- Theo Trí Thức Trẻ | 06/03/2017 05:03 PM
Vài năm trở lại đây, những tựa game kinh dị tâm lý cũng như sinh tồn đã trở thành một phong trào cực kỳ hot, thu hút sự chú ý cũng như thưởng thức của vô vàn game thủ. Những tựa game với hình ảnh ghê rợn, quái đản đến từ các nhà phát triển game indie cũng như các hãng lớn phát triển đã bán được hàng triệu bản trên toàn thế giới.
Thế nhưng một câu hỏi mà nhiều người vẫn thường đưa ra là, vì sao dù có hình ảnh ghê tởm và trải nghiệm khó chịu, chưa nói đến kinh hoàng như vậy mà những game kinh dị vẫn bán chạy như tôm tươi vậy?
Các nhà nghiên cứu nói gì?
Mới đây, Jamie Madigan, tác giả cuốn sách mang tên "Tâm lý khi chơi trò chơi điện tử" đã cho biết các nhà nghiên cứu đã tìm ra một số lý do cơ bản nhất cho sự đam mê kỳ quặc của con người tới game kinh dị:
"Luôn có một kiểu người đặc biệt bị game kinh dị cuốn hút vì họ biết rằng sâu thẳm trong bản năng, họ biết là họ an toàn, không có những thứ đe dọa mạng sống của họ hay những thứ siêu nhiên đáng sợ như trong game, nên việc tìm kiếm cảm giác sợ hãi là thứ vô cùng mời gọi.
Họ cho rằng việc chơi game kinh dị sẽ cho phép họ điều khiển nỗi sợ hãi theo một cách an toàn nhất. Bạn biết rằng bạn luôn có những cách để tránh né sự nguy hiểm của những sinh vật trong game, ví dụ như... tắt máy chẳng hạn. Game thực sự rất cuốn hút vì nó cho phép bạn điều khiển nhân vật trong game theo ý muốn của bản thân.
Thậm chí còn có cả một học thuyết tên là 'thuyết chuyển hóa kích thích', theo đó nói rằng trải nghiệm tâm lý của người chơi khi chiến game kinh dị càng khủng khiếp bao nhiêu, thì cảm giác an toàn và nhẹ nhõm khi những trải nghiệm đó kết thúc lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Có lẽ chính việc đi tìm cảm giác như thế này đã khiến ngày càng nhiều game thủ chơi game kinh dị."
Theo Madigan, bản thân mạng xã hội cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc phát triển của những game kinh dị. Lấy ví dụ anh chàng PewDiePie. Ban đầu anh chàng tìm được thành công và cộng đồng hâm mộ nhiệt thành trên YouTube nhờ việc chiến những tựa game kinh dị và quay lại nét mặt của bản thân trong quá trình chơi. Ấy thế là, ai xem cũng chỉ bật cười chứ không thấy ghê rợn chút nào vì bản thân PewDiePie đã khiến người xem phì cười rồi, chẳng còn thấy sợ như lúc chơi game một mình nữa. Bản thân những clip chơi game kinh dị của anh chàng người Thụy Điển này cũng có được hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt xem trên YouTube.
Madigan cho biết: "Có những trường phái tư duy cho rằng nếu chúng ta dám làm những điều người khác không dám, thì trông họ sẽ mạnh mẽ hơn trong mắt người khác giới hoặc bạn bè của họ."
Đó có thể cũng chính là lý do khiến cho những game kinh dị đang trỗi dậy giữa thời kỳ YouTube lên ngôi. Những đoạn clip theo kiểu "Let's Play" xuất hiện như nấm sau mưa, và rất nhiều trong số chúng đều là những tựa game kinh dị, thu hút được sự chú ý của hàng triệu người trên khắp thế giới. "Đã có những cuộc nghiên cứu cho thấy việc chơi hoặc xem các nội dung kinh dị làm tăng thêm cơ hội khoe khoang bản thân, nhất là với những người trẻ tuổi vẫn đang tìm cách điều khiển cảm xúc của chính mình."
Người làm game nói gì?
Trong khi đó, bản thân những nhà phát triển game đứng sau những tác phẩm kinh dị thành công nhất thị trường cũng có những giả định riêng của họ về những tựa game kinh dị và vì sao chúng lại hot đến như thế.
Thomas Grip là nhà phát triển tại Frictional Games, vốn đã nổi danh với hai siêu phẩm kinh hoàng Amnesia: The Dark Descent và mới đây nhất là SOMA. Anh tin rằng chính chất lượng tốt của các game kinh dị đương đại cùng cách kể chuyện kỳ lạ của nhiều tác phẩm thời gian gần đây đã khiến game thủ thỏa mãn. Thế nhưng anh cũng cho rằng, càng ngày, những game kinh dị đã trở nên ngày càng ấn tượng, tạo ra trải nghiệm kinh hoàng đến game thủ.
"Thời gian gần đây một thể loại game kinh dị mới đã xuất hiện, đó là "mô phỏng kinh dị". Thứ khiến cho nó mới mẻ và đặc biệt chính là không có gameplay tiêu chuẩn định hình thể loại game. Thay vào đó, bản thân những chi tiết kinh dị mới là thứ tạo ra chất kích thích thôi thúc game thủ thưởng thức tựa game. Trước đây, những game kinh dị đều được dựa trên nền một thể loại khác, ví dụ bắn súng hay nhập vai. Thế nhưng giờ đây, game kinh dị chất lượng đều là những cái tên thuần kinh dị, từ đó hoàn thiện hơn trải nghiệm kinh hoàng của game thủ."
Trong khi đó, Philippe Morin, đồng phát triển tựa game kinh dị Outlast thì tin tưởng rằng game kinh dị có thể đem lại cảm giác sợ hãi hơn cả phim ảnh và văn học.
Thomas Grip thì cho biết: "Theo tôi, khác biệt giữa phim ảnh, văn học và game chính là khi xem phim hay đọc truyện, bạn có cảm giác sợ hãi, còn với game, nó thực sự làm bạn sợ. Chìa khóa thành công của một game kinh dị chính là không khí trong game. Nếu nó khiến bạn tin vào những gì bạn đang thấy, thì có nghĩa là nó thành công."
Resident Evil, một trong những series game kinh dị thành công nhất mọi thời đại đã bán được hơn 66 triệu bản trên toàn thế giới. Và phần 7, ra mắt hồi tháng 1 vừa qua đã một lần nữa minh chứng cho cộng đồng rằng, game kinh dị vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.