Vũ trụ Điện ảnh - Chiếc bánh ai cũng thích chia phần nhưng không dễ nuốt của Hollywood

Splendid River  - Theo Trí Thức Trẻ | 02/12/2017 10:01 AM

Trước những chiến thắng nối tiếp chiến thắng không có điểm dừng của Marvel Studios và các siêu anh hùng của họ, xây dựng một Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình để bắt kịp quả thực không dễ dàng với các studio lớn ở Hollywood.

Cho tới thời điểm này, có lẽ không có gì quá đáng khi khẳng định năm 2008 khi Iron Man ra mắt công chúng chính là thời điểm mang tính lịch sử làm rung chuyển cả ngành công nghiệp điện ảnh ở Hollywood. Không chỉ là bộ phim đầu tiên của hãng phim non trẻ Marvel Studios , vốn là một hãng truyện tranh đang trên đà xuống dốc, Iron Man còn gánh vác trọng trách khởi đầu cả một Vũ trụ Điện ảnh rộng lớn mà vào thời điểm đó, không ai có thể lường trước được sức mạnh tiềm ẩn vô cùng đáng sợ của nó.

Liên tiếp trong suốt gần 10 năm qua, Marvel Studios đã cho ra mắt tổng cộng 17 bộ phim chiếu rạp, 4 phim truyền hình, 6 phim dài tập trên hệ thống phim trực tuyến Netflix, và còn rất rất nhiều những dự án khác chuẩn bị ra mắt trong tương lai gần với tầm nhìn ít nhất cho tới tận năm 2021.

Nhưng số lượng không phải vấn đề đáng quan tâm ở đây, vì Marvel đã làm được điều mà từ trước tới nay mới chỉ tồn tại trên những trang truyện tranh – Tất cả các nhân vật trong tất cả các phim của họ từ ngoài rạp chiếu bóng cho tới màn ảnh tivi đều tồn tại chung và song song với nhau trong cùng một thế giới, hay rộng hơn, trong cùng một Vũ trụ Điện ảnh nhất quán có sự tương tác trực tiếp và liên quan tới nhau dù ít dù nhiều.

Chính nhờ sự liên kết này, Marvel đã tạo ra một nền văn hóa xem phim hoàn toàn mới cho người hâm mộ điện ảnh: Đó là họ sẽ luôn phải háo hức chờ đón và theo dõi các phim mới của hãng để biết thêm một nhân vật, để nắm được một sự kiện, hay chỉ đơn giản là để xem các nhân vật từ các phim khác nhau giao tiếp, hợp tác với nhau trong cùng một phim, một thế giới.

Không chỉ vậy, công thức làm phim của Marvel đã được hoàn thiện tới mức độ khán giả và các nhà phê bình không thể không lấy thành công của họ làm tiêu chuẩn để đánh giá các bộ phim khác cùng thể loại. Và không phải ai cũng có thể sao chép y nguyên bài của bạn bên cạnh với hi vọng mình cũng sẽ được điểm cao.

DC Extended Universe

Đối thủ "truyền kiếp" của Marvel trên chiến tuyến truyện tranh suốt mấy chục năm qua là DC Comics dù đã từng có những thành công như bộ ba phim The Dark Knight của Christopher Nolan, vẫn không thể làm ngơ trước sự cám dỗ của Vũ trụ Điện ảnh. Với kho tàng các nhân vật truyện tranh vô biên, và lịch sử lâu đời còn hơn cả Marvel, DC và hãng phim Warner Bros. đã chính thức bước vào cuộc "đua vũ trang" này khi cho ra mắt Man of Steel do Zack Snyder chỉ đạo vào năm 2013.

Tuy nhiên, mọi việc tỏ ra phức tạp hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của họ khi bộ phim nhận lại được những sự phản hồi hết sức trái chiều từ cả phía khán giả lẫn giới phê bình khi khắc họa hình tượng một Superman có phần khác biệt so với truyền thống.

