[Tin tổng hợp] MC Lại Văn Sâm bị mạo danh trên Facebook; Olympics 2012 cấm chia sẻ nội dung trên internet

PV  | 30/04/2012 0:00 AM

Thế giới Internet thời gian qua có những điều thú vị gì? Hãy cùng GenK khám phá.

Facebook Hackathon-Cuộc thi của Facebook dành cho những hacker 


Vừa qua, Facebook Hackathon-cuộc thi dành cho các hacker của mạng xã hội hàng đầu hành tinh Facebook đã được tổ chức ở trụ sở chính của hãng, tọa lạc tại Menlo Park, California. Hình thức của cuộc thi này khá đơn giản: Trong một khoảng thời gian nhất định, người thi sẽ phải lập trình và đưa ra những ý tưởng mới, khả thi có thể tích hợp lên mạng xã hội Facebook. Điều thú vị ở đây là, không chỉ dành cho các lập trình viên và các chuyên gia truyền thông, cuộc thi này còn dành cho cả….hacker!


Dĩ nhiên, những ý tưởng trong cuộc thi này không phải được đưa ra để rồi cất vào tủ kính trưng bày cho đẹp. Điển hình như tính năng chat, hay thậm chí là giao diện Timeline-vốn chỉ là những ý tưởng bắt nguồn từ những cuộc thi lần trước - đã được Facebook đưa vào ứng dụng trong thực tế.


Bên cạnh việc tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, đây còn là dịp để các kĩ sư của Facebook xả hơi sau những tuần làm việc căng thẳng và thực hiện những dự án theo niềm đam mê của bản thân. Để tham gia cuộc thi thú vị này, bạn chỉ cần có một yêu cầu nhỏ là biết lập trình. Cứ 6-8 tuần, Facebook lại tổ chức một cuộc thi như thế này, và tính cho tới giờ, đã có tới 30 cuộc thi được tổ chức.
 
Phân nửa mục thông tin về doanh nghiệp trên Wikipedia bị sai sót

Khi cần tìm kiếm một thông tin nào đó chuyên sâu, từ điển mở Wikipedia có thể sẽ là trang hữu ích đối với bạn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, 60% thông tin tìm kiếm trên từ điển bách khoa toàn thư này là những mục thông tin sai sót. Phần lớn chúng là thông tin về các tổ chức, doanh nghiệp.

Với một tài khoản, bất cứ ai đều có thể nhập vào một bài viết trên trang từ điển mở này, nhưng các doanh nghiệp có xu hướng thuê các chuyên gia quan hệ công chúng (PR) thực hiện công việc này. Tuy nhiên, 25% các doanh nghiệp không hề kiểm tra lại độ chính xác của những thông tin được chuyên gia PR đưa lên. Bên cạnh đó, rất khó khăn để sửa chữa những thông tin này. 65% số người tham gia khảo sát cho biết họ không thể yêu cầu chỉnh sửa thông tin sai qua các trang trò chuyện (Talk-pages) của Wikipedia thành công. 


Khi người tham gia sử dụng các trang này để yêu cầu chỉnh sửa, 40% người khảo sát cho biết họ nhận được phản hồi trong vòng một ngày, 12% nhận được trong vòng 1 tuần, trong khi 24% người tham gia không hề nhận được bất cứ câu trả lời nào cả; mặc dù Wikipedia đã nêu rõ rằng thời gian phản hồi tiêu chuẩn của họ là từ 2-5 ngày.


Bên cạnh những người không biết chỉnh sửa thông tin trên Wikipedia, 23%  người thông thạo với quá trình chỉnh sửa cho hay việc sửa chữa dường như là một “nhiệm vụ bất khả thi” đối với họ, trong khi 29% số người nhận định nỗ lực của họ dường như không được các biên tập viên của Wikipedia coi trọng.

Ai là người cần mẫn nhất trên Internet?
 

Trong khi đó, Justin Knapp, 30 tuổi, anh chàng tốt nghiệp ngành Triết học tại Đại học Indiana (Mỹ) đã được coi là người cần mẫn nhất trên Intenet khi đã thực hiện được 1 triệu lượt biên tập trên bộ từ điển bách khoa trực tuyến này vào ngày 20/4 vừa qua. Từ năm 2005, trung bình mỗi ngày anh đã chỉnh sửa 385 nội dung, tức 4 phút một lượt biên tập. Jimmy Wales, nhà sáng lập trang từ điển trực tuyến này đã gọi ngày 20/4 là ngày Justin Knapp. "Đối thủ" gần nhất của Knapp là Neil Edwards đến từ xứ Wales, người đã thực hiện hơn 600.000 lượt biên tập.

