- Theo Helino | 09/06/2019 05:30 PM
Hồi đầu tháng 6 này, cụ thể là ngày 7/6/2019, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã công bố rằng YouTube và Google đã có rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo đó thì tình trạng các clip với nội dung "độc hại" đang gia tăng trên mạng xã hội chia sẻ video này.
Nguyên nhân được tóm gọn bởi những sai phạm do người dùng, những người sáng tạo nội dung trên youtube (content creator), công ty quản lý đa kênh của Google tại Việt Nam (MCN), các đại lý bán quảng cáo và chính bản thân Google cùng Youtube.
Bản thân đại diện Youtube cũng gửi lại một bản báo cáo cho Bộ Thông Tin và Truyền Thông (Bộ TT&TT) và cho biết các nhà sáng tạo nội dung người Việt đang tạo ra rất nhiều clip sai phạm. Trong đó chủ yếu là: Nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng,... thậm chí nhiều nghệ sĩ trong mảng âm nhạc, hài kịch cũng đi theo trào lưu này.
Nhiều nội dung bẩn kích động bạo lực, dùng chất kích thích... xuất hiện trên youtube.
Ngoài ra, còn có nhiều thể loại độc hại hơn nữa đối với người xem, đặc biệt là độ tuổi trẻ em, thanh thiếu niên như cổ vũ cờ bạc, dùng chất kích thích, gợi tình, nghịch ngợm nhảm nhí. Chúng đều có một mục đích duy nhất là kéo view thật cao để câu lại tiền quảng cáo.
Kênh trẻ em nhưng đầy cảnh hở hang gợi dục và bạo lực.
Trong những năm gần đây phong trào làm clip trên Youtube đang nở rộ với phần ăn chia quảng cáo kếch xù. Nhiều kênh nhận được nút vàng, nút bạc có thu nhập hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ vào các loại nội dung bẩn.
“Ban đầu, khi xây dựng kênh các nhà sáng tạo thường làm các nội dung tốt, nhưng sau đó dần dần họ chuyển hướng sang làm các nội dung sai phạm để câu view, câu like nhiều hơn, mục đích là để kiếm được nhiều quảng cáo. Nhưng dần dần nhiều người có xu hướng đi theo con đường “tà đạo”, làm các nội dung sai phạm, vô bổ để câu view, chủ yếu mấy nội dung chính là gợi dục, hở hang, khiêu dâm, bạo lực”, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng Youtube chịu trách nhiệm chính khi những nội dung này lan tràn bởi đây chính là cơ quan điều hành. Họ trực tiếp nắm giữ tới 130.000 kênh tiếng Việt, bên cạnh khoảng 6000 kênh nằm 'dưới trướng' các công ty quản lý đa kênh (MCN) là Yeah1, POPS, METUB, Điền Quân, BHMedia
Bản thân Youtube từng đổ lỗi cho các MCN, động thái rút giấy phép của Yeah1 là một minh chứng cụ thể nhất. Song số lượng kênh họ trực tiếp quản lý rất lớn và cũng "rác" vô cùng, nên chính bản thân mạng xã hội chia sẻ video này mới có vấn đề.
Bản thân Youtube gặp nhiều vấn đề trong khâu quản lý nội dung, ở mức độ toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam.
Thực tế thì trên phạm vi toàn thế giới, Youtube cũng đang gặp vấn đề tương tự khi không thể kiểm soát được nội dung đăng tải trên trang. Có rất nhiều nội dung vi phạm bản quyền, mang tính bạo lực cao và kích động người xem được đăng tải. Chúng đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em và độ tuổi thanh thiếu niên nên liên tục bị chính quyền các quốc gia phản đối.