Với nhiều nhà làm phim quốc tế, Vịnh Hạ Long là một trong những địa điểm quay nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Phong cảnh hùng vĩ và độc đáo của non nước Hạ Long từng là bối cảnh cho các bộ phim thuộc nhiều thể loại, từ hành động, phiêu lưu đến lịch sử, khoa học viễn tưởng…
Ra mắt năm 1992, Indochine (Tựa Việt: Đông Dương ) được xem là tác phẩm kinh điển của Pháp, từng thắng giải Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 1993. Câu chuyện đặt bối cảnh chủ yếu ở Việt Nam giai đoạn 1930-1950, trước hiệp định Genève năm 1954. Trong đó, Vịnh Hạ Long là một trong những điểm quay quan trọng giúp làm nên vẻ đẹp của phim.
Chuyện phim bắt đầu khi nhân vật chính Eliane (Catherine Deneuve) theo cha đến Việt Nam sau đó nối nghiệp làm chủ đồn điền cao su. Bà nhận cô gái Việt Camille (Phạm Linh Đan) làm con và sống yên bình trong khoảng thời gian quân Pháp chiếm đóng Đông Dương. Nhưng khi lớn lên, Camille nhanh chóng rơi vào vòng xoáy tình yêu rồi đi theo con đường cách mạng.
Để thực hiện tác phẩm, đạo diễn Régis Wargnier cho dựng một phim trường ngay tại Vịnh Hạ Long vào năm 1991. Suốt 3 tháng ròng rã, ê-kíp trực tiếp quay nhiều phân đoạn tại đây để đảm bảo tính mỹ thuật cho phim. Sau khi phát hành, khán giả quốc tế quá ấn tượng nên rất nhiều người tìm đến Vịnh Hạ Long, đặc biệt là người Pháp.
Pan (Tựa Việt: Pan và vùng đất Neverland ) là bản chuyển thể điện ảnh về nhân vật cổ tích nổi tiếng Peter Pan, do đạo diễn Joe Wright cầm trịch. Dự án gây chú ý với kinh phí lên tới 150 triệu USD và dàn sao gồm Hugh Jackman, Rooney Mara, Amanda Seyfried,…
Dù nội dung không được đánh giá cao, tác phẩm lại gây ấn tượng nhờ hiệu ứng hình ảnh ấn tượng. Trong đó, một số cảnh quay được thực hiện tại Hang Én, Vịnh Hạ Long và Ninh Bình.
Ê-kíp dùng hình ảnh mang tính biểu tượng của Hạ Long là những dãy núi đá vôi trùng điệp, kết hợp kỹ xảo vi tính để tạo nên một không gian huyền diệu, mộng mơ.
Ít ai ngờ chính vẻ đẹp hùng vĩ của Vịnh Hạ Long lại là “cánh cửa” đưa người xem bước vào thế giới thần tiên kỳ ảo của vùng đất Neverland - giấc mơ của nhiều cô bé, cậu bé.
Không phải là phim Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam nhưng Kong: Skull Island (Tựa Việt: Kong: Đảo đầu lâu ) là bom tấn có quy mô lớn nhất, giúp khán giả quốc tế biết đến cảnh đẹp nước ta nhiều hơn. Khác Pan , lần này ê-kíp Hollywood không chỉ điểm xuyến mà tập trung toàn bộ bối cảnh chính ở Hạ Long, Ninh Bình và Quảng Bình.
Với kinh phí 190 triệu USD, phim được đầu tư mạnh về phần nhìn. Cảnh quan hùng vĩ, choáng ngợp của Vịnh Hạ Long được thể hiện ở nhiều phân đoạn từ trên cao nhìn từ trực thăng. Ánh mặt trời chiếu rọi một quần thể núi non hùng vĩ trên mặt nước khiến Hạ Long hiện lên màn ảnh rộng vừa rực rỡ vừa kỳ bí.
Bom tấn Kong: Skull Island (2017) quay tại Vịnh Hạ Long, Ninh Bình và Quảng Bình.Suốt bộ phim, khung cảnh non nước hữu tình của Việt Nam trở thành yếu tố quan trọng giúp câu chuyện của Kong - chúa tể đảo Đầu lâu – trở nên hấp dẫn hơn. Nhờ đó, tác phẩm cũng khác biệt với nhiều bom tấn Hollywood xuất hiện cùng thời điểm.
Life (Tựa Việt: Mầm sống hiểm họa ) là dự án kinh dị, khoa học viễn tưởng của đạo diễn Daniel Espinosa, quy tụ dàn sao gồm Jake Gyllenhaal, Ryan Reynolds, Rebecca Ferguson, Hiroyuki Sanada...
Đáng tiếc, phim không quá bùng nổ khi ra mắt tại phòng vé nên nhiều người cũng không để ý Vịnh Hạ Long xuất hiện ở phân cảnh cuối cùng.
Vịnh Hạ Long xuất hiện trong phân cảnh cuối phim Life (2017).Nội dung phim kể về một nhóm nhà khoa học trong không gian bất ngờ gặp trở ngại khi phát hiện một sinh vật ngoài hành tinh.
Sau phần lớn thời lượng tập trung ngoài Trái Đất, bối cảnh Vịnh Hạ Long xuất hiện ở cuối phim bỗng nhiên nổi bật. Những ngọn núi đá vôi nhô lên giữa vùng biển xanh màu lục bảo trở thành hình ảnh thu hút, không khỏi khiến nhiều người xem tò mò.
Từ khi công bố trailer, tác phẩm hành động khoa học viễn tưởng The Creator (Tựa Việt: Kẻ kiến tạo ) gây chú ý khi có sự góp mặt của diễn viên Ngô Thanh Vân và cảnh quay Việt Nam.
Đặc biệt, khung cảnh Vịnh Hạ Long với núi non trùng điệp, mờ ảo đặc trưng, mặt nước phẳng lặng, xanh biếc gây ấn tượng với khán giả ngay từ trailer.
Phim đặt bối cảnh tương lai, khi những cỗ máy AI (trí tuệ nhân tạo) ngày càng phát triển và dần trở thành mối đe dọa với con người. Sau một vụ nổ hạt nhân do AI thực hiện, chính phủ Mỹ quyết định thành lập lực lượng nhằm tiêu diệt các robot biến chất.
Để làm nổi bật cuộc chiến giữa con người và AI, đạo diễn hạn chế phông xanh mà ghi hình ở nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Indonesia, Nepal… và cả Việt Nam.
Đáng tiếc, tác phẩm không quá thành công khi ra mắt, chỉ thu hơn 13 tỷ đồng tại nước ta và hơn 100 triệu USD toàn cầu. Con số này không đủ để hồi vốn vì kinh phí lên đến hơn 80 triệu USD.