- Theo Helino | 26/08/2019 06:00 PM
Ngày 12 tháng 1 năm 1948, hai sĩ quan cảnh sát từ khu vực Waseda ở thành phố Tokyo (Nhật Bản) vô tình phát hiện hài cốt của 5 đứa trẻ sơ sinh. Phát hiện gây sốc đó khiến họ nảy sinh nghi ngờ.
Miyuki Ishikawa thời còn trẻ.
Khám nghiệm tử thi cho thấy chúng không tự nhiên mà chết. Và một cuộc điều tra đã dẫn đến việc bắt giữ người phụ nữ tên Miyuki Ishikawa cùng chồng của ả - hai kẻ đứng đằng sau cái chết của hơn 100 đứa trẻ sơ sinh - vào ngày 15/1/1948. Vụ án khiến người dân cả nước Nhật phải rùng mình ớn lạnh. Cho đến tận ngày nay, mỗi khi nhắc đến cái tên Miyuki Ishikawa thì người lại cảm thấy sợ hãi.
Họ gọi ả bằng những cái tên như "Demon Midwife" (Bảo mẫu ác quỷ) hay "Onisanba" (Quỷ sản bà).
Miyuki Ishikawa sinh năm 1897 tại thị trấn Kunitomi, tỉnh Miyazaki, miền Nam Nhật Bản. Bà ta có một tuổi thơ kém may mắn khi bị chính cha ruột của mình thường xuyên đánh đập dã man và bỏ đói. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, bà ta vẫn thi đậu vào trường Đại học Tokyo. Sau khi tốt nghiệp đại học, Miyuki kết hôn với người đàn ông tên Takeshi Ishikawa.
Miyuki làm nữ hộ sinh trong bệnh viện phụ sản Kotobuki nhiều năm sau đó và trở thành giám đốc bệnh viện vì có kinh nghiệm làm việc, hay nói cách khác đơn giản là "sống lâu lên lão làng".
Vào những năm 1900, ở Nhật Bản chưa có một hệ thống bằng cấp hay chứng chỉ đào tạo chính thức cho vị trí nữ hộ sinh hay bảo mẫu. Miyuki được nắm giữ chức vụ cao nhất của một bệnh viện như vậy vì bà ta có kinh nghiệm lâu năm.
Năm 1945, Nhật Bản buộc phải ký hiệp ước đầu hàng vô điều kiện để kết thúc chiến tranh. Đất nước mặt trời mọc phải chịu một cuộc khủng hoảng xã hội khủng khiếp do hậu quả đau thương của một cuộc chiến tranh, bom nguyên tử, bất ổn kinh tế. Đó đều là những khó khăn mà mỗi quốc gia đều phải "nếm trải" sau mỗi trận chiến như vậy.
Thời điểm đó, phần lớn người Nhật Bản rơi vào cảnh khốn cùng, lương thực cạn kiệt, phúc lợi xã hội và đời sống người dân đều bị tác động không nhỏ. Điều đó cũng dẫn đến một hiện tượng xã hội mà người ta gọi là "bùng nổ trẻ em". Những đứa trẻ cứ ra đời không thể kiểm soát. Người ta cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do đất nước khó khăn, không có những chiến dịch tuyên truyền giáo dục, kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, các cặp vợ chồng bị chia ly trong chiến tranh được đoàn tụ.
Vì phá thai là bất hợp pháp ở Nhật Bản trong thời gian này nên nhiều cặp vợ chồng đã sinh con mà họ không có khả năng nuôi dưỡng chúng.
Là một người tiếp xúc trực tiếp với các bà mẹ trong bệnh viện phụ sản, Miyuki đã thấy điều này, và cũng biết rằng các nguồn lực từ thiện còn rất yếu. Bằng cái đầu tính toán lạnh lùng của mình, bà ta cho rằng sẽ là giải pháp tốt nhất nếu những đứa trẻ chết đi.
Làm bất cứ điều gì để ngăn ngừa mang thai đã bị trừng phạt nghiêm trọng, thậm chí còn khủng khiếp hơn cả việc bỏ rơi 1 đứa trẻ đến chết. Vì vậy, những người dân nghèo không biết phải làm gì với con cái của họ hoặc những người có thai ngoài ý muốn đã nhờ cậy đến sự giúp đỡ của ả Miyuki.
