Vi Tiểu Bảo và 4 nhân vật có biệt tài "cắn trộm" trong tiểu thuyết Kim Dung

Mặt Trứng  - Theo Helino | 25/07/2018 06:00 PM

Đôi khi võ công cao cường vẫn là chưa đủ để hành tẩu trên giang hồ. Vì thường thì bạn sẽ chỉ phải đề phòng những cao thủ đúng nghĩa khác, chứ ít khi có thể chống lại cũng như lường trước được những đòn tấn công bất ngờ. Thế nên, trong hầu hết các tác phẩm của mình, Kim Dung luôn tạo ra mẫu nhân vật mà ở đó, khả năng cắn trộm, đâm lén của họ đôi khi còn cao hơn võ công thực nữa.

Bài viết này tổng hợp các nhân vật dựa trên những tình huống đánh lén của họ từ những bộ tiểu thuyết của Kim Dung chứ không có ý chê bai hay kích động. Nếu độc giả thấy không hợp lý, vui lòng góp ý lại với chúng mình nha.

Vi Tiểu Bảo  

Có lẽ đây là tạo hình nổi bật nhất của mẫu nhân vật đó rồi. Gian xảo, mưu mẹo, võ công thấp kém, và nhất là còn sở hữu một thanh trủy thủ chém sắt như bùn nữa, Vi Tiểu Bảo có quá nhiều lý do để được xếp vào danh sách này.  

Vi Tiểu Bảo và 4 nhân vật có biệt tài cắn trộm trong tiểu thuyết Kim Dung - Ảnh 1.

Vi Tiểu Bảo – vua đâm lén trong tiểu thuyết của Kim Dung

Nạn nhân của Vi Tiểu Bảo thì có khá nhiều, mà cái tên đầu tiên, và cũng dễ để kể tới nhất chính là Ngao Bái, đệ nhất dũng sĩ Mãn châu. Tiếp đó là Hải Đại Phú, và góp phần giúp cho thái hậu giả hạ gục gã công công này. Cái tên tiếp theo là Liễu Yến, đệ tử đắc lực của thái hậu giả, và cũng thuộc hàng cao thủ trong Thần Long giáo. 

Chưa hết, cũng nhờ khả năng đâm lén đạt tới cảnh giới cao nhất mà Vi Tiểu Bảo hạ gục được bốn gã lạt ma tới từ Tây Tạng. Ngay cả Nhất Kiếm Vô Huyết Phùng Tích Phạm cũng bị gã tung bột mỳ, sau đó chặt đứt mấy đầu ngón tay, khiến cho đại cao thủ ngang hàng với Trần Cận Nam cũng phải hoảng hốt mà bỏ chạy. Chẳng quá khi nói rằng Vi Tiểu Bảo chính là cao thủ đệ nhất "cắn trộm".  

Thành Côn 

Hỗn Thiên Tích Lịch Thủ Thành Côn, hay còn được biết tới là sư phụ của Tạ Tốn chính là nhân vật phản diện đáng ghét nhất trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Y vì hận thù với giáo chủ đời trước của Minh giáo, Dương Đỉnh Thiên mà trong lòng luôn ghen ghét, muốn hủy diệt giáo phái này.  

Vi Tiểu Bảo và 4 nhân vật có biệt tài cắn trộm trong tiểu thuyết Kim Dung - Ảnh 2.

Thành Côn luôn ẩn mình chờ ngày hãm hại Minh Giáo

Còn nhớ trong một lần Dương Tiêu cùng bọn Ngũ Tản Nhân, Vi Nhất Tiếu cãi lộn dẫn tới xung đột tay chân, và khi trận đấu đang cân bằng, Thành Côn bất ngờ hiện ra từ mật thất của Minh giáo, đánh ngay một chưởng Huyễn Âm Chỉ vào huyệt Thần Đạo của Dương Tiêu. 

Đó cũng chỉ là dẫn chứng cơ bản nhất, còn xuyên suốt bộ truyện. Thành Côn luôn ẩn thân trong bóng tối, và là "đạo diễn" của không ít những sự kiện thương tâm, mà điển hình là hại Tạ Tốn tự tay tàn sát cả gia đình.

Dương Khang

Vi Tiểu Bảo và 4 nhân vật có biệt tài cắn trộm trong tiểu thuyết Kim Dung - Ảnh 3.

Dù mang tiếng là đệ tử chân truyền của Toàn Chân Thất Tử, và cũng là vương gia của nước Kim, thế nhưng Dương Khang lại chính là nhân vật phản diện đáng ghét nhất trong Anh Hùng Xạ Điêu. Nhất là khi so với một Quách Tĩnh hiền lành, ngờ nghệch thì sự gian xảo, mưu mô của Dương Khang càng trở nên khó ưa hơn nhiều.  

Gần như hắn chẳng bao giờ chịu làm chuyện minh bạch. Tại một quán nhỏ ở Ngưu Gia Thôn, khi Âu Dương Khắc bắt được cả Mục Niệm Từ và Trình Dao Gia, Dương Khang giả vờ cười nói, đồng lõa với Khắc, trước khi âm thầm ám sát vào lúc hắn ít đề phòng nhất. Về sau, trong miếu Thiết Thương, Dương Khang định bổn cũ soạn lại với Hoàng Dung để bịt miệng nhưng bất thành, đành phải sử ra một thức Cửu âm bạch cốt trảo toàn lực vào nàng. 

Nhưng đen đủi thay, Hoàng Dung tuy đau đớn tới thấu tim, nhưng nhờ vào nhuyễn vị giáp vẫn toàn mạnh, còn Dương Khang, trúng phải đôc tố trên tấm giáp và phải bỏ mạng trong đau đớn.  

Hoắc Đô 

Là đệ tử của Kim Luân Pháp Vương, thế nhưng vai trò ban đầu của Hoắc Đô là tương đối mờ nhạt. Hắn chỉ thật sự có đất diễn từ lần tỷ thí với Chu Tử Liễu. Ở trận đấu đó, Hoắc Đô dù cố gắng hết sức nhưng vẫn thảm bại. 

Thắng thua đã phân, khi Hoắc Đô bị điểm huyệt và ngã khụy ra đất. Thế nhưng, khi Chu Tử Liễu giải huyệt cho hắn, thì sát cơ của Hoắc Đô nổi lên, phóng ám khí vào người của Chu Tử Liễu. Vì bất ngờ, anh không kịp né tránh sát chiêu này của Hoắc Đô lập tức cảm thấy toàn thân đau buốt, không thể đứng vững.  

Vi Tiểu Bảo và 4 nhân vật có biệt tài cắn trộm trong tiểu thuyết Kim Dung - Ảnh 4.

Hoắc Đô khi giả mạo Hà Sư Ngã để tranh chức chưởng môn

Rồi sau đó, khi hắn bỏ chạy khỏi sư phụ của mình, giả danh là Hà Sư Ngã và gia nhập Cái Bang phái với mục đích tìm thời cơ trục lợi. Nhưng tiếc là cuối cùng, danh tính của hắn cũng bị Thần Điêu Đại Hiệp phát hiện, và gục ngã trước Đạt Nhĩ Ma – sư huynh của mình. 

Hoắc Đô lại định bổn cũ soạn lại, giả vờ chết chờ Đạt Nhĩ Ma bước tới để tung chiêu sát thủ, nhưng đáng hận thay là sư huynh của hắn lại không thèm tới kết liễu kẻ phản phúc. Hoắc Đô sau đó cũng không sống được lâu. Một chiêu Đạn Chỉ Thần Thông đã kết thúc cuộc đời chuyên "cắn trộm" của hắn.  

Theo dinhphong8104