Vì sao ong lại liên quan đến sự tồn vong của loài người?

Trương Văn Dân  Tuổi Trẻ | 27/11/2022 11:29 PM

Nhà bác học Albert Einstein đã từng khẳng định: Nếu loài ong tuyệt chủng, có thể nhân loại chỉ tồn tại được thêm bốn năm nữa mà thôi! Vì sao ong lại liên quan đến sự tồn vong của loài người tới mức ấy?

Vì sao ong lại liên quan đến sự tồn vong của loài người?

Tuy chưa đủ bằng chứng khoa học để chứng minh câu nói của Einstein là chính xác nhưng nếu tất cả ong trên Trái đất đột ngột biến mất, dù con người chưa tuyệt chủng theo ngay nhưng chắc chắn hàng tỉ người sẽ gặp rắc rối vì tốc độ sản xuất lương thực giảm, thảm họa xảy ra vì cả thế giới sẽ bị đói.

Khi ong thôi làm mật

Các nhà khoa học cho rằng hiện nay tỉ lệ chết đi của ong lên tới 20-40%/năm và còn cao hơn vào mùa đông, nên nguy cơ trong tương lai loài ong biến mất khỏi hệ sinh thái là hoàn toàn có thể.

Ong là một loài côn trùng rất có giá trị với con người. Không chỉ vì chúng cho mật - một thực phẩm đồng thời là dược phẩm quý báu, mà chúng còn thụ phấn cho hoa khi bay từ bông này tới bông khác để hút nhụy làm mật.

Ong có thể lấy mật ở hầu hết các loại hoa, nhờ vậy tỉ lệ đậu quả tăng lên, một đóng góp vô giá vào việc tăng năng suất cho tất cả các loại cây.

Vì sao ong lại liên quan đến sự tồn vong của loài người? - Ảnh 1.

Trên thế giới hiện có hơn 20.000 loài ong và nước nào cũng có loài bản địa của mình - Ảnh (minh họa): ALAMY/THE SUN

Theo số liệu khoa học, loài ong đã hỗ trợ khoảng 80% các loại thực vật phục vụ con người, chiếm 1/3 khẩu phần ăn của dân số toàn cầu.

Hầu hết các loại cây lương thực đều phụ thuộc vào quá trình thụ phấn vì thế nếu loài ong biến mất, thế giới sẽ rơi vào một khủng hoảng nghiêm trọng: việc sản xuất cà phê, táo, hạnh nhân, cà chua và ca cao sẽ không còn, trong khi các thứ hoa thơm trái ngọt quen thuộc như bơ, táo, dâu tây, bưởi, dưa leo và nhiều loại đậu sẽ sụt giảm rồi dần dần biến mất.

Nếu thiếu ong chắc chắn hàng triệu nông dân trên thế giới sẽ "bó tay" trong trồng trọt rau củ. Ong còn được con người nuôi để lấy mật ong, sáp ong, sữa ong chúa...

Một tổ ong có thể thụ phấn cho hàng triệu bông hoa mỗi ngày. Thụ phấn là một quá trình cơ bản cho sự tồn tại của các hệ sinh thái vì nó chịu trách nhiệm sinh sản của gần hầu hết các loài thực vật có hoa (75% cây lương thực và chiếm 35% đất nông nghiệp trên thế giới).

Các loài thụ phấn không chỉ đóng góp trực tiếp vào an ninh lương thực mà còn đóng vai trò cơ bản trong việc bảo tồn sức khỏe của hệ sinh thái.

Ong cũng duy trì sự đa dạng của thực vật hỗ trợ các phần thiết yếu khác của hệ sinh thái, bao gồm điều hòa khí hậu, làm sạch không khí và nước, xây dựng đất và tái chế chất dinh dưỡng. Không có ong, các hệ sinh thái đều có nguy cơ bị đe dọa.

Nguy cơ với loài ong

Loài ong đã sống trên Trái đất cả trăm triệu năm nhưng điều này không có nghĩa chúng sẽ sống mãi. Đã có nhiều nhà khoa học báo động về tình trạng suy thoái, thậm chí nguy cơ tuyệt chủng của ong.

Trên thế giới hiện có hơn 20.000 loài ong và nước nào cũng có loài bản địa của mình. Để tạo ra 1kg mật, một con ong phải hút 4 triệu bông hoa và bay quãng đường gấp bốn lần vòng quanh Trái đất.

Ong là loài côn trùng có tổ chức xã hội cao như kiến, mối. Chúng sống theo đàn, trong thiên nhiên hay trong các tổ ong nhân tạo. Mỗi đàn đều có ong chúa, ong thợ, ong non... và sự phân công chặt chẽ, rõ ràng. Tuy động vật thụ phấn còn có các loài khác như bướm, dơi và chim ruồi nhưng ong vẫn giữ vai trò quan trọng nhất.

Nhưng sự tồn tại của các loài côn trùng mang lại rất nhiều lợi ích cho nhân loại này đang ngày càng bị đe dọa bởi chính các hoạt động của con người. Người ta ước tính chỉ trong 10 năm, từ năm 2007 - 2016, số lượng ong trên toàn thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng.

Sự sinh tồn của chúng đang bị đe dọa bởi ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, lạm dụng thuốc trừ sâu (như neonicotinoide đang dần giết chết những con ong), thuốc diệt nấm, dùng phân bón, hóa chất không chọn lọc.

Ngoài ra, sự chuyên môn hóa trong trồng trọt (chỉ canh tác một loại cây để mang lại lợi ích nhất thời nhưng khiến không gian của ong bị thu hẹp) hoặc nuôi ong theo cách cổ truyền, chưa quan tâm đúng mức đến việc cải tiến, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới.

Một lý do khác nữa là gần đây xuất hiện các loại ký sinh trùng gây bệnh cho ong, đặc biệt là bệnh do loài ve bét có tên khoa học là Varroa Oudemans làm ong chết hàng loạt nhưng các nhà khoa học chưa tìm ra cách trị bệnh.

Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng của loài ong, nhiều hội đoàn đã kêu gọi giới chính trị và các hiệp hội phải nỗ lực vận động để hạn chế tối đa việc dùng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp. Cần phải xem sự tồn tại của loài ong là rất quan trọng và phải tìm mọi cách để bảo vệ chúng. Bởi vì bảo vệ ong cũng chính là bảo vệ loài người.

Ngày ong thế giới

Theo trang web của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), năm 2017 các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua đề xuất của Slovenia chọn ngày 20-5 là Ngày ong thế giới (World Bee Day), và từ năm 2018 thế giới đã lần đầu tiên kỷ niệm ngày này.

Với việc này, Liên Hiệp Quốc hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của mọi người về ong, các thế hệ trẻ sẽ ý thức hơn về vấn đề môi trường và đa dạng sinh học, từ đó khuyến khích các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ ong và các loài thụ phấn.

    betterchoice