The Marvels chỉ kiếm về 47 triệu USD, chính thức thay The Incredible Hulk (2008) để trở thành phim có doanh tuần mở màn tại thị trường Bắc Mỹ thấp nhất trong lịch sử MCU. Có lẽ, chính Marvel Studios cũng không nghĩ rằng đứa con tinh thần mới của mình lại có doanh thu kém một tác phẩm bị quên lãng ra mắt 15 năm trước. Chưa hết, The Marvels còn thua cả các “bom xịt” của hãng đối thủ DC là The Flash (55 triệu USD) hay Black Adam (67 triệu USD).
Các chuyên gia nhận định thất bại của The Marvels khiến Marvel Studios phải xem lại chiến lược phát hành phim quá "thần tốc" của hãng. Trong năm 2024, hãng dự kiến chỉ ra mắt Deadpool 3 cùng một số series truyền hình. Các bộ phim điện ảnh khác dựa trên truyện tranh của Marvel như Madame Web, Venom 3 hay Kraven The Hunter đều do hãng Sony sản xuất.
The Marvels bị nhiều nhà phê bình và khán giả đánh giá là tác phẩm tệ nhất của MCU từ trước đến nay.
Trong suốt 15 năm qua, Marvel Studios đã tạo ra một vũ trụ điện ảnh thành công dựa trên những bộ truyện tranh siêu anh hùng của họ. Bắt đầu với Iron Man (2008), thương hiệu này đã mở rộng với hơn 30 dự án điện ảnh và nhiều series truyền hình dài tập. MCU cũng vượt nhiều franchise đình đám như Star Wars, Harry Potter, James Bond để trở thành đế chế điện ảnh thành công nhất mọi thời với doanh thu tổng cộng lên đến gần 30 tỷ USD.
Thế nhưng, thành công đó cũng dần tan biến sau cú búng tay của Iron Man trong Avengers: Endgame, khi nhân vật trung tâm của vũ trụ điện ảnh này hy sinh để hồi sinh nửa vũ trụ. Những năm gần đây, MCU liên tục đối mặt với nhiều lời chỉ trích từ giới phê bình cũng như chính những người hâm mộ nhiệt thành nhất của họ trước đó.
Iron Man hy sinh để cứu nửa vũ trụ nhưng để lại bài toán khó cho Marvel Studios.
Giai đoạn 4 của thương hiệu bắt đầu với bộ phim Black Widow và series WandaVision, series truyền hình đầu tiên của franchise sản xuất cho Disney+, và kết thúc với Black Panther: Wakanda Forever, đánh dấu một giai đoạn sản xuất chăm chỉ nhất của Marvel Studios tính từ khi thành lập MCU. Thế nhưng, số lượng không phải lúc nào cũng đi kèm với chất lượng. Hàng loạt dự án mới này bị chỉ trích vì nội dung hời hợt, được làm ra như chỉ để “vắt sữa” người hâm mộ, tận dụng thành công rực rỡ của 3 giai đoạn trước.
Sang đến giai đoạn 5, tình hình cũng chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện khi liên tiếp là các “bom xịt” như Ant-Man and the Wasp: Quantumania hay The Marvels. Bộ phim hiếm hoi nhận lời khen là Guardians of the Galaxy Vol. 3 thì lại mang ý nghĩ một tác phẩm đặt dấu chấm hết cho biệt đội siêu anh hùng khá được yêu thích của MCU.
Sau các sự kiện Avengers: Endgame, MCU bước sang một chương mới hoàn toàn khi mở rộng câu chuyện sang quy mô đa vũ trụ (Multiverse). Hướng đi này mở ra hàng loạt cơ hội và thử thách cho các nhà làm phim siêu anh hùng của hãng. Nhiều người hào hứng tự hỏi Marvel Studios sẽ đưa franchise theo hướng nào tiếp theo, nhưng cảm xúc này giảm dần đi theo từng dự án tiếp theo của hãng.
Trong giai đoạn 4 và 5, Marvel Studios tập trung vào việc giới thiệu các nhân vật mới cho vũ trụ của mình. Thế nhưng, những cái tên này chưa để lại quá nhiều dấu ấn nếu so sánh với dàn siêu anh hùng tạo nên biệt đội Avengers ở 3 giai đoạn trước đó. Đồng thời, hãng cũng mang đến hàng loạt nhân vật mà nhiều khả năng khán giả cũng chẳng có cơ hội được gặp lại họ trong những bộ phim tiếp theo của MCU. Tiêu biểu có thể kể đến các trường hợp của Hercules trong Thor: Love and Thunder, Clea trong Doctor Strange in the Multiverse of Madness, Starfox trong Eternals, Namor trong Black Panther: Wakanda Forever.
Marvel Studios vẫn chưa tìm được người thay thế xứng tầm cho biệt đội Avengers.
Sau những dự án đã qua, khán giả đều có thể nhận thấy được vấn đề cốt lõi mà Marvel Studios đang gặp phải. Quy mô quá rộng lớn của đa vũ trụ khiến cho việc xây dựng các mối liên kết rõ ràng giữa mỗi dự án trở nên khó khăn hơn. Thay vì tìm cách giải quyết một cách triệt để, các đạo diễn của hãng thường chọn cách giải quyết khá hời hợt là tăng độ hài hước trong các tác phẩm mới này với hy vọng người xem mải cười mà quên đi những hạn sạt khổng lồ trong kịch bản.
Khái niệm đa vũ trụ được giới thiệu lần đầu trong Loki của Pha 4 và từ đó đã được phát triển trong các dự án bao gồm Spider-Man: No Way Home, Doctor Strange in the Multiverse of Madness và Ant-Man and the Wasp: Quantumania. Tuy nhiên, MCU liên tục đưa ra những giải thích khác nhau về chính khái niệm này khiến đa phần người xem của họ cũng trở nên mơ hồ, khó hiểu với thương hiệu yêu thích của mình.
MCU vẫn loay hoay với các cách giải thích về đa vũ trụ sau Avengers: Endgame.
Đã từ lâu, những người hâm mộ trung thành và cứng đầu nhất của MCU thường phải tự nói với nhau là “cất não đi để xem thì cũng hay”, với hy vọng hãng phim sẽ sớm giải quyết được bài toán đau đầu trong thế giới đa vũ trụ của các siêu anh hùng. Thế nhưng, lòng kiên nhẫn của khán giả cũng có hạn khi mãi chưa thấy câu chuyện chung của MCU gần như không có mấy tiến triển trong hơn 3 năm qua. Thất bại thảm hại của The Marvels cũng chỉ là giọt nước tràn ly khi fan của thương hiệu này đã liên tục phải đón nhận những tác phẩm hời hợt và kém chất lượng suốt thời gian qua.
Marvel Studios chắc chắn cũng nhận ra vấn đề lớn của chính mình khi liên tục có những hành động mạnh mẽ nhằm vực dậy vũ trụ điện ảnh này. Hãng liên tục kết nạp những thương hiệu siêu anh hùng khác của Sony, Fox để tăng sự hấp dẫn và lôi kéo những nhóm người hâm mộ mới. Đồng thời, họ cũng quyết định giảm tốc độ phát hành các dự án mới nhằm tránh những tác phẩm được hoàn thiện một cách vội vàng, cẩu thả như trước.