Thể thao văn hóa | 06/03/2023 03:38 PM
Cuối tháng 2/2023, tin tức liên quan đến việc diễn viên phim khiêu dâm Nhật Bản Eimi Fukada đến Việt Nam được nhiều người dùng mạng xã hội quan tâm. Cùng lúc này, một trang fanapge Eimi Fukada có tích xanh cũng xuất hiện với loạt bài đăng tiếng Việt. Những bài đăng này có lượt thích và theo dõi ở mức "khủng" từ hơn 500.000 người theo dõi fanpage. Số lượng người bình luận hầu hết cũng đến từ Việt Nam.
Không riêng Eimi Fukada, nhiều cái tên phim 18+ khác cũng có fanpage tick xanh, thường xuyên tạo nội dung tương tác với người dùng Việt. Việc các fanpage này được nền tảng cấp tick xanh khiến người dùng nghĩ đây là trang chính chủ của những nữ diễn viên.
Dù để tên diễn viên 18+ Nhật Bản lẫn biểu tượng xác thực Facebook, nhưng theo dữ liệu minh bạch của Facebook, những người quản lý trang này lại đang ở Việt Nam
Trường hợp tương tự với fanpage có tên nữ diễn viên phim người lớn Yua Mikami
Những fanpage này thậm chí còn chạy quảng cáo để nhắm đến người dùng Facebook Việt Nam
Tuy nhiên, các fanpage này có nhiều dấu hiệu của trang giả mạo.
Tích xanh là cách gọi phổ thông của "Huy hiệu xác minh" trên Facebook. Đây là cách nền tảng này xác nhận một tài khoản hoặc fanpage là chính chủ để tránh bị giả mạo. Huy hiệu này thường cấp cho người của công chúng, người nổi tiếng hoặc các doanh nghiệp.
Ngoài lợi ích xác thực, fanpage có tick xanh còn có nhiều tính năng riêng, như có thể chạy quảng cáo cho livestream - điều mà nhiều người kinh doanh online muốn có. Dù vậy, thực tế chúng chỉ giúp chống giả mạo chứ không giúp bảo đảm tài khoản của người dùng tránh khỏi những đợt tấn công của hacker.
Theo đó, khi kiểm tra phần tính minh bạch trang, Facebook cho biết trang này được lập từ 2013, thời điểm nữ diễn viên nói trên chưa đóng phim. Tên ban đầu của trang là "Professor Dr. Abm Abdullah". Đây vốn là một bác sĩ, học giả người Bangladesh, chuyên gia chăm sóc sức khỏe riêng của nguyên thủ.
Đến ngày 5/1 vừa qua, trang này mới bị đổi tên thành "深田えいみ - Eimi Fukada". Đồng thời, vị trí của người quản lý trang này cũng được xác nhận tại Việt Nam. Trong khi đó, diễn viên nói trên là người Nhật Bản.
Anh Vinh Nguyễn, người có nhiều năm trong lĩnh vực dịch vụ Facebook, cho rằng fanpage "深田えいみ - Eimi Fukada" và Yua Mikami kể trên có biểu hiện mạo danh, cố tình giả mạo để câu tương tác.
Theo anh Vinh, trang này nhiều khả năng đã được Facebook cấp tick xanh từ trước. Sau đó, nó bị kẻ gian chiếm đoạt và đổi tên thành tên diễn viên 18+ để câu tương tác.
Năm 2020, nhiều fanpage có dấu xác thực của Facebook, như của ca sĩ Ấn Độ Naresh Iyer, nghệ sĩ Nick Jojo, Morgan Mimosa… cũng đang được một số "tricker" tại Việt Nam rao bán với mức giá từ 20 đến 60 triệu đồng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Số lượt like và tương tác, thời gian "bảo hành" và độ uy tín của người bán.
Những tài khoản Facebook có tick xanh của người nổi tiếng nước ngoài bị chiếm đoạt và đăng bài viết, livetream bán hàng bằng tiếng Việt
Những trang fanpage này được giới thiệu sử dụng để phát livestream các nội dung bán hàng trực tuyến, bao gồm bán áo quần, mỹ phẩm, phụ kiện thời trang… Với việc được thiết lập chỉ để hiển thị với người dùng Facebook tại Việt Nam, điều này giúp tăng tương tác với các khách hàng tiềm năng tại Việt Nam và có thể qua mặt được người dùng tại nước ngoài, tránh việc trang có thể bị gửi báo cáo dẫn đến khả năng bị mất trang.
Tuy nhiên, người bán chỉ bảo hành quyền quản lý fanpage chứ không bảo hành tick xanh cho mình, vì vậy cũng khá rủi ro khi mua các fanpage này, chưa kể, đây là hành động mạo danh người khác.
Theo các chuyên gia bảo mật, để hạn chế bị hack Facebook, người dùng không nên chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, email đặc biệt là giấy tờ tuỳ thân lên Internet.
Hacker có thể lợi dụng chính sách cấp lại mật khẩu cho người dùng bằng cách cung cấp giấy tờ tuỳ thân giả mạo, qua mặt lớp an ninh của Facebook. Ngoài ra, người dùng cũng nên đặt bảo mật hai lớp, mật khẩu dài, chứa ký tự đặc biệt. Trong quá trình sử dụng, không nên truy cập vào những liên kết hoặc ứng dụng lạ.