Warframe - Từ kẻ vô danh trở thành người hùng và bài học cho ngành game Việt

Lão Lão  - Theo Trí Thức Trẻ | 10/08/2016 10:30 AM

Tất cả những NPH, các chuyên gia đều nói với Digital Extremes rằng Warframe sẽ thất bại. Tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực từng ngày, họ đã làm nên câu chuyện thần kỳ - câu chuyện mà nhiều NPH cũng như các nhà phát triển game Việt sẽ còn phải ngẫm nghĩ.

Vào thời điểm đầu năm 2013, sau 13 năm phát triển ròng rã, Digital Extremes (DE) cuối cùng đã phát hành thành công Warframe, tựa game free-to-play góc nhìn thứ 3 lấy đề tài viễn tưởng bắn súng ngoài không gian. Warframe có cốt truyện khá đặc biệt với sự pha trộn giữa công nghệ hiện đại với những giá trị cổ xưa, khi các Ninja được trang bị vũ khí tân tiến du hành tới tương lai để đối đầu với kẻ thù. Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển của trò chơi, đây thực sự là quãng thời gian không hề dễ dàng dành cho DE, cũng là điều đáng để học hỏi đối với những nhà phát triển game trong nước.

Khởi đầu tăm tối

Ý tưởng cho Warframe được thai nghén từ đầu năm 2000 với tên gọi ban đầu là Dark Sector. Như thông cáo báo chí đầu tiên được gửi đi vào tháng 2/2000, mục tiêu mà tựa game hướng tới là hợp nhất “các yếu tố hành động của Unreal: Tournament với việc phát triển các nhân vật trực tuyến trong một vũ trụ ”. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra như một đoạn Trailer được ra mắt vào năm 2008, Dark Sector là một cái gì đó hoàn toàn khác. Theo cuộc phỏng vấn từ Giant Bomb: Thông điệp từ nhà sản xuất đã rõ ràng: Không làm khoa học viễn tưởng - có vẻ như đây là việc "tiền hậu bất nhất". Thế nhưng DE không bao giờ quên định hướng phát triển ban đầu của trò chơi.

Trước khi có được thành công với Warframe, DE chỉ là một studio nhỏ với hoạt động chính là thực hiện các công đoạn phụ trợ, gia công cho nhiều nhà phát triển lớn. Họ đã hợp tác với Epic Game để cho ra mắt công cụ Unreal thế hệ đầu tiên. Bên cạnh đó, họ cũng tham gia vào quá trình phát triển BioShock và BioShock 2. Tựa game gần nhất mà DE độc lập sản xuất trước khi phát triển Warframe là The Darkness 2 - Đây là một sản phẩm thất bại. "Vạn sự khởi đầu nan", bắt đầu tồi tệ đã dội một gáo nước lạnh vào tham vọng cũng như ý chí của DE.

Tất cả quay lưng - Warframe đứng trước nguy cơ: “Bạn sẽ thất bại !”

Sau thất bại của The Darkness 2, DE quyết định quay lại phát triển Dark Sector với tên gọi mới là Warframe. Vào đầu năm 2012, một dự án mới đầy triển vọng đã được lập ra. “Chúng tôi có một tháng để hoàn thành bản dự án để James Schmalz (chủ tịch của DE), mang đến giới thiệu tại hội chợ GDC”, Steve Sinclair - giám đốc sáng tạo của DE chia sẻ. “Thật tuyệt vời, chúng tôi đã rất tự hào về dự án này”.

Tuy nhiên, một thực tế cực kỳ phũ phàng là hầu hết nhà phát hành lớn đều quay lưng với dự án mới của DE. “Các CEO bước vào, họ nhìn màn hình máy tính, thấy những bối cảnh khoa học viễn tưởng rồi lần lượt quay đi… RIP! Cuộc họp kết thúc”, Sinclair miêu tả về những gì đã diễn ra tại GDC.

Ra về từ GDC mà không thu lại bất cứ thứ gì, DE tiếp tục tìm kiếm nguồn tài trợ khác đến từ Hàn Quốc. Và vẫn là một câu trả lời quen thuộc “Bạn sẽ thất bại”. “Bạn sẽ thất bại vì tựa game này trông quá đẹp, và chúng tôi sẽ không thể vận hành một tựa game như vậy với phương thức free-to-play”, một nhà phát triển game người Hàn Quốc từng nói với Sinclair. Tại thời điểm đó, việc tìm kiếm nhà phát hành cho Warframe xem như đã đến lúc tuyệt vọng.

