- Theo Helino | 13/05/2019 06:30 PM
Nếu là một game thủ từng gắn bó lâu năm với các tựa game chiến thuật Tam Quốc, không khó để nhận ra, phần lớn người chơi sẽ thường lựa chọn các mãnh tướng của nhà Thục chứ không phải 2 nước còn lại. Hoặc giả, nếu có xem phim ảnh, nhiều cá nhân chỉ biết tới Gia Cát Lượng, Quan Vũ hay Triệu Vân là nhiều chứ khi nhắc tới Chu Du, Quách Gia, Tào Tháo thì họ lại chẳng am hiểu nhiều.
Đọc xong Tam Quốc Diễn Nghĩa, phần lớn độc giả lại rất yêu thích nước Thục
Lý giải cho điều này, hãy cùng truy ngược lại bộ tiểu thuyết lịch sử có ảnh hưởng lớn nhất về thời Tam Quốc: Tam Quốc Diễn Nghĩa. Với bút pháp của mình, La Quán Trung đã miêu tả rất thành công những sự kiện lịch sử, từng con người, câu chuyện và cả những tình tiết nhỏ mà ít ai để ý tới. Thế nhưng, tuyệt nhiên, ông chỉ tập trung vào Thục Quốc, đặt mơ ước phục Hán lên hàng đầu chứ không cho khán giả một cái nhìn khác về sứ mệnh của 2 vị lãnh đạo còn lại là Tào Tháo và Tôn Quyền.
Không khó nhận ra, trong nhiều tựa game về Tam Quốc, nước Thục vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người chơi (nguồn ảnh: 3Q Ai Là Vua)
Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến cho người đọc cảm thấy phe Thục dường như là phe chính nghĩa, 2 phe còn lại, cứ hễ đối địch thì sẽ là phản diện. Để rồi sau đó, chúng ta lại tiếp tục được giới thiệu với 4 con người, đại diện cho 4 chữ khác nhau "nhân, nghĩa, trí, dũng" lần lượt tương ứng với: Lưu Bị, Quan Vũ, Khổng Minh và Triệu Vân.
Phần lớn những người biết về Tam Quốc thì đều từng đọc qua Tam Quốc Diễn Nghĩa, mà tác phẩm này lại tập trung nhiều về Thục chứ không phải Ngụy, Ngô
Lưu Bị được La Quán Trung xây dựng là nhân vật chính diện, có lòng nhân từ, bác ái, yêu thương con dân hết mực. Một số hành động thể hiện sự cứng rắn và chiến tích quân sự nổi bật của ông cũng vì thế mà bị gắn cho người khác. Tác giả đã tạo ra một Lưu Bị hoàn toàn xứng với chữ "nhân", vừa có khả năng thu phục nhân tâm, nhìn thấu nhân tài và còn ứng biến cực kỳ tốt, khéo léo.
Lưu Bị đại diện cho chữ "nhân"
Người em kết nghĩa vườn đào của Lưu Bị - Quan Vũ là đại diện cho chữ "nghĩa", cũng gần như là đề tài mà La Quán Trung khai thác xuyên suốt trong bộ tiểu thuyết này. Được Tào Tháo tha chết 1 lần, Quan Vũ cả đời không quên, vì thế mà trên đường Hoa Dung năm ấy, Quan Vũ có thể chết vì trái quân lệnh chứ không thể bỏ qua chữ "nghĩa" của mình, đành thả kẻ địch chạy thoát.
Võ Thánh Quan Vũ đại diện cho chữ "nghĩa"
Một nhân vật cũng nổi trội không kém ở nước Thục là Khổng Minh, đại diện cho chữ "trí". Có lẽ không cần nói thêm gì nhiều về nhân vật này, ông có những kế sách đã giúp Lưu Bị và nước Thục đủ sức để đứng ngang hàng với 2 thế lực lớn còn lại, chỉ riêng điều này đã đủ để cả thiên hạ phải bái phục. Những vị quân sư tài ba nhất thời bấy giờ như Quách Gia, Tư Mã Ý, Chu Du… cũng phải dành sự kính nể cho Gia Cát Lượng, mỗi lần đối mặt đều là các trận đấu trí căng não của họ mà vạn quân nhất nhất tuân theo.
Khổng Minh Gia Cát chính là chữ "trí"
Và cuối cùng, chữ "dũng" không thể lọt khỏi tay của Triệu Vân, người đã anh dũng vượt qua trùng trùng điệp điệp vùng vây của Tào Tháo để cứu ấu chúa. Dù không thực sự nổi bật như những vị kể trên, Triệu Vân vẫn luôn sẵn sàng chứng tỏ sự dũng mãnh của mình, xứng đáng với danh hiệu Ngũ Hổ Tướng nhà Thục. Chém gãy cờ quân Ngụy, cướp được kiếm Tào Tháo, giết 50 danh tướng… còn cần gì hơn để miêu tả con người trăm năm có một này?
Và Triệu Vân đại diện cho chữ "dũng"
Xuyên suốt Tam Quốc Diễn Nghĩa không chỉ là những trận tranh đấu nơi vạn quân lao vào chém giết nhau tới tấp. Ẩn sau trong đó là những câu chuyện về một số con người nhất định, họ đại diện cho các phẩm chất tốt đẹp nhất của con người. Chính nhờ ngòi bút của La Quán Trung, rất nhiều phẩm chất ấy đều hội tụ ở nước Thục, ở Lưu Bị, Quan Vũ, Khổng Minh hay Triệu Vân và cả hàng chục nhân vật khác nữa. Không khó để lý giải vì sao người đọc lại dành nhiều tình cảm cho quốc gia này nhiều đến thế.