Vua lừa đảo khét tiếng nước Mỹ: Giả làm quý tộc giàu sang, che mắt người đời suốt 30 năm rồi tự đào hố chôn mình bởi sai lầm ngớ ngẩn

Tyler  Pháp Luật & Bạn Đọc | 09/05/2022 11:51 AM

Christian Gerhartsreiter là nhân vật chính trong câu chuyện về một trong những kẻ lừa đảo khét tiếng nhất nước Mỹ, thâm nhập thành công vào tầng lớp thượng lưu.

Nếu đã xem qua bộ phim Catch Me If You Can, hẳn bạn không lạ gì với tài năng của "trùm lừa đảo" Frank Abagnale với khả năng giả mạo xuất thần, đút túi hàng triệu USD. Tuy nhiên, khi so với Christian Gerhartsreiter, Frank có vẻ vẫn kém xa, cả về "tài năng" lẫn "thành tích".

Hành trình đến với "giấc mơ Mỹ"

Christian Hanz Gerhartsreiter sinh năm 1961 tại Bergen - một thị trấn miền núi vùng Bavaria, Đức, trong gia đình có cha là nghệ sĩ và mẹ là thợ may.

Theo lời kể của gia đình và người quen, Christian luôn cảm thấy lạc lõng với cuộc sống nơi quê nhà, là một đứa trẻ thấp bé và mê truyện giả tưởng. Một người bạn của gia đình từng nói trong cuộc phỏng vấn với phóng viên: "Cậu ta giống như nhân vật Batman... luôn đóng những vai khác nhau... thường xuyên có những ý tưởng điên rồ".

 Vua lừa đảo khét tiếng nước Mỹ: Giả làm quý tộc giàu sang, che mắt người đời suốt 30 năm rồi tự đào hố chôn mình bởi sai lầm ngớ ngẩn - Ảnh 1.

Chân dung Gerhartsreiter khi còn trẻ

Vào thời điểm Gerhartsreiter bị chính quyền truy bắt vì nhiều nghi vấn mạo danh, chưa ai ở quê nhà có được bất kỳ tin tức nào về ông ta suốt hơn 30 năm.

Khởi đầu cho màn kịch kéo dài hàng thập kỷ của Gerhartsreiter bắt đầu với cuộc gặp định mệnh với gia đình người Mỹ Savio trên một chuyến tàu ở Đức. Gây được cảm tình, nhà Savio nói rằng nếu Gerhartsreiter được sinh ra ở Connecticut (Mỹ) thì họ đã nhận nuôi cậu bé, lúc đó mới 17 tuổi. Nhận ra cơ hội của mình, Gerhartsreiter tự tìm đường đến Mỹ, tới tận bậu cửa nhà Savio và xin được ở lại dưới vai một lưu học sinh.

Để mọi chuyện trót lọt, Gerhartsreiter nói dối với nhân viên di trú tại sân bay JFK rằng mình đã được một cặp đôi người Mỹ cho ở cùng khi đi học tại xứ sở cờ hoa.

Khi chung sống cùng gia đình trên, cậu thiếu niên "tiết lộ" rằng mình là con của một quý tộc châu Âu để từ chối làm những việc nhà cơ bản nhất như tự chuẩn bị bữa sáng hay giặt quần áo. Thậm chí, cậu ta còn chế giễu về sự "nghèo khó" của gia đình đang giúp đỡ mình. Việc này sớm làm nhà Savio phật lòng và đuổi cậu ta ra khỏi nhà.

Nhưng thay vì chấp nhận trở về Đức, Gerhartsreiter tiếp tục tìm thêm những gia đình khác để tiếp tục cuộc sống "tầm gửi" của mình. Dần dần, thị trấn nhỏ bang New England trở nên quá chật chội, và anh ta quyết định tiến xa thêm nhằm thực hiện 2 mục đích: định cư vĩnh viễn tại Mỹ và đến California để làm diễn viên.

Tiến thân vào giới thượng lưu

Vào năm 1980, Gerhartsreiter đổi sang một cái tên gần gũi với người Mỹ hơn là Chris Gerhart và đi học dự thính điện ảnh tại đại học Wisconsin, Milwaukee. Tại đây, anh ta gặp và kết hôn với một người phụ nữ tên Amy Jersild. Khi đã có được tấm thẻ xanh cư trú, Gerhartsreiter biến mất, chỉ vài tuần sau lễ cưới.

Sau khi rời khỏi Milwaukee, Gerhartsreiter một lần nữa cải dạng thành Christopher Chichester, và "bắt quàng làm họ" cái tên Mountbatten - một gia tộc quyền quý gốc Đức. Anh ta thậm chí còn phân phát những chiếc danh thiếp với tước hiệu quý tộc và một gia huy giả.