Dù vậy, Warner Bros vẫn quyết định "thừa thắng xông lên" khi đặt Zack Snyder vào vị trí đầu tàu chỉ đạo con thuyền Vũ trụ Điện ảnh DC. Rất tiếc, Warner Bros. dù đã đầu tư "hàng khủng" cho Batman v Superman: Dawn of Justice (2016), và ngay sau đó là Suicide Squad đều không gặt hái được những thành công như mong muốn.

Wonder Woman (2017) với vai trò là phim điện ảnh bom tấn đầu tiên không chỉ cho nhân vật này, mà còn là phim siêu anh hùng đầu tiên với vai chính là nữ có mức đầu tư lớn đến như vậy, cuối cùng đã mang lại thành công đầu tiên cho Vũ trụ Điện ảnh DC. Cưỡi trên con sóng doanh thu hơn 800 triệu đô trên toàn cầu của nàng công chúa chiến binh Amazon, Warner Bros. bật đèn xanh cho hàng loạt những dự án tiếp theo để mở rộng Vũ trụ DC của mình như Wonder Woman 2, Suicide Squad 2, Aquaman, Cyborg, Shazam!, Flashpoint, và hơn thế nữa.

Nhưng có vẻ như họ đã vội mừng khi con át chủ bài Justice League, tụ hội tất cả những anh hùng lớn nhất của DC lên màn ảnh rộng lần đầu tiên với kinh phí 300 triệu đô, lại không thực sự thuyết phục được phần đông khán giả. Mặc dù cũng đã có được một cộng đồng người hâm mộ hết mình ủng hộ, nhưng với màn trình diễn gây thất vọng ở phòng vé của Justice League, khó có thể đoán trước được số phận của Vũ trụ Điện ảnh DC từ đây.

Star Wars

Tập đoàn truyền thông giải trí lớn nhất thế giới Disney đã thâu tóm gọn gàng không chỉ một, mà tới những hai Vũ trụ Điện ảnh tồn tại cùng lúc song song sau khi chính thức mua lại và sở hữu cả Marvel Studios lẫn Lucasfilm – hãng phim "cha đẻ" của thương hiệu Star Wars. Vốn đã là một tượng đài vĩ đại trong lịch sử điện ảnh, cả theo nghĩa tốt lẫn xấu, tùy thuộc vào việc bạn có tính 3 phần phim prequel hay không, nhưng từ khi về với Nhà Chuột, Star Wars đã chính thức trở lại, lợi hại khôn lường qua The Force Awakens.

Từ đây, Disney đã chính thức khởi động một Vũ trụ Điện ảnh của riêng mình xoay quanh những thiên anh hùng ca trong không gian mà George Lucas đã đặt nền móng từ năm 1975. Với lịch trình "mỗi năm 1 phim Star Wars", Disney đã cho ra mắt ngay lập tức bom tấn spin-off Rogue One, lần đầu tiên giới thiệu tới khán giả một câu chuyện xảy ra trong chính Vũ trụ này, nhưng không xoay quanh hệ thống nhân vật vốn đã rất quen thuộc với khán giả như Han Solo, công chúa Leia, hay Luke Skywalker.

Không chỉ thế, với tầm nhìn trong nhiều năm tới, Disney hứa hẹn sẽ cho ra mắt tiếp không chỉ các phần tiếp theo của Star Wars, mà còn rất nhiều những spin-off tương tự, bắt đầu sẽ bằng phim riêng về "thời niên thiếu" của Han Solo dự kiến ra mắt vào năm sau.

Ngoài ra, một dự án ba phần phim Star Wars độc lập với dòng phim Star Wars chính truyện cũng đang được đạo diễn Rian Johnson và Disney ấp ủ. Dường như vẫn chưa đủ, họ còn đang lên kế hoạch cho một phim truyền hình bí mật cùng tồn tại trong Vũ trụ này, mặc dù vẫn đang gặt hái những thành công liên tiếp với series hoạt hình Rebels trên Disney Channel.

