- Theo Trí Thức Trẻ | 19/07/2017 02:08 PM
Vốn biết người Nhật rất khéo trong việc tô vẽ, tạo dựng cảm xúc, nhưng không đơn thuần chỉ vậy, họ còn gửi cả suy nghĩ cá nhân, sự châm biếm, trào phúng từ hiện thực vào trong những tác phẩm anime của mình. A Silent Voice, K-On!, ReLife là những bộ anime như vậy, nó không chỉ đem đến cho người xem những giây phút giải trí nhất thời mà đó còn là cả một cái nhìn chân thật, khách quan về thế hệ học sinh trung học Nhật Bản ngày nay.
Không giống như nhiều anime lấy bối cảnh trường học nhưng đó chỉ là cái cớ để kể về những chuyện không liên quan, theo dõi 3 bộ anime này, bạn sẽ phát hiện ra rằng các vấn đề học đường xảy ra nhan nhản như 1 điều rất hiển nhiên. Sự bạo lực về thể chất, về tinh thần, sự cô lập, ghen ghét, tranh đấu, thù hằn luôn song hành cùng những mặt tốt trong môi trường giáo dục.
Có thể nói, đây là 3 câu chuyện không mới về học đường nhưng lại là những bài học ý nghĩa rất đáng để suy ngẫm về lứa tuổi vị thành niên và những tâm sự không thể nói thành lời, 1 thời tuổi trẻ với những đau đáu về tương lai ai cũng từng trải qua và ai cũng thấy 1 phần nào mình ở trong đó.
A Silent Voice
A Silent Voice là một tác phẩm tiêu biểu đề cập đến cả 2 mặt tiêu cực và tích cực của cuộc sống trung học được chuyển thể từ manga nguyên tác của họa sĩ Yoshitoki Oima đã giành được nhiều giải anime danh giá tại Nhật Bản.
Nội dung phim kể về một nam sinh cao trung tên là Shoya Ishida muốn bắt đầu lại mối quan hệ tốt đẹp với Shouko Nishimiya – cô bạn học khiếm thính đã bị cậu làm tổn thương cả về cảm xúc lẫn thân thể khi học chung lớp trước đây. Từng mạch phim trôi đi giúp người xem nhận ra rằng, những cảm xúc ban sơ của tuổi mới lớn và những lần “đổ vỡ”, va chạm đầu đời sẽ trở thành kỉ niệm, bài học, thậm chí là nỗi ám ảnh bám theo ta suốt quãng đời sau này. Và không phải ai cũng trải qua 1 quãng đời học sinh tươi đẹp, vui nhộn với những mảng hồng ký ức.
Bằng cách dẫn dắt người xem qua những câu chuyện đan xen giữa quá khứ và hiện tại, mặt tối trong góc khuất tâm hồn của mỗi người được lột tả 1 cách rõ nét nhất. Tác giả đã khéo léo chia nhỏ câu chuyện thành rất nhiều phân đoạn, những cảnh bắt nạt và sự cô đơn được đẩy lên đến cao trào và lắng dần cảm xúc bằng những hành động không lời của nhân vật. Thời gian chầm chậm trôi đi theo từng biểu cảm trên khuôn mặt các nhân vật, thậm chí có những khuôn mặt không được phác họa một cách rõ ràng, có thể là do họ chưa biết cách để diễn tả cảm xúc của mình như thế nào đối với người khác, hay với thực tại phũ phàng, nạn bắt nạt học đường nhan nhản khiến con người trở nên lãnh cảm với nhau…
K-On!
"K-On!" là anime về một nhóm nữ sinh thành viên của câu lạc bộ nhạc nhẹ suýt bị bãi bỏ vì tất cả cựu thành viên đã tốt nghiệp năm trước mang tên "Ho-kago Tea Time" của trường trung học Sakuragaoka. Mỗi thành viên của nhóm mang 1 màu sắc khác nhau với từng cá tính riêng biệt bao gồm Tainaka Ritsu, Akiyama Mio, Kotobuki Tsumugi, Hirasawa Yui và Nakano Azusa. Khi bắt đầu, họ gặp rất nhiều vấn đề nhưng qua mỗi tập, họ dần dần tiến bộ và phát triển tài năng của mình thông qua quá trình tập luyện chăm chỉ với một đam mê cháy bỏng của tuổi trẻ.
Sau khi trình làng vào năm 2009, anime "K-On!" đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng tại Nhật Bản bởi những điểm độc đáo của riêng nó, ví dụ như các khu vực xung quanh trường học và thành phố trong K-On! đều dựa trên những địa điểm có thật của Kyoto, Nhật Bản. Ngay cả cuộc sống hàng ngày dễ thương của các nhân vật cũng được tái hiện vô cùng sống động qua từng cảnh phim, từ sở thích uống trà lẫn thói quen tán gẫu và cách họ sử dụng thời gian cũng rất hợp lý.
Tất cả những điều trên đã giúp "K-On!" khẳng định vị trí khó thay thế của mình trong lòng khán giả. Những dư âm mà nó mang lại sẽ còn đọng mãi trong mỗi người thông qua hàng loạt bài hát hay, đầy cảm xúc và quãng đời học sinh đầy nhiệt huyết với những khao khát cháy bỏng chinh phục đam mê đến tận cùng. Những câu chuyện đời thường quá đỗi quen thuộc như chuyện làm việc bán thời gian, thi kết thúc kì tới vô vàn sự kiện của trường trung học… khiến không ít người xem phải thốt lên rằng họ như đang được sống lại quãng thời học sinh cùng với K-On.
ReLife
Relife là một câu chuyện kể về Arata Kaizaki, một nhân viên thất nghiệp 27 tuổi hiện đang trang trải cuộc sống nhờ vào tiền trợ cấp từ ba mẹ, một NEET chân chính. Một hôm trên đường về nhà sau khi say sưa với bạn bè, anh ta gặp một người lạ mặt xưng là Yoake Ryou. Yoake mời anh tham gia một cuộc thử nghiệm của viện nghiên cứu ReLIFE trong vòng một năm. Anh được cho uống 1 viên thuốc có khả năng làm khuôn mặt trẻ lại ở tuổi 17 và sống như học sinh cấp III bình thường, học phí khỏi lo đã có người đóng sau khi tham gia dự án được 1 năm sẽ giới thiệu công việc cho làm.
Điều đáng nói, dù trông như một đứa trẻ 17 tuổi nhưng tâm trí của nhân vật chính Arata vẫn là của một thanh niên 27 tuổi từng trải nhiều điều trong cuộc sống. Yếu tố này khiến cho ReLife giống như tấm gương phản chiếu 1 góc nhìn mới mẻ mà một người lớn sẽ làm và cảm giác của họ nếu đột nhiên được quay trở lại trường trung học một lần nữa nên dễ nhận được sự đồng cảm của người xem.
ReLife đã dựng lên một bức tranh cuộc sống muôn màu muôn vẻ của những cô cậu học trò cuối cấp bù đầu trong thi cử, của đám học sinh trung học luôn gặp rắc rối trong các mối quan hệ bạn bè, của những sinh viên vừa ra trường phải đối mặt với thực tế tiêu cực bên ngoài xã hội, hay của một nhân viên nhiệt huyết nhưng chịu áp lực công việc đè nén.
Qua đó, cùng với cách cách vận dụng những tình huống đơn giản nhưng khá thực tế, ReLife đã thành công trong việc xây dựng thông điệp của bộ phim là: “Hãy trân trọng hiện tại, trân trọng tuổi trẻ của mình và dũng cảm đối mặt với thực tại”.