- Theo Helino | 10/01/2019 05:44 PM
Lưu ý: Golden Kamuy là một tác phẩm manga với các tình tiết và tranh minh họa dành cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, độc giả căn nhắc kỹ trước khi tìm hiểu.
Trong những năm gần đây, các bộ manga và anime chủ yếu được khai thác theo đề tài học đường hoặc là isekai. Đây không phải đề tài khó hiểu, khi những đề tài này vốn rất được các độc giả ở độ tuổi từ 12 - 35 yêu thích và luôn ngóng chờ từng chương được ra mắt mỗi tuần. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những tác phẩm không hề đi theo con đường hay định hướng của số đông mà lại đi theo một hướng đi đặc biệt khác - khai thác về đề tài lịch sử, giống như bộ truyện có tên Golden Kamuy của tác giả Satoru Noda.
Lấy bối cảnh tại Hokkaido vào thời hậu chiến tranh Nga-Nhật, trong lòng sông nơi người Ainu sinh sống là một kho báu vàng đồ sộ. Tuy nhiên, số vàng này lại bị một trong những samurai mạnh nhất thời Mạc Phủ chiếm lấy và giấu đi. Chiến tranh kết thúc, nhưng bất ổn và mâu thuẫn trong nội bộ người Nhật vẫn còn. Với những âm mưu, toan tính của từng cá nhân, từng thế lực khác nhau, khi thông tin về kho báu được tiết lộ, một cuộc săn vàng nổ ra.
Ngay từ ban đầu, bối cảnh của Golden Kamuy đã tỏ rõ sự khác biệt với manga hiện đại. Nếu như đa phần những bộ manga bây giờ đều chọn bối cảnh học đường hay huyền ảo như isekai thì Golden Kamuy lại đi theo hướng lịch sử - văn hóa. Cốt truyện của Golden Kamuy xoáy vào các yếu tố văn hóa đến từ dân tộc Ainu, một dân tộc thiểu số sống ở phía Bắc Nhật Bản. Điều này không chỉ làm nhiều độc giả trong và ngoài xứ sở hoa anh đào tò mò, mà còn gây được ảnh hưởng lớn tới những người dân Nhật Bản - những người vốn đề cao sự tự tôn dân tộc.
Các nhân vật của Golden Kamuy lại là một điểm cộng khác của bộ truyện này. Mỗi nhân vật lại đem đến một màu sắc khác nhau, nhưng tựu chung lại là không có nhân vật nào là hoàn toàn vô dụng và chẳng liên quan gì đến cốt truyện cả. Thậm chí, các nhân vật trong truyện đều đem cho người xem họ chính là những "nữ cường" trong thời buổi loạn lạc sau cuộc chiến tranh Nga - Nhật. Cánh đàn ông thì thậm chí còn khủng khiếp hơn, những kẻ như Sugimoto bất tử, trung úy Tsurumi hay là cả người Ainu như Kiroranke đều không hề che giấu tham vọng của mình trong việc đi tìm kho báu vàng vô giá.
Yếu tố ẩm thực cũng được khai thác khá sâu trong Golden Kamuy.
Bên cạnh cốt truyện săn tìm vàng hấp dẫn, tác giả Satoru Noda còn thêm vào những yếu tố thực sự hấp dẫn đến từ văn hóa của người Ainu thế kỷ 19 - săn bắn và nấu ăn. Với sự trợ giúp của các chuyên gia về văn hóa dân tộc như Hiroshi Nakagawa, những câu chuyện tưởng chừng thất truyền đã được hồi sinh trở lại. Ai đọc Golden Kamuy mà có thể quên được những cuộc đi săn cá voi, những buổi săn gấu xám và đặc biệt là món Citatap đặc biệt của Asirpa? Tất cả đã được lồng ghép vào trong cốt truyện một cách hoàn hảo để giảm tải bớt sự căng thẳng trong cuộc chiến săn vàng.
Khi những yếu tố như kịch bản - nhân vật được thể hiên tốt như vậy, nhiều người sẽ nghĩ rằng khâu mỹ thuật sẽ là điểm yếu nhất của truyện. Đây cũng là điều thường xảy ra với những bộ manga nổi tiếng như Hunter x Hunter hay One Punch Man phiên bản web. Thế nhưng, điều đó không hề chính xác chút nào với Golden Kamuy. Chỉ cần nhìn vào những trang bìa của các bộ manga được phát hành tại Nhật Bản, liệu có ai nghĩ rằng Golden Kamuy của Satoru Noda lại được thể hiện sơ sài hay xấu xí hay không?
Satoru Noda nhận giải thưởng dành cho manga xuất sắc nhất tại giải thưởng Văn hóa Tezuka Osamu.
Với sự thể hiện xuất sắc như vậy, không khó hiểu vì sao mà Golden Kamuy đã sớm nhận được trái ngọt. Vào năm 2016, tác giả Satoru Noda đã được trao giải đặc biệt tại giải thưởng Văn hóa Tezuka Osamu, một giải thưởng uy tín bậc nhất dành cho các mangaka tại Nhật Bản. Đồng thời, số lượng manga Golden Kamuy được bán tại Nhật Bản đã vượt qua con số hơn 5 triệu bản vào năm 2018. Thế nên, không có gì quá ngạc nhiên nếu bộ manga này sẽ tiếp tục thừa thắng xông lên và trở thành một trong những tác phẩm được ngóng chờ nhất trong năm 2019 và hơn thế nữa