia đình lại rất khác nhau.

Trong khi bà Karen, mẹ của Clinton “Fear” Loomis vẫn còn chút hoài nghi, nhưng bà vẫn có phần nào đó ủng hộ con trai mình và vô cùng tự hào khi anh cùng Online Kingdom giành được vị trí thứ 7 tại giải vô địch thế giới và mang về số tiền thưởng 25.000 USD. Và giờ đây "bố già" cuối cùng cũng ghi tên mình vào danh sách những huyền thoại với chức vô địch TI5 năm ngoái.

Trong khi đó, rất nhiều những game thủ đã tỏ ra thông cảm với hyhy. Tuy rằng chỉ đứng sau EHOME và Na’Vi, xếp vị trí thứ 3 với giải thưởng 250.000 USD, nhưng hyhy vẫn phải hứng chịu sức ép từ gia đình, những người muốn con cái mình có bằng cấp tử tế, có công ăn việc làm ổn định với thu nhập cao, đơn giản vì họ không muốn con mình phải vất vả như chính bản thân họ, những người hàng ngày phải nai lưng kiếm sống cho gia đình.

Sự lo lắng của gia đình dành cho những game thủ chuyên nghiệp, đặc biệt là tại châu Á, là hoàn toàn có cơ sở. Trong mắt các ông bố bà mẹ, những người đã trải qua tuổi thơ mà không có trò chơi điện tử, việc con cái họ ngồi lỳ suốt cả ngày để chơi game luôn chỉ mang tính chất giải trí và có gì đó rất “vô bổ”.

Ngay cả về thành tích, người Á đông cũng luôn muốn mình phải đạt được thành tích cao nhất, chính vì thế cho dù giành hạng hai tại The International 2011, nhưng các chàng trai EHOME vẫn không thể giấu được sự thất vọng, vì ánh đèn sân khấu và những tiếng reo hò cổ vũ thì luôn chỉ dành cho kẻ đứng ở vị trí độc tôn.

Nhưng vấn đề đầu tiên là... tiền đâu

“Một khi bạn đã đạt đến đỉnh cao của sự cạnh tranh, bạn sẽ nghĩ có lẽ mình nên đưa điều này lên một tầm cao mới, nơi mà sở thích giờ đây sẽ là một công việc đích thực”, ppd đã từng tâm sự về hành trình dài để có được vị trí đội trưởng của một đội game chuyên nghiệp như ngày nay. ppd thực chất bắt đầu sự nghiệp game thủ của mình ở tựa game Heroes of Newerth, và đã hình thành nên niềm đam mê cũng như những kỹ năng cần thiết qua hơn 6 năm. Universe cũng trải qua một khoảng thời gian tương tự như vậy.

Vậy làm sao để như ppd nói, đó là đưa sở thích hằng ngày trở thành một công việc kiếm tiền? Điều quan trọng ở đây đó là sự phụ thuộc vào những ai sẽ phát hiện tài năng và tuyển dụng bạn để thành lập nên một team e-Sport chuyên nghiệp. Hiện tại thì có khá nhiều tổ chức lớn về thể thao điện tử như Natus Vincere, Evil Geniuses, Cloud9 Gaming hay Virtus Pro. Những tổ chức này sẽ trả lương cho các đội ngũ ở nhiều bộ môn khác nhau như DOTA 2, League of Legends, StarCraft II, Call of Duty hay CS:GO).

Ở Việt Nam, những đơn vị đầu tư bài bản eSports quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vòng quay "cơm áo gạo tiền" đã khiến nhiều game thủ chuyên nghiệp phải rời bỏ ước mơ khi chơi game... không kiếm ra tiền. Và một lựa chọn cho những game thủ Việt muốn tận tâm theo đuổi những gì mình yêu mến chính là... xuất ngoại.

Một trường hợp điển hình đang khiến cả làng game Việt phải dõi theo từng giây từng phút không ai khác chính là SOFM. Trong cuộc sống cũng như tựa game Liên Minh Huyền Thoại, yếu tố may mắn không thể thiếu bởi chúng ít nhiều ảnh hưởng phần nào tới thành quả. SOFM cũng vậy, việc em may mắn không thể bàn cãi dù tài năng có thừa trên đất Trung Quốc đầy bon chen, thử thách.

Thế nhưng dù có may mắn đến đâu đi chăng nữa, phải khẳng định một điều, SOFM có thực lực, phải như vậy em mới có thể lọt vào mắt xanh của những ông chủ tại Snake eSports. Và số lượng những game thủ Việt có kỹ năng, cái đầu lạnh và tư duy của một game thủ kỳ tài như SOFM tại Việt Nam thật sự không nhiều, xét đến số lượng rất đông đảo game thủ chơi LMHT tại nước ta.

Để được "xuất ngoại", game thủ sẽ phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng một khi đã tập trung vào mục tiêu đã đặt ra, thi đấu, tập luyện hết sức mình, đôi khi vận may sẽ mỉm cười với những người đang coi eSports là lẽ sống.