Đó là một cuộc khủng hoảng lớn về niềm tin và tinh thần. Tất cả những nhà phát hành đều quanh lưng lại với Warframe, thậm chí họ còn không ngần ngại chỉ trích tựa game này sẽ thất bại thảm hại. Trong tình cảnh không có nhà đầu tư, không có những trang thiết bị phát triển hiện đại, buộc phải tái cơ cấu - cắt giảm nhân sự, tinh thần toàn studio dao động, tuy nhiên, DE vẫn kiên định để phát triển Warframe mà “không cần bất cứ nhà phát hành nào”.

“Chúng tôi đã bị đá đít nhiều lần. Thất bại, thất bại và lại thất bại. Nhưng rồi DE đã không bỏ cuộc, chúng tôi quyết định tiếp tục phát triển Warframe mà không cần bất cứ nhà phát hành nào”. Sinclair – giám đốc sáng tạo của DE miêu tả lại như một điều phi thường.

Trong những tháng ngày đen tối đó, đường hầm bỗng lóe lên một tia sáng. Gói huy động vốn từ cộng đồng Warframe’s Founder’s Packages đã bắt đầu có những nhà tài trợ đầu tiên. Một cộng đồng nhỏ những người cùng chung đam mê đã được hình thành từ đây. DE hiểu rằng "một khi bóng bắt đầu lăn, nó sẽ không bao giờ dừng lại".

Mặc dù đã vấp phải rất nhiều ý kiến chê bai nhưng Sinclair cho biết họ không bao giờ cảm thấy dao động.

“Đó là sự đột biến đầu tiên để tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi. OK ! Chúng tôi sẽ làm được điều này. Ngay cả khi chủ đề khoa học viễn tưởng bị cho là không có đất sống, Warframe sẽ tìm kiếm được khách hàng của riêng mình”. – Sinclair nói.

Những “nhẫn giả” của Digital Extremes và sự vươn lên từ những lời chê bai

Có một điểm thú vị rằng bối cảnh trong game là các Ninja (nhẫn giả) chiến đấu với kẻ thù ở một không gian tương lai xa xôi thì ngay tại DE – toàn bộ đội ngũ nhân sự giống như các “nhẫn giả” với sự “nhẫn nại” của mình đang đương đầu với vô vàn khó khăn, cùng cực.

Một yếu tố làm nên thành công của Warframe chính là việc nó đã từng bị nhiều nhà phát hành từ chối, họ đã sử dụng những lời phê bình đó như một lợi thế để phát triển. Bởi vì NPH đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của game, Warframe đã có thể tránh được những sai lầm lớn trong quá trình phát triển. Với việc từng tiếp cận với nhiều nhà phát triển game free-to-play lớn nhất trên thế giới, DE đã biết được chính xác những gì họ phải làm và không nên làm.

Trong gần 4 năm phát hành, Warframe đã liên tục đổi mới và cho ra đời nhiều bản cập nhật khác nhau. Hai hoặc ba tháng cho một bản cập nhật lớn có thể được cho là cực nhanh đối với các trò chơi khác, thế nhưng trong thế giới của Warframe, các bản cập nhật và vá lỗi sẽ được thay đổi hàng tuần. Liên lục chăm chút, thay đổi từng li từng tí, đối với DE- Warframe dường như một thực thể sống.

Đã nhiều người từng nói rằng dự án này sẽ trì trệ, không thể tiến triển và không thể đối mới. DE đáp lại bằng việc không chỉ là việc thêm nhiều nội dung hơn, năm ngoái DE đã làm lại hoàn toàn hệ thống chuyển động của Warframe với tên gọi mới Parkour 2.0. và mới tuần trước biểu đồ nhân vật và nhiệm vụ trên màn hình chính đã được thiết kế lại.

Đường hướng phát triển cốt lõi của Warframe là sự thay đổi. Sự đổi mới liên tục là điều bắt buộc, mặc dù mặt trái của điều này có thể tạo ra ảnh hưởng bất lợi đến một số người chơi.

"Đường hướng phát triển cốt lõi của Warframe là sự thay đổi - Đó là chuyện hàng ngày” - Sinclair.

Tại TennoCon 2016, hội nghị chuyên dụng đầu tiên của Warframe, DE đã nói chuyện và tiếp xúc với rất nhiều người hâm mộ. Câu hỏi được đặt ra là tại sao người chơi vẫn gắn bó với game sau nhiều năm. Và câu trả lời được nghe thấy nhiều nhất là “tần suất cập nhật liên tục”.

Gần 4 năm sau khi tựa game được phát hành, chẳng ai thấy thấy bất cứ gian hàng nào của Warframe tại PAX hay E3. Những gì nhận được thấy chỉ là những cập nhật hàng tuần và các bản vá lỗi, thế nhưng cùng với đó là vị trí thường xuyên trong top 15 game được chơi nhiều nhất trên Steam. Với 26 triệu người chơi đăng ký trên toàn thế giới, Warframe là một trong những tựa game free-to-play phổ biến nhất hiện nay.

