Trước kia, cảnh sát ở Mỹ đánh dấu đường viền bao quanh thi thể, nhưng chỉ sau khi giám định viên hiện trường đã hoàn thành việc thu thập những dấu vết quan trọng và chụp ảnh thi thể. Việc này nhằm giúp hình dung tư thế của nạn nhân tại hiện trường sau khi xác đã bị chuyển đi.
Trên thực tế, vạch đánh dấu thi thể được cảnh sát tạo ra nhưng chúng không quan trọng với công tác điều tra mà chủ yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu của giới truyền thông muốn có ảnh chụp hiện trường án mạng để lôi kéo người đọc. Do không muốn phóng viên can thiệp vào hiện trường nhưng vẫn muốn giữ quan hệ với báo giới, cũng như để cung cấp hình ảnh không ghê rợn cho công chúng, cảnh sát sẽ đánh dấu đường viền thi thể, chuyển xác đi rồi mới cho vào chụp ảnh.
Khi đánh dấu, cảnh sát sẽ không thực hiện quá chi tiết (ví dụ như bỏ qua vị trí của ngón tay) để tránh chạm vào thi thể. Vạch đánh dấu thường được vẽ bằng phấn màu trắng hoặc vàng. Đôi lúc, cảnh sát sẽ dùng băng dính trắng vì phấn không bám lên một số loại bề mặt.
Cảnh sát nào đánh dấu thi thể trước khi việc giám định hiện trường hoàn tất mà chưa được cho phép sẽ bị đặt cho biệt danh có tính chất miệt thị là "nàng tiên phấn". Hành động của "nàng tiên phấn" có thể tác động tới hiện trường ban đầu, gây khó khăn cho điều tra viên quá trình làm việc, đồng thời có thể khiến chứng cứ thu thập được bị giảm giá trị hoặc không được trình diện tại tòa.
Vạch phấn đánh dấu vị trí phần đầu của thi thể, ảnh chụp năm 1950.
Ngày nay, cách đánh dấu đường viền thi thể bằng phấn không còn được cảnh sát Mỹ sử dụng vì kỹ thuật và công nghệ điều tra hiện trường đã tân tiến hơn, có thể phát hiện những dấu vết nhỏ hơn nên rủi ro tác động tới hiện trường cũng lớn hơn. Ngoài ra, báo giới cũng không còn được phép tiếp cận hiện trường như trước. Thay vì dùng viền kẻ, cảnh sát sẽ dùng cách khác (như lá cờ hoặc biển báo nhỏ) để đánh dấu dấu vết.
Dù không có giá trị sử dụng thực tế, hình ảnh viền đánh dấu thi thể đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực như phim truyện, văn học, và nghệ thuật... Series phim hài nổi tiếng về tội phạm của Mỹ có tên The Naked Gun thường xuyên sử dụng đường viền thi thể có tư thế kỳ cục để gây cười. Năm 1994, đường viền bao thi thể còn được in lên nhiều sản phẩm thương mại như ổ khóa, áo phông, và mũ lưỡi trai,... tại thành phố New York.