X-men

Có lẽ nếu tính cả X-men vào một trong số các Vũ trụ Điện ảnh lấy cảm hứng từ Marvel thì sẽ không thực sự chính xác. Bởi vì X-men khi ra mắt năm 2001 chính là bộ phim đã khởi đầu làn sóng phim siêu anh hùng đầu thế kỷ 21 kéo dài cho tới tận ngày nay, mà chính Vũ trụ Điện ảnh Marvel cũng đã lấy cảm hứng từ đó.

Tuy nhiên, sau phần 3 không mấy suôn sẻ, hãng Fox rơi vào một giai đoạn khủng hoảng khi liên tiếp các dự án tiếp theo về các nhân vật X-men đều nềm mùi thất bại nghiêm trọng. Ngay khi mọi hi vọng về X-men dường như không còn nữa, họ đã đi một nước cờ liều lĩnh: Khởi động lại toàn bộ Vũ trụ X-men bằng X-men: First Class vào năm 2011.

Với một dàn diễn viên trẻ tuổi hơn, khán giả được nhìn vào quá khứ của những dị nhân đã quen thuộc từ trước như Charles Xavier, Magneto, Mystique, đồng thời làm quen với một dàn nhân vật hoàn toàn mới, trẻ trung, và thú vị không kém cạnh gì trước kia. Tiếp nối bằng X-men: Days of Future Past, và sau đó là X-men: Apocalypse, dựa trên những đầu truyện tranh kinh điển của Marvel, Fox đã không ngần ngại tiến bước với Vũ trụ mới của mình khi các phim này gặt hái được vô số thành công.

Liên tiếp các dự án từ điện ảnh đến truyền hình được hãng này đưa vào sản xuất liên tục trong những năm trở lại đây: Deadpool, Logan, New Mutants, The Gifted, Legion, và còn hơn thế nữa. Hầu hết những đầu phim này đều được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao, vì mang nhiều tính thể nghiệm khác biệt so với những phim cùng thể loại.

Tuy nhiên, điểm yếu của Vũ trụ Dị nhân của Fox chính là ở sự thiếu nhất quán nghiêm trọng. Ngoại trừ dòng phim X-men chủ đạo, hầu hết các phim spin-off còn lại đều mang nhiều tính độc lập, ít có sự kết nối với các phim "đồng đội". Thậm chí, nếu như để ý đôi chút, khán giả sẽ rơi vào tình trạng hoang mang, mất phương hướng hoàn toàn khi các chi tiết trong các phim khác nhau lại mâu thuẫn chan chát. Có vẻ như Fox không thực sự có một tầm nhìn rõ ràng trong việc xây dựng thế giới cho các nhân vật của mình.

Legendary Monsters

Fan của những quái vật khổng lồ đến từ Nhật Bản có lẽ là những người theo dõi sát sao nhất Vũ trụ Điện ảnh đặc biệt này. Đã từng làm mưa làm gió trong gần 30 phiên bản điện ảnh khác nhau từ khi được sáng tạo ra bởi các nhà làm phim Nhật Bản, Gozilla đã chạm trán rất nhiều các quái vật khổng lồ khác trong suốt chiều dài lịch sử của mình.

Khi hãng phim Legendary Pictures giành được quyền sản xuất điện ảnh cho chú quái vật to lớn này, Gozilla chính thức gia nhập vào một đại gia đình rộng lớn. Gozilla 2014 mới chỉ là bước khởi đầu cho Vũ trụ Điện ảnh Quái vật mà hãng phim này đang xây dựng, và dù nhận được những phản hồi cả tích cực lẫn tiêu cực từ phía khán giả, đó vẫn là một bom tấn thành công của hãng.