 Vua lừa đảo khét tiếng nước Mỹ: Giả làm quý tộc giàu sang, che mắt người đời suốt 30 năm rồi tự đào hố chôn mình bởi sai lầm ngớ ngẩn - Ảnh 2.

Gerhartsreiter dưới lốt Christopher Chichester

Gerhartsreiter sau đó chuyển đến khu thượng lưu ở San Marino, California. Để tiến thân, người đàn ông này cặp kè với Ruth "Didi" Sohus, một phụ nữ góa bụa giàu có và lợi dụng tiền bạc cũng như danh tiếng của bà. "Christopher" cũng nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng thượng lưu bằng cách tham gia các bữa tiệc xa hoa và dự đám cưới người lạ.

Nhờ nỗ lực không ngừng, Gerhartsreiter thậm chí còn thuyết phục được một kênh truyền hình nhận vào làm talkshow. Tại đây, với vỏ bọc một sinh viên ngành nghệ thuật điện ảnh, ông ta bắt đầu tiếp cận và trở nên thân thiết với nhiều ngôi sao Hollywood danh giá.

Nhúng tay vào tội ác

Tuy nhiên, tình hình mau chóng trở nên phức tạp khi con trai và con dâu của Ruth chuyển đến sống cùng bà. John và Linda Sohus mau chóng nghi ngờ và đặt câu hỏi về vị khách đặc biệt của mẹ khi thấy ông ta hào hứng chi tiền cho quần áo cá nhân.

Vào năm 1985, John và Linda đột nhiên biến mất. Theo Gerhartsreiter, họ phải rời đi vì một công chuyện gấp ở châu Âu. Trước khi Ruth kịp khám phá ra bất cứ điều gì, Gerhartsreiter đã "cao chạy xa bay" với chiếc xe ô tô của John tới Connecticut. Lần này, kẻ lừa đảo đổi tên sang Christopher Crowe khi cố gắng bán chiếc xe ăn cắp được.

 Vua lừa đảo khét tiếng nước Mỹ: Giả làm quý tộc giàu sang, che mắt người đời suốt 30 năm rồi tự đào hố chôn mình bởi sai lầm ngớ ngẩn - Ảnh 3.

Linda và John Sohus

Tới năm 1994, trong khi đào hồ bơi, một công ty phát hiện ra phần còn lại của thi thể John Sohus xấu số. Các nhân chứng xác nhận rằng Gerhartsreiter đã mượn một chiếc cưa máy và xới tung mảnh vườn sau nhà Ruth vì "vấn đề liên quan đến đường ống nước". Nhờ sự việc này, kẻ sát nhân bị kết án 27 năm vì tội giết người. Tuy nhiên, thi thể của Linda chưa bao giờ được tìm ra.

Đến Connecticut, "Crowe" nhờ tài ăn nói mà xin được vị trí chuyên viên của một công ty môi giới tài chính. Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện ra số an sinh xã hội giả, "Crowe" bị cho thôi việc và phải rời khỏi bang.

Gerhartsreiter tiếp tục tìm kiếm công việc và thậm chí còn được nhận vào làm tại một công ty lớn trên phố Wall dù không hề có kinh nghiệm hay bằng cấp về tài chính. Năm 1994, khi cảnh sát phát hiện ra thi thể John Sohus và tiến hành truy bắt, Christopher Crowe, kẻ lừa đảo đã kịp đổi sang nhân dạng mới là Clark Rockefeller được 2 năm.

Tỷ phú "dỏm" nhà Rockefeller và hồi kết của "vua lừa đảo"

Để tạo ra một vẻ ngoài bí ẩn và có cớ từ chối trả lời những câu hỏi về đời tư, Gerhartsreiter chọn cho mình vỏ bọc một thành viên của gia tộc tỷ phú Rockefeller.

Để có vẻ đáng tin hơn nữa, hắn luôn mang theo mình chiếc radio cầm tay và giả vờ báo cáo vị trí cho một vệ sĩ riêng. Những thói quen lập dị và hoang tưởng như từ chối ăn thức ăn tại nhà hàng vì sợ bị đầu độc càng củng cố thêm cho vỏ bọc "VIP" này.

Thậm chí, bạn bè của hắn còn không nghi ngờ khi Gerhartsreiter từ chối ra khỏi xe khi họ đi du lịch tới Connecticut. Rockefeller "dỏm" viện cớ bằng cách kể với những người xung quanh rằng cha mẹ hắn qua đời sau một vụ tai nạn tại Connecticut. Tất nhiên, điều không ai ngờ là hắn đang cố gắng lẩn trốn khỏi sự truy lùng của chính quyền bang này.

