- Theo Trí Thức Trẻ | 17/11/2016 04:20 PM
Chỉ ít ngày trước đây, Dishonored 2 đã dội một gáo nước lạnh vào cộng đồng những game thủ thích sử dụng crack khi tuyên bố ứng dụng Denuvo, công cụ bảo vệ bản quyền game và nội dung số. Mặc dù trong quá khứ Denuvo đã từng bị khuất phục bởi các hacker tuy nhiên quá trình này trung bình cũng phải mất tới vài tháng. Đặc biệt khi mà Denuvo liên tục cập nhật chương trình của mình, việc bẻ khóa game sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Và đến Watch Dogs 2, Ubisoft lại tiếp tục sử dụng Denuvo để bảo vệ bản quyền tựa game. Thực tế thì đây không phải là lần đầu tiên Ubisoft áp dụng một trong những DRM mạnh nhất từng có này vào các sản phẩm game của họ. Trước đó, một số game như Far Cry Primal, Anno 2205, và Heroes of Might and Magic VII đã được bảo vệ bằng Denuvo. Trong tương lai gần, hàng loạt những tựa game khác của Ubisoft như Ghost Recon Wildlands, For Honor, Steep sẽ tiếp tục được sử dụng DRM này.
Điều này, nói một cách ngắn gọn, là cơn ác mộng đúng nghĩa đen với nhiều game thủ Việt, những người đang chờ ngày chờ đêm để game có crack sau đó tải miễn phí về máy tính và chơi. Lựa chọn duy nhất còn lại chính là việc game thủ sẽ phải bỏ tiền túi ra mua key game bản quyền mới có thể thưởng thức một trong những game hay ra mắt trong tháng 11 này.
Denuvo là một công nghệ chống game crack được phát triển bởi công ty Denuvo Software Solution GmbH, đến từ Áo. Công nghệ này hoạt động theo phương thức liên tục mã hóa và giải mã chính nó, ngăn chặn việc tác động và chỉnh sửa các tập tin gốc để từ đó, "bẻ khóa" phần mềm. Công nghệ này tốt đến mức, nhóm crack nổi tiếng 3DM cũng đã phải tuyên bố "bỏ cuộc" và ngừng nghiên cứu tìm cách bẻ khóa Denuvo. Và, các nhà làm game cũng hết sức tự tin rằng, các tựa game được Denuvo bảo vệ sẽ an toàn trong ít nhất là hai năm tới.
Và chính việc Denuvo bị khuất phục bởi những nhóm crack đã khiến không ít game thủ hoan hỉ. Chỉ nửa năm trước, điều này đã ngăn cản hàng nghìn game thủ Việt thích chơi game crack, thích dùng đồ chùa đến với tựa game họ yêu thích. Và lựa chọn cuối cùng để tiếp tục thể hiện tình yêu với game, không gì khác hơn chính là tự bỏ tiền túi ra mua key game bản quyền.
Quay trở lại với Watch Dogs 2. Hai năm kể từ khi Watch Dogs 1 ra mắt, phần hai của nó đã được Ubisoft Montreal công bố vào ngày 15/11 vừa qua. Lấy bối cảnh về thành phố San Francisco đầy rẫy tội phạm, Watch Dogs 2 là câu truyện xung quanh nhân vật Marcus Holloway, tin tặc làm việc trong một nhóm hacker bí ẩn.
Ngôi sao chính của Watch Dogs 2, Marcus Holloway là một hacker trẻ tài năng. Một nhân vật mạnh mẽ, cuốn hút, một chút điên rồ pha chút vui nhộn; có thể nói, anh ta đã có mọi thứ mà Aiden Pearce (nhân vật chính của Watch Dogs) không có được.
Yếu tố con người hẳn vẫn là điều quan trọng nhất trong việc tạo nên bầu không khí mới mẻ của Watch Dogs 2. Những hàng người rảo bước trên các con phố đầy bận rộn, một anh chàng nhìn ngó xung quanh qua chiếc kính VR, những chiếc drone trở thành “đồ chơi cá nhân”, mọi người hò reo, đánh đàn, nhảy múa, selfie… nó không vẽ lên một bức tranh u ám về thành phố bị “cai trị” và đời sống cá nhân con người bị xâm phạm như phần đầu, Watch Dogs 2 mang đến một âm hưởng phải nói là khá đời thường, nhưng vẫn phảng phất tính nổi loạn được khắc trong chủ đề của trò chơi. Nó không thiếu nghiêm túc và ngả màu châm biếm nhiều như Grand Theft Auto, mà cũng không sở hữu cái sự “trầm trọng hóa vấn đề” như Watch Dogs, mà nằm đâu đó ở giữa cả hai thái cực này.