Sau đó, vào năm 2016, chúng ta được một lần nữa gặp lại một quái vật khác danh tiếng không kém mang quốc tịch Mỹ, King Kong. Lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam, đạo diễn Jordan Vogt Roberts thực sự đã thuyết phục được cả khán giả lẫn các nhà phê bình qua bộ phim Kong: Skull Island, vừa tôn vinh thành công dòng phim kinh điển về chú linh trưởng khổng lồ, vừa gửi gắm những thông điệp phản chiến hết sức tinh tế, nhưng vẫn cực kỳ hấp dẫn, kịch tính với kỹ xảo mãn nhãn.

Hiện đang di chuyển với tốc độ khá khiêm tốn, chỉ hai phim sau 3 năm, nhưng Legendary đã và đang chứng tỏ rằng họ đang có một hướng đi khá rõ ràng khi tập trung nhiều vào chất hơn vào lượng của các bộ phim.

Cho tới thời điểm hiện tại, thứ duy nhất kết nối giữa Kong và Godzilla mới chỉ là tổ chức bí ẩn Monarch. Nhưng đoạn phim credit của Kong đã cho thấy những điều khán giả có thể kỳ vọng vào vũ trụ này trong tương lai như quái vật Mothra hay King Ghidora, những cái tên đình đám không kém cạnh gì Godzilla ở Nhật Bản. Hơn nữa, một trận tỉ thí không thể tránh khỏi giữa Godzilla và đối thủ tới từ nước Mỹ Kong cũng đã được chọn ngày giờ chính thức ra mắt vào năm 2020. Vũ trụ Điện ảnh Quái vật của Legendary hứa hẹn sẽ mang lại những bộ phim đáng chờ đợi.

Dark Universe

Universal Studios, một "lão làng" ở Hollywood sở hữu trong tay quyền sản xuất điện ảnh cho hàng loạt những quái nhân và ma quỷ kinh điển trong lịch sử điện ảnh như Ma cà rồng Dracula, Xác ướp Ai Cập, Quái vật của Frankenstein, Thủy quái hồ Black Lagoon, Người Sói, và rất nhiều tên tuổi khác.

Cộng thêm tham vọng nương theo "cơn cuồng phong" của các Vũ trụ Điện ảnh đang càn quét khắp nơi, dường như họ đang nắm trong tay công thức hoàn hảo để thành công. Nhưng không phải ai cũng là Marvel hay Disney. Universal liên tiếp tỏ ra vô cùng "ngơ ngác" với chính "mỏ vàng" vô giá trong tay khi làm ra những bom "xịt" như Dracula: Untold (2014) và mới đây là The Mummy (2017).

Không chỉ vậy, họ không ngừng thay đổi kế hoạch của mình khi tuyên bố Dracula: Untold sẽ là phim đầu tiên trong Vũ trụ Điện ảnh mà họ đang thiết kế, nhưng rồi lại lờ nó đi luôn để thực hiện The Mummy. Trong quá trình marketing cho phiên bản Xác ướp làm lại với sự tham gia của Tom Cruise và Russell Crow, người ta hoàn toàn không hề thấy bóng dáng của Ma cà rồng Chúa hùng mạnh ở bất cứ đâu.

Thay vào đó, chỉ thấy những tên tuổi diễn viên "hoành tráng" xếp hàng chờ làm phim như Javier Bardiem hay Johnny Depp, nhưng phim thì gần như không có hi vọng gì được sản xuất trước thất bại phòng vé quá thảm hại của Xác ướp. Cho tới thời điểm này, số phận của Vũ trụ Điện ảnh Ma quái này từ Universal đã trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết dù họ chỉ mới làm duy nhất một phim.

Spider-man của Sony

Mặc dù đã có trong tay đế chế bất khả bại, nhưng có một sự thật mà bất cứ người hâm mộ Marvel nào cũng phải đối mặt: Kho tàng nhân vật truyện tranh của họ đang bị "tan đàn xẻ nghé" đi muôn nơi. Không chỉ là X-men và Fantastic Four vẫn đang bị "giam giữ" bởi Fox cùng những bộ phim lúc được lúc chăng, mà đứa con yêu quý nhất của gia tài Marvel – Spider-man cũng đang nằm dưới sự sinh sát của Sony Pictures.