Dùng danh tính Clark Rockefeller, Gerhartsreiter nhanh chóng gây được ấn tượng và trà trộn vào tầng lớp thượng lưu của thành phố New York. Năm 1993, "chàng Rockefeller" trẻ tuổi, quyến rũ làm quen và thu hút được sự chú ý của Sandra Boss, người vợ trong suốt một thập niên sau đó.

 Vua lừa đảo khét tiếng nước Mỹ: Giả làm quý tộc giàu sang, che mắt người đời suốt 30 năm rồi tự đào hố chôn mình bởi sai lầm ngớ ngẩn - Ảnh 4.

Ảnh cưới của trùm lừa đảo và người vợ Sandra Boss

Để duy trì vỏ bọc với người vợ vốn là cựu sinh viên Harvard, Gerhartsreiter nói dối rằng mình làm cho Asterisk, một doanh nghiệp chuyên hỗ trợ tái cấu trúc nợ cho các quốc gia đang phát triển. Trên thực tế, hắn ta dành phần lớn thời gian trong ngày ăn chơi, chè chén với những nghệ sĩ nổi tiếng của New York. Phần lớn chi phí trang trải cho cuộc sống của cả hai đến từ thu nhập của Sandra, vốn rất thành công trong sự nghiệp tại một công ty lớn.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm chung sống, lớp mặt nạ của Gerhartsreiter dần bị lộ ra. "Clark" ngày càng trở nên kiểm soát và có những hành vi bạo lực. Nhiều người thân thiết với cặp đôi cũng bắt đầu thắc mắc tại sao những câu chuyện về quá khứ của hắn ta không ăn nhập gì với nhau. Năm 2006, Sandra thuê một thám tử tư điều tra về chồng mình và phát hiện ra mọi điều mình biết về hắn đều là giả dối.

Sau đó, cô đệ đơn ly hôn. Để tránh sự dò xét của pháp luật vào thân phận thật của mình, Gerhartsreiter chấp nhận một khoản chia tài sản trị giá 800 nghìn USD và điều kiện chỉ được thăm con gái 3 lần/năm.

"Mọi thứ về cuộc đời của người đàn ông này đều là dối trá" - phóng viên Mark Seal, tác giả một cuốn sách về Gerhartsreiter trả lời trong một cuộc phỏng vấn. "Thứ duy nhất là thật trong cuộc đời ông ta là tình yêu dành cho con gái. Và khi mất con mình sau một vụ ly hôn cay đắng, ông ta rắp tâm giành lại cô bé".

Sau một chuyến thăm được giám sát tại Boston, Gerhartsreiter cắt đuôi được nhân viên công tác xã hội để bắt cóc thành công con gái mình.

Một lần nữa, Gerhartsreiter lại cải dạng thành một thuyền trưởng tên "Chip Smith" và tới sống trong một căn hộ tại Baltimore.

May mắn, FBI đã truy lùng thành công người đàn ông này. Theo NBC, họ lừa Gerhartsreiter ra khỏi căn hộ bằng cách nói rằng du thuyền của hắn ta đang chìm ngoài bến. Vào khoảnh khắc Gerhartsreiter xuất hiện trước bậu cửa, các đặc vụ đã bao vây tứ phía.

 Vua lừa đảo khét tiếng nước Mỹ: Giả làm quý tộc giàu sang, che mắt người đời suốt 30 năm rồi tự đào hố chôn mình bởi sai lầm ngớ ngẩn - Ảnh 5.

Gerhartsreiter khi đã bị bắt

Với việc người con không hề bị tổn hại, Gerhartsreiter ban đầu chỉ bị tuyên án 7 năm tù vì tội bắt cóc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau phiên tòa, nhà chức trách phát hiện ra thân phận thật của kẻ lừa đảo và tiếp tục khởi tố hắn vì sát hại John Sohus.

Cuối cùng, vào năm 2013, Gerhartsreiter bị tuyên án chung thân vì tội giết người, minh chứng rằng kể cả một kẻ có "thiên bẩm" lừa đảo như vậy cũng không thể thoát khỏi lưới trời.

Nguồn: ATI, Ranker

https://afamily.vn/vua-lua-dao-khet-tieng-nuoc-my-gia-lam-quy-toc-giau-sang-che-mat-nguoi-doi-suot-30-nam-roi-tu-dao-ho-chon-minh-boi-sai-lam-ngo-ngan-20220507223454789.chn
    betterchoice