DE đã làm nên những điều tuyệt vời mà trước đó chẳng ai dám mơ đến. Giờ đây, nhờ thành công của Warframe, DE đã trở thành một công ty lớn với 260 thành viên. Thậm chí, sự tăng trưởng của DE còn thuyết phục đến nỗi những người đã từng lớn tiếng chê bai Warframe, giờ đây chính họ đã phải nhìn lại để học hỏi từ thành công của sản phẩm này.

Game thủ Việt muốn trải nghiệm Warframe có thể đăng ký, tải và chơi miễn phí tại trang chủ của game: https://warframe.com/

Clip giới thiệu gameplay Warframe

Cộng đồng người chơi tại Việt Nam nói gì về Warframe

Dù là một tựa game Global thế nhưng ngay tại thị trường Việt Nam, Warframe sở hữu một cộng đồng người chơi không nhỏ. Có không dưới 10.000 Tenno (người điều khiển những bộ giáp Warframe) tại Việt Nam thường xuyên gắn bó với tựa game này. Trong đó có 2 cộng đồng sở hữu lượng người chơi lớn nhất là Tenno VN Return và WFO Clan.

Phát hành ngày 25.10.2012 trên hệ máy PC, game được cộng đồng game thủ Việt đánh giá là tựa game có chủ đề khoa học viễn tưởng hấp dẫn, lồng ghép bối cảnh tương lai và các giá trị cổ điển đầy mới lạ, gameplay cũng mang nhiều yếu tố nhập vai hành động cao. Ấy vậy mà quá trình níu chân người chơi của sản phẩm khi Warframe dính lỗi cũng gặp không ít trúc trắc.

Mr. Bạch Nguyễn chia sẻ về những điểm thú vị của game & sự tiếp nhận ý kiến, thay đổi từ nhà sản xuất

Theo chia sẻ của Mr. Bạch Nguyễn – bang chủ đời thứ 2 của Tenno VN Return: Khi mới Open Beta game đã gặp phải một số sự cố và lượng người chơi đã bỏ đi không ít. Trong khi đó DE vẫn tập trung phát triển sản phẩm, lắng nghe nhận xét của khách hàng. Qua đó, từ một sản phẩm chưa được hoàn thiện game đã tốt lên từng ngày sau mỗi lần cập nhật, Big Update và giữ chân được người chơi. Cùng thời gian và sự gọt giũa của đội ngũ phát triển thì Warfame từ một sản phẩm tầm trung, đã trở thành một trong những game hàng đầu ở thể loại nhập vai hành động.

Vượt qua rào cản về vị trí địa lý, sự chênh lệch về thời gian, sự bất đồng về ngôn ngữ khi game không có Việt hóa - Ấy vậy mà các game thủ Việt trong & ngoài nước vẫn tập hợp nhau lại trên một sân chơi để thỏa mãn đam mê mà mình yêu thích đã gần 4 năm. Bỏ qua những dấu hỏi về việc thành công hơn nữa trong tương lai, Warframe xứng đáng là một hiện tượng nổi bật của làng game thế giới.

Bài học dành cho các Studio, những nhà phát triển game Việt

Sự kiên định và lòng tin không những đã mang đến thành công cho Digital Extremes mà còn tạo ra một tựa game tuyệt vời cho người hâm mộ. Warframe là một điều tuyệt vời, và giờ đây chắc hẳn không ít người sẽ nghĩ đến Warframe 2, 3 hoặc có thể hơn nữa…

Chuyên gia Bạch Nguyễn nói về bài học thành công rút ra từ câu chuyện của Warframe

Liên hệ tới các Studio, đơn vị phát triển game nước nhà – chúng ta có thể thấy ngay tại mảnh đất của game Việt đã có những nhà phát triển từng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, hay cả sự thất bại như Hiker Games (tiền thân là EmobiGames) và Joy Entertainment. Thế nhưng bằng lòng kiên trì, nhẫn nại, bất chấp tất cả để vượt qua mọi thử thách, họ đã trình làng và đem tới chúng ta những sản phẩm game thực sự chất lượng, dành được nhiều sự quan tâm chú ý của cộng đồng game thủ như Đại Minh Chủ, Mộng Võ Lâm hay Chiến Binh CS, Anh Hùng Đại Chiến

Thông điệp mà bài viết này muốn gửi tới các startup, các team dev game Việt non trẻ rằng “hãy cứ đi, cứ đam mê rồi sẽ tới”. Bằng sự cố gắng cùng lòng quả cảm - ở tương lai không xa câu chuyện về Warframe của Digital Extremes sẽ không là điều viển vông. Và người Việt sẽ có thêm những Hiker Games hay Joy Entertainment khác nữa để viết thêm những câu chuyện thực về “zero to hero” – những người vô danh trưởng thành các anh hùng.