Đương nhiên, hãng này cũng đã manh nha một Vũ trụ độc lập khi trao cho Andrew Garfield bộ đồ đỏ xanh truyền thống để "làm lại từ đầu" cho Spider-man qua 2 phần The Amazing Spider-man, cùng với hàng loạt đầu phim độc lập khác đã được công bố như Venom hay Sinister Six nhưng chưa từng được thấy ánh sáng. Mọi sự đổ bể hoàn toàn khi The Amazing Spider-man 2 bị đánh gục trước cửa phòng vé bởi đối thủ mạnh nhất: Giới phê bình và khán giả.

Thật may thay, Sony và Marvel Studios đã đi đến một thỏa thuận "xưa nay chưa ai thấy" ở Hollywood khi Spider-man được cho phép xuất hiện trong các phim của Vũ trụ Điện ảnh Marvel, chính thức trở về đoàn tụ với gia đình thực sự của mình qua Civil War (2016), và sau đó là Spider-man: Homecoming mùa hè năm nay. Nói thì nói vậy, nhưng thật ra Sony vẫn giữ vững trong tay quyền kiểm soát tất cả các nhân vật có liên hệ tới siêu anh hùng tuổi teen này, và họ vẫn hi vọng về một vùng trời của riêng mình.

Chính vì lẽ đó, khán giả lại tiếp tục bị Sony đùa cợt với trái tim mình khi họ công bố bắt tay vào sản xuất phim riêng cho Venom cũng như dự định xây dựng một thế giới xoay quanh Spider-man của Tom Holland, nhưng lại… không liên quan tới Vũ trụ Điện ảnh Marvel (?) Rất nhiều những phát ngôn đầy mâu thuẫn và gây hiểu lầm của giám đốc Sony Amy Pascal đã được ghi nhận. Để cho đến tận bây giờ, khi Venom đã bắt đầu quay phim được 1 tháng, vẫn không ai có câu trả lời thực sự chính xác xem mối liên hệ giữa phim này với Vũ trụ Marvel là gì.

"Chiếc bánh" Vũ trụ Điện ảnh quả thực rất "ngon lành" nên ai cũng muốn được "chia phần", nhưng hoàn toàn không hề "dễ nuốt" như cách mà Marvel đã làm được với thương hiệu của họ. Đây rõ ràng không phải là một "công thức" kiếm tiền đơn giản để các hãng phim dễ dàng bắt chước học đòi một cách máy móc, cứng nhắc mà không phải đối mặt với những pha "mắc nghẹn" đáng tiếc.

Để được như ngày hôm nay, không chỉ nhờ lịch sử đồ sộ trong mảng truyện tranh của Marvel, hãng này cũng đã phải có những hi sinh và vấp ngã nhất định, như những lần bán bản quyền phát hành phim cho nhân vật của mình cho hãng khác, để rồi bây giờ không thể lấy lại nổi.

Cũng giống như Iron Man không tự nhiên mà có được bộ giáp có công nghệ cao với đủ thứ vũ khí mạnh mẽ và khả năng bay lượn tự do mà không phải thử nghiệm với bộ giáp tồi tàn trong hang đá. Với số lượng "Vũ trụ" được khai sinh không ngừng nghỉ hàng ngày như kể trên, khán giả sẽ là những người "lời" nhất khi được thưởng thức vô vàn những bộ phim hấp dẫn. Tuy nhiên, số lượng mà không đi kèm chất lượng đồng đều, cũng như doanh số khả quan cho các tập đoàn giải trí thì không ai có thể đảm bảo được lúc nào thì "Vũ trụ" bị hút vào "lỗ đen" của sự thất bại.