Và để "giải quyết" những sinh linh có mặt không đúng lúc ấy, Miyuki yêu cầu bỏ đói lũ trẻ để chúng chết khô thì mang đi. Thủ đoạn tàn độc như vậy nhưng ả cũng không cần giấu giếm. Thực tế nhiều nữ hộ sinh làm việc tại bệnh viện đã lên án những gì bà ta làm và xin nghỉ việc nhưng không ai có bất kỳ hành động nào để ngăn cản bà ta.
Miyuki sớm nhận ra rằng ả cần sự giúp đỡ nếu thực hiện thành công kế hoạch của mình, và vì vậy, ả đã lôi kéo cả chồng và một bác sĩ tên Shiro Nakayama vào việc kinh doanh của mình.
Phải nhấn mạnh đến 2 chữ kinh doanh vì kế hoạch của bà ta nhằm mục đích kiếm tiền, sinh lợi. Và dịch vụ "thủ tiêu trẻ sơ sinh" từ đó mà ra đời.
Miyuki và chồng Takeshi Ishikawa nhìn ra một cơ hội kiếm tiền dễ dàng từ những đứa trẻ bởi bà ta nắm được tâm lý của các cặp vợ chồng nghèo và thuyết phục họ rằng chi phí cho dịch vụ của bà ta chắc chắn sẽ ít hơn khoản tiền để nuôi dưỡng 1 đứa trẻ trong thời buổi kinh tế khó khăn như vậy.
Chỉ cần trả một khoản tiền cho Miyuki, những cặp vợ chồng có con không mong muốn sẽ chẳng bao giờ phải thấy lại con mình nữa.
Miyuki Ishikawa sẽ lo việc giết chết những đứa trẻ, chồng của bà ta sau đó sẽ thu tiền từ các bậc cha mẹ còn bác sĩ Nakayama chịu trách nhiệm tạo ra giấy chứng tử giả.
Kế hoạch của chúng tưởng chừng như khá hoàn hảo cho đến khi cảnh sát phát hiện xác chết của 5 đứa trẻ sơ sinh.
Miyuki cùng chồng bị bắt giữ vào ngày 15/1/1948 nhưng trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện những sự thật rùng rợn hơn họ nghĩ. Trong khi cảnh sát đang tiến hành thẩm vấn nghi phạm và chờ đợi một phiên tòa, cuộc điều tra đã dẫn họ và thám tử đến một ngôi đền nơi họ tìm thấy khoảng 30 thi thể em bé sơ sinh được chôn cất trong khuôn viên và khoảng 40 thi thể khác trong ngôi nhà của 1 người đã chết. Tất cả đều chết theo cách giống như 5 đứa trẻ được phát hiện ban đầu.
Cảnh sát đang bắt giữ Miyuki (che mặt) vào năm 1948.
Các nhà chức trách không thể thống kê chính xác được số lượng trẻ đã chết dưới tay "bảo mẫu ác quỷ ấy". Con số chính thức được đăng trên các tờ báo lúc bấy giờ là 103, tuy nhiên người ta tin tổng số trẻ chết ít nhất là 169.
Phiên tòa xét xử vụ án gây rúng động.
Trước tòa, ả đàn bà tàn ác này còn luôn miệng chối tội. Bà ta tuyên bố trong phiên tòa rằng mình không liên quan gì đến chuyện này và lời giải thích được đưa ra là cha mẹ của những đứa trẻ đã bỏ rơi chúng vì không đủ khả năng nuôi dưỡng.
Những chiếc thùng gỗ ở viện phụ sản Kotobuki, được Miyuki dùng để đựng thi thể của những đứa trẻ.
Cơ quan điều tra không thể thu thập đủ bằng chứng kết tội Miyuki Ishikawa và chồng, nên tòa án tối cao Nhật Bản buộc phải kết tội ả 8 năm tù giam vì tội "vô trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng", người chồng chịu mức án 4 năm tù. Sau đó, họ kháng cáo khiến tòa phải giảm một nửa hình phạt, Miyuki chỉ ở tù 4 năm còn chồng bà ta ở tù 2 năm.
Bản án này gây phẫn nộ và bức xúc trong dư luận Nhật Bản bởi ai cũng cho rằng nó quá nhẹ đối với tội ác tày trời mà vợ chồng bảo mẫu ác quỷ này gây ra.
(Tổng hợp)