Trí Thức Trẻ | 17/05/2022 05:35 PM
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã và đang cùng lúc tăng tốc tại nhiều quốc gia, tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế - xã hội. Xu hướng phát triển dựa trên vạn vật kết nối, liên tục tạo nên những đột phá của công nghệ như Internet vạn vật (IoT), AI hay công nghệ blockchain
Nền kinh tế số đang tăng trưởng với một tốc độ chóng mặt, tỷ lệ thuận với chính tiến trình phát triển của công nghệ. Nhờ độ phủ của Internet, những hình thức kinh doanh, những dịch vụ mới xuất hiện tạo ra hàng triệu việc làm cũng như cơ hội cải thiện cuộc sống cho nhiều quốc gia đang phát triển.
Cũng dựa vào khả năng kết nối chéo giữa cũ và mới, nhiều những công nghệ chớm phát triển đã tìm được ứng dụng trong những ngành cơ bản. Nhờ khẳng định được tiềm năng của mình, công nghệ blockchain đã xuất hiện trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, y tế, nông nghiệp, v.v…
Công nghệ blockchain cung cấp hai yếu tố sống còn trong nền kinh tế số, là “minh bạch” và “bảo mật”. Dựa trên nền tảng ngày một hoàn thiện, chính phủ các quốc gia đã đang triển khai nhiều dự án tích hợp blockchain vào hoạt động thường nhật, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục khai thác những thế mạnh của blockchain, ứng dụng nó vào nền kinh tế số linh hoạt.
Trong top 200 công ty kinh doanh dựa trên mô hình blockchain, có tới 7 doanh nghiệp do người Việt thành lập, không ít trong số đó đã sở hữu mức vốn hóa trên 100 triệu USD. Những kỳ lân công nghệ Việt Nam đã tạo được điểm nhấn trên trường quốc tế.
Nhìn vào những thành tựu đã có được, việc ra đời của Hiệp hội Blockchain Việt Nam dường như là tất yếu. Hiệp hội có thể trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu, các ban ngành ứng dụng công nghệ mới, giúp tăng tốc giải quyết những vấn đề tồn đọng của một công nghệ vẫn đang phát triển.
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch DeCom Holdings, Phó Chủ tịch Hiệp hội blockchain Việt Nam phát biểu tại sự kiện
Khoảng thời gian tới sẽ là lúc Hiệp hội Blockchain Việt Nam tập hợp những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang có hoạt động liên quan tới blockchain. Mạng lưới những tổ chức này sẽ chung tay đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, qua đó tiếp tục phát triển nền kinh tế số tại dải đất hình chữ S.
Phát biểu tại lễ ra mắt Hiệp hội, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho hay: “Chúng tôi rất mong muốn Hiệp hội Blockchain Việt Nam có phối hợp, hỗ trợ Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan khác trong xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý trong nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ blockchain”.
Bộ KH&CN sẽ tạo điều kiện nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam. Việc thành lập Hiệp hội là một trong những nỗ lực kết nối nhiều bên đã, đang sử dụng công nghệ mới. Việt Nam đang nắm trong tay khả năng phát triển một đội ngũ nhân lực ngành blockchain, có tiềm năng đưa nền kinh tế số của Việt Nam tham gia thị trường blockchain toàn cầu.