Ngày nay, các nhà phát triển game có rất nhiều cách để tạo ra hàng loạt hệ thống trí thông minh nhân tạo để làm khó người chơi. Tuy nhiên, trở lại thập niên 90 của thế kỷ trước, công việc này lại cực kỳ khó khăn và phức tạp. Thế nhưng, cứ không phải khó khăn là con người lại dễ dàng bỏ cuộc. Các nhà phát triển của tựa game GoldenEye đã chứng minh điều ngược lại khi tạo ra một hệ thống AI khá hoàn hảo (nếu tính theo mặt bằng chung của công nghệ thời bấy giờ).
Theo chia sẻ của đội ngũ phát triển đời đâu của Valve, chính hệ thống trí thông minh nhân tạo trong GoldenEye đã trở thành cảm hứng lớn để họ hoàn thiện Half-Life. Một trong những cách để Rare (nhà phát triển GoldenEye) có thể tạo ra AI ấn tượng đến vậy là bằng cách xây dựng toàn bộ trò chơi với trọng tâm chính là AI. Điều này cho phép người chơi thực sự có thể tạo ra những tương tác lớn với hệ thống trí thông minh nhân tạo.
Trong cuộc phỏng vấn thực hiện vào năm 1998 tại triển lãm thương mại trò chơi điện tử London, ông David Doak, giám đốc phát triển của GoldenEye cho biết, những nhà thiết kế của Valve đã trao đổi và thảo luận rất nhiều với Rare xung quanh chủ đề trí thông minh nhân tạo. Nếu đã từng chơi qua cả GoldenEye và Half-Life, bạn sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng về cách hoạt động của NPC và kẻ địch.
Được biết, GoldenEye 007 là tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất được ra mắt vào năm 1997. Toàn bộ quá trình phát triển của "GoldenEye 007" – một trong những video game nổi tiếng và quan trọng nhất trong lịch sử ngành game, là một dự án trì hoãn kéo dài và vấp phải vô số vấn đề nan giải.
Trong tổng số 10 thành viên của dự án, chỉ có 8 người từng phát triển game trước đó, nhân lực đã ít, lại không có nhiều kinh nghiệm nên quả thực rất khó khăn. Dự án kéo dài 32 tháng đồng nghĩa với việc nó được phát hành 2 năm sau khi bộ phim gốc ra rạp. Tuy nhiên điều phi thường nhất chính là tính năng nhiều người chơi được thực hiện gần như toàn bộ bởi chỉ một người. Nó được giữ bí mật tới cuối cùng và bổ sung vào game như một phương án dự phòng.