Chơi game là một hình thức giải trí rất tốt cho những ai muốn tìm đến để giảm stress những giờ làm việc mệt mỏi hay cho những người muốn quên đi những muộn phiền của cuộc sống hàng ngày mình thường phải trải qua. Thế nhưng, nếu bạn không biết kiểm soát thời gian dành cho game thì nhiều khi vô hình chung chính bạn đã trở thành một "con nghiện" game chính hiệu từ lúc nào mà mình không hay.
Những đối tượng nghiện game đến từ nhiều lứa tuổi và nhiều tầng lớp khác nhau, từ học sinh, sinh viên cho đến người đi làm, ở nhà, hoặc có thể đến từ cả những vị sếp khó tính hàng ngày mà bạn tiếp xúc nữa. Tất cả mọi người đều có thể nghiện game và chính bạn cũng vậy.
Những người bình thường họ sẽ chỉ chơi game trong một khoảng thời gian nhất định là sẽ thôi hoặc sẽ nhanh chán. Thế nhưng, những người nghiện game luôn có thể chơi hàng giờ liên tục không nghỉ bên cạnh máy tính hay smartphone của mình. Người nghiện game sẽ không có khái niệm hay định hình được thời gian hay không gian khi chơi game.
Trong tâm trí người nghiện game luôn xuất hiện những hình ảnh của trò chơi nhảy múa trong đầu kể cả khi đang ngủ hay đang thức để rồi lại ảo tưởng về sức mạnh của mình . Nếu bạn biết một người nào đó mà ngày nào cũng phải vào game ít nhất 4, 5 lần và luôn miệng nhắc tới game mình đang chơi thì đấy thực sự là một game thủ nghiện game chính hiệu rồi đó. Điều này thật sự không đến mức là những biểu hiện của người nghiện game tiêu cực hay quá lố mà chỉ do họ có sự đam mê quá mạnh mẽ về những game mình chơi mà thôi.
Thời gian qua, chúng ta đã được theo dõi hàng trăm bài báo bàn luận xung quanh vấn đề "nghiện game". Thậm chí game còn được ví với khái niệm ma túy số với khả năng biến con người từ chỗ "con ngoan trò giỏi" trở thành "kẻ vô ích cho xã hội", điều này không khỏi khiến các bậc phụ huynh đứng ngồi không yên mỗi lần thấy con cái mình "tý toáy" trước màn hình vi tính.
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận biết một game thủ thực thụ và kẻ nghiện game chính là sự thay đổi sở thích theo tuổi tác. Nói một cách dễ hiểu thì với người bình thường, dù ham mê game đến đâu chăng nữa thì giai đoạn "máu lửa" cũng chỉ gói gọn lại trước thời kỳ 23, 24 tuổi (hoặc cùng lắm là 30).
Thông thường, sau khi ra trường và kiếm việc làm thì hầu hết game thủ (kể cả các cao thủ eSport) cũng bắt đầu phai nhạt dần nhu cầu chơi game hàng ngày, họ bắt đầu xếp món ăn này xuống dưới nhiều nhu cầu khác như kiếm tiền, xây dựng gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội khác. Không ít tín đồ ảo đều nhận thấy rõ rằng càng ngày mình càng "chán" game khi tuổi tác lớn dần, một số còn đoạn tuyệt hoàn toàn cả chuyện online yahoo chứ không riêng gì trò chơi trực tuyến.
Cùng với đó khoảng thời gian chơi cũng là dấu hiệu thường được người ta nhắc tới khi định nghĩa thế nào là "nghiện game". Một số bài báo trước đây trích dẫn lời các bác sỹ trong nước rằng cứ chơi quá... 2 tiếng một ngày là nghiện, rõ ràng thời gian chơi là yếu tố quan trọng để thấy sự đam mê quá độ hay không, nhưng 2 tiếng đồng hồ thì quá ít ỏi và bình thường.
Theo nhiều game thủ nhận định trên diễn đàn, một người thông thường có thể chơi tới 4 tiếng đồng hồ 1 ngày mà họ vẫn giữ được cuộc sống cân bằng. Số khác có thể chơi nhiều hơn nhưng đa phần là "cắm auto" còn bản thân chỉ thực sự online trong 2, 3 tiếng. Nói cách khác, 4 ~ 5 giờ chơi một ngày là ngưỡng phù hợp với tầng lớp "ham game".
Rất nhiều ông bố bà mẹ đã lên tiếng phàn nàn thậm chí lên án game vì con cái họ chơi game quá nhiều, chểnh mảng học hành. Thế nhưng một vấn đề còn tồn tại là, các cô bé cậu bé còn đang độ tuổi ăn tuổi chơi thì làm sao mà có ý thức tự kiểm soát bản thân, trong khi các vị phụ huynh không có những cách quản lý con em hiệu quả?
Bản thân những người lớn, đã có công việc, gia đình thậm chí còn nghiện game hơn nhiều. Họ bỏ nhiều tiền bạc, thời gian vào game, dẫn tới những vấn đề không mong muốn. Phải khẳng định một điều, khi bạn nghiện game, không kiểm soát được bản thân, thì game không bao giờ có lỗi do game quá cuốn hút. Lỗi là ở chính bạn không thể nào quản lý được thời gian của bản thân và bị nghiện game.