Keo tản nhiệt là thứ không thể thiếu trong các bộ tản nhiệt ngày nay, bởi nó có khả năng lấp đi phần không khí dẫn nhiệt kém nằm giữa 2 bề mặt. Nhưng liệu các bạn đã biết cách bôi keo thế nào cho đúng?
Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao trước khi đặt quạt tản nhiệt lên CPU ta lại phải tra một lớp keo màu trắng trước chứ không được đặt trực tiếp? Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vấn đề này.
Về lý thuyết nếu như bề mặt của CPU và của phiến tản nhiệt hoàn toàn nhẵn thì khi tiếp xúc với nhau toàn bộ nhiệt từ CPU sẽ được truyền hết sang phiến tản nhiệt. Tuy nhiên trên thực tế không thể sản xuất ra các linh kiện lý tưởng như vậy, giữa 2 bề mặt tiếp xúc với nhau sẽ luôn tồn tại 1 khe hở. Bạn có thể hình dung ra khe hở này qua hình minh họa dưới đây.
Phần trắng thể hiện vùng không khí tồn tại giữa 2 bề mặt tiếp xúc, và không khí thì dẫn nhiệt rất kém. Vì vậy mà keo dẫn nhiệt ra đời để lấp đầy chỗ trống đó và làm công việc dẫn nhiệt từ các loại chip sang bộ tản nhiệt. Keo dẫn nhiệt tuy không thể bằng được kim loại nhưng ít nhất nó cũng tốt hơn khoảng 100 lần không khí.
Nếu không có chất dẫn nhiệt này, CPU có thể chạy với nhiệt độ tăng, gây ra hiện tượng Throttling theo thời gian. (Throttling về cơ bản là hiện tượng khi CPU buộc phải chạy chậm lại và cuối cùng tắt khi nó bắt đầu trở nên quá nóng). Quá trình này diễn ra quá nhiều không chỉ làm giảm hiệu suất máy tính mà còn khiến CPU quá nóng, gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Về lâu dài, đầu tư hơn 200.000 VND (hoặc ít hơn) cho keo dán nhiệt có thể giúp bạn tiết kiệm hàng triệu đồng khi thay thế CPU.
Một nguyên tắc cơ bản là theo dõi nhiệt độ CPU của bạn thường xuyên. Khi nhận thấy hiệu suất giảm cùng với nhiệt độ CPU cao, bạn nên bôi keo tản nhiệt mới. Nói chung, keo tản nhiệt này có thể sử dụng trong vài năm (ít hơn nếu bạn chơi game hoặc thực hiện ép xung).
Keo tản nhiệt rất quan trọng để giúp máy tính chạy ở nhiệt độ tối ưu, đảm bảo hiệu suất hiệu quả và tránh tình trạng throttling CPU.