- Theo Helino | 08/08/2019 06:19 PM
Chiến tranh ma túy Mexico là chiến dịch vũ trang kéo dài từ năm 2006 cho đến tận ngày nay giữa chính phủ Mexico với các băng đảng buôn bán ma túy. Tính đến năm 2013, ước tính số người chết trong chiến dịch này đã lên đến 120.000 người, chưa kể 27.000 người có liên quan mất tích. Chiến dịch quy mô này khởi nguồn từ vụ sát hại đặc vụ Enique 'Kiki' Camerana gây chấn động giới an ninh Mỹ và Mexico suốt thập niên 80.
Cánh đồng thuốc phiện Chihuahua
Vào tháng 11 năm 1984, lực lượng an ninh Mexico thực hiện cuộc đột kích vào trang trại của trùm ma túy Rafael Cairo Quintero tại bang Chihuahua. Trong vụ đột kích này, lực lượng an ninh đã tiêu hủy 10.000 tấn cần sa, ước tính có giá trị khoảng 160 triệu USD. Tổn thất nặng nề mà cuộc đột kích này gây ra đã khiến ông trùm Rafael và băng đảng Guadalajara vô cùng tức giận, chúng lên kế hoạch trả thù.
Băng Guadalajara lập tức truy lùng gắt gao người chỉ điểm cho lực lượng an ninh. Chúng nhanh chóng tìm ra được một cái tên khả nghi trong số các khách hàng tiềm năng của mình là Enrique 'Kiki' Camarena, 37 tuổi, người Mỹ gốc Mexico. Vào thời điểm đó, băng Guadajara là băng đảng có thế lực cũng như lớn nhất tại Mexico, vì thế chúng không ngần ngại đưa ra bản án tử cho kẻ chỉ điểm.
Vụ bắt cóc và tra tấn dã man Enrique 'Kiki' Camarena
Enrique 'Kiki' Camarena vốn là đặc vụ thuộc DEA (lực lượng phòng chống ma túy Hoa Kỳ) nhận nhiệm vụ nằm vùng điều tra nguồn cung cấp cần sa, cocaine... tại Mexico. Sau vụ đột kích cánh đồng thuốc phiện Chihuahua, anh đã được lệnh chuyển công tác về San Francisco cùng vợ và ba đứa con nhỏ.
Ảnh: Đặc vụ Enrique 'Kiki' Camerana
Ngày 7/2/1985, một tháng trước khi quay về Mỹ, Enrique bị một nhóm lạ mặt bắt cóc khi đang trên đường đến buổi hẹn ăn trưa cùng vợ. Ngay sau khi nhận được cú điện thoại thông báo mất tích từ vợ Enrique, DEA và chính phủ Mỹ đã mở một cuộc truy lùng quy mô lớn để tìm kiếm Enrique cùng viên phi công Alfredo Zavala Avelar (người cũng mất tích cùng ngày với Enrique). Thậm chí, tổng thống Mỹ khi đó đã thực hiện chính sách chưa từng có trong lịch sự là đóng cửa biên giới cũng như tạo sức ép thương mại với Mexico.
Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của chính quyền hai nước, thi thể của đặc vụ Enrique 'Kiki' Camerana và viên phi công Alfredo Zavala Avelar chỉ được tìm thấy sau 30 ngày bên lề đường. Không những thế, cả hai thi thể đều có vết tích tra tấn dã man với các vết khoan ở hộp sọ, xương sườn gãy và khí quản bị nghiền nát. Trong suốt quá trình tra tấn Enrique, những kẻ bắt cóc đã ép anh sử dụng ma túy để giữ tỉnh táo.
Chiến dịch Leyenda hay sự trả thù của người Mỹ và 'luật ngầm' không đụng đến DEA
Trước cái chết của đặc vụ Enrique 'Kiki' Camerana, DEA đã mở cuộc điều tra hay đúng hơn là chiến dịch truy bắt Leyenda. Thủ phạm đứng sau vụ bắt cóc và tra tấn man rợ được xác định là 3 thủ lĩnh băng nhóm Guadalajan – băng nhóm ma túy quyền lực nhất Mexico. Lần lượt Ernesto 'Don Neto' Fonseca, Miguel Angel Felix Gallardo và Rafael Caro Quintero đã bị bắt. Cuộc truy quét này khiến băng Guadalajan sụp đổ hoàn toàn cũng như khiến giới mafia Mexico phải ém nhẹm hành động trong một thời gian cho đến như năm 90. Kể từ đó, DEA trở thành nỗi khiếp sợ đối với giới mafia.
Tuy nhiên, cho đến ngày nay, các chuyên gia phân tích đều cho rằng vụ án của đặc vụ Enrique lẫn cách người Mỹ 'trả thù' chính là mở đầu đẫm máu cho chiến tranh ma túy Mexico sau này. Bởi từ sau chiến dịch Leyenda, sự sụp đổ của băng Guadalajara đã dẫn đến việc các tàn dư, ông trùm dưới trướng bộ ba Felix – Don Neto – Rafael tách ra thành nhiều băng đảng nhỏ hơn. Một trong số những cái tên nổi tiếng là Joaquin 'El Chapo' Guzman – ông trùm bị truy lùng gắt gao và hiện đang chịu án trung thân tại nhà tù đặc biệt của Mỹ ở bang Colorado.