Wikipedia hiện có hơn 90 000 biên tập viên hoạt động hoàn toàn tự nguyện. Từ năm 2007, trước những chỉ trích về thông tin sai, Wikipedia đã loại bỏ cơ chế cho phép tất cả mọi người đều được tham gia chỉnh sửa thông tin. Khi thấy một thông tin sai, họ có thể báo cáo với nhóm biên tập qua trang Talk-page.

Tung “ảnh nóng” của bạn gái lên Facebook, một thanh niên phải ngồi tù


Một thanh niên ở New South Wales (Australia) mới đây đã phải nhận mức án 6 tháng tù vì dại dột…tung ảnh “nóng” của cô bạn gái lên tài khoản Facebook cá nhân của mình. Theo thông tin trên trang Cnet, Usmanov (20 tuổi) đã chia sẻ 6 tấm ảnh khỏa thân của cô bạn gái cũ trên Facebook sau khi hai người “ai đi đường nấy”. Sau đó, anh ta đã gửi email cho cô bạn gái “đen đủi” để thông báo cho cô về việc làm này.

 


Cô bạn gái sau nhiều lần yêu cầu Usmanov gỡ ảnh xuống không thành công đã làm đơn kiện anh chàng ra tòa. Hành động đăng ảnh khỏa thân của người khác lên mạng sẽ hủy hoại danh dự của họ và luật pháp Australia không cho phép điều đó. Kết thúc vụ án này, anh chàng dại dột phải nhận 6 tháng tù giam.


Cấm người xem chia sẻ ảnh, video về Olympics Luân Đôn 2012 trên Internet.

Ban tổ chức Olympics 2012 vừa qua đã khiến không ít người hâm mộ thể thao khó chịu khi đưa ra quy tắc “lãng xẹt”: Hạn chế hoặc cấm tuyệt đối người xem chia sẻ hình ảnh, video về Olympics Luân Đôn mà họ có.



Ban tổ chức yêu cầu khán giả phải giữ kín các hình ảnh, video về các sự kiện diễn ra trong toàn bộ thời gian của Thế vận hội 2012. Như vậy, người xem sẽ không được phép chia sẻ bất cứ hình ảnh, video nào lên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter.... Nếu không chấp hành, Ban tổ chức sẽ đưa ra hình phạt nặng đối với họ. Tuy nhiên, họ chưa thông báo cụ thể hơn về những hình phạt này. Quy định “tréo ngoe” trên ngay lập tức đã tạo nên một làn sóng phản đối dữ dội.

Việt Nam: MC Lại Văn Sâm ngỡ ngàng khi thấy mình bị mạo danh trên….Facebook

Theo thông tin trên website chính thức của Đài truyền hình Việt Nam (vtv.vn), giám khảo của chương trình SV2012 cho biết, qua một số đồng nghiệp, anh được biết trên Facebook, mạng xã hội lớn nhất và phổ biến nhất hiện nay, có tài khoản lấy tên anh, với hình ảnh đại diện (avatar) là hình ảnh của anh và thường xuyên được cập nhật các status. Nhiều khán giả truyền hình lầm tưởng đó là trang Facebook của anh nên đã vào bình luận hay có những ý kiến chia sẻ, đóng góp.

Tuy nhiên, nhà báo Lại Văn Sâm khẳng định, anh chưa bao giờ và cũng không bao giờ có ý định sẽ có một tài khoản Facebook hay tham gia bất cứ một mạng xã hội nào khác.

Fanpage "fake" của MC Lại Văn Sâm (Ảnh: VTV).


 “Tất cả những tài khoản có tên tôi hay hình ảnh của tôi trên Facebook đều do những người khác lập và tôi cũng không hiểu lý do vì sao các bạn ấy lại làm thế. Như các bạn đều biết việc lấy hình ảnh tôi hay một ai đó khác trên Internet hiện nay dễ như thế nào. Qua báo điện tử VTV.vn, tôi xin khẳng định lại tôi chưa bao giờ và cũng không bao giờ có ý định tham gia bất cứ một mạng xã hội nào. Những tài khoản mà các bạn thấy hay đã từng bình luận đều là giả mạo”. 

“Ăn theo người nổi tiếng, các fanpage” hiện giờ không phải là một tình trạng quá hiếm hoi trên Facebook. Không chỉ có riêng MC Lại Văn Sâm, nhiều người mẫu, ca sĩ, diễn viên hay các fanpage nổi tiếng cũng bị “ăn theo”, xuất hiện nhan nhản  "hàng giả" trên Facebook và các mạng xã hội khác. 

(Tổng hợp, tham khảo: Mashable, Cnet, Telegraph, VTV...)