Helino | 28/08/2019 02:20 PM
Gần đây, một vlogger người Trung Quốc có tài khoản là Dã Thực Tiểu Ca với 4 triệu người theo dõi đã gây ra một làn sóng tranh cãi trên MXH Weibo vì nấu thực vật quý hiếm ở vùng Vân Nam với mỳ tôm. Clip gây tranh cãi đến nỗi, chỉ sau vài giờ đăng tải, vlogger này đã nhận được vô số lời chỉ trích từ các nhà thực vật học và cư dân mạng.
Được biết, loại thực vật được vlogger này sử dụng có tên là tuyết liên hoa vô cùng quý hiếm, chỉ xuất hiện ở vài vùng như Tây Tạng, Vân Nam, Nepal và Ấn Độ. Sau khi đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trên MXH Weibo của Trung Quốc, một nhà thực vật học thuộc trường Đại học Sư Phạm Thủ Đô tên là Cố Hữu Dung đã lên tiếng chỉ trích hành động của vlogger: "Thiếu thức ăn đến như vậy sao? Đi săn cũng phải có chừng mực thôi chứ? Tuyết liên hoa đã bị tàn phá rất nặng nề rồi, đến chúng tôi còn không được phép hái nó, kể cả để làm tiêu bản."
Một bức ảnh được cắt ra từ clip nấu thực vật quý hiếm với mỳ tôm của vlogger.
Một cây tuyết liên hoa. (Nguồn: Asia One)
Dưới sức ép từ cộng đồng mạng và các nhà thực vật học, chủ tài khoản Dã Thực Tiểu Ca đã phải xóa clip ăn mỳ tôm với cây tuyết liên hoa và viết một bức tâm thư xin lỗi. Trong bức thư xin lỗi, vlogger này đã viết rằng trước khi quay phim, anh đã hỏi một ông chủ cửa hàng đặc sản địa phương về tuyết liên hoa. Sau đó, ông chủ này cho biết, tuyết liên hoa đang được mua bán rộng rãi và không có bất kỳ điều luật ngăn cấm người dân không được ăn loại cây này.
Tuyết liên hoa không nằm trong danh mục thực vật được bảo tồn ở Trung Quốc cho dù nó là một trong những loài thực vật đang trên bờ tuyệt chủng. Trung Quốc lần đầu tiên công bố danh sách các loài thực vật được bảo vệ vào năm 1999 và danh sách thứ hai vẫn đang trong vòng thảo luận. Theo ông Cố, vì môi trường sinh trưởng của tuyết liên hoa rất khắc nghiệt nên việc hái lượm tuyết liên hoa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của loài cây này. Cách đây một tháng, cảnh sát cũng đã điều tra vụ việc một người đàn ông đang nhổ một cây đại hoàng, một loài thực vật nằm trong danh sách được bảo vệ ở Trung Quốc.
(Nguồn: Asia One)