Tutorial là gì? Vì sao mọi game đều phải chăm chút cho hệ thống này?

Real Madrid  - Theo Helino | 23/02/2019 01:36 PM

Chắc chắn bạn đã từng nghe đến cái phần nhỏ xinh hay được đưa lên đầu hầu hết game, gọi là tutorial (tạm dịch nó là phần hướng dẫn).

Chắc chắn bạn đã từng nghe đến cái phần nhỏ xinh hay được đưa lên đầu hầu hết game, gọi là tutorial (tạm dịch nó là phần hướng dẫn). Ít chắc chắn hơn là bạn đã hoàn thành tất cả những tutorial của các tựa game bạn từng kinh qua một cách thoải mái. Câu hỏi đặt ra hôm nay là, làm thế nào mà một vài tutorial dễ dàng hấp dẫn người chơi đến vậy, còn một số khác thì không?

Tutorial là gì? Vì sao mọi game đều phải chăm chút cho hệ thống này? - Ảnh 1.

Cơ bản về tutorial

Hãy bắt đầu với điều gì đó cơ bản trước: tutorial là gì? Như đầu đề bài viết đã đề cập, tutorial đơn giản là phần hướng dẫn, nêu ra những điều cơ bản bạn cần biết về tựa game bạn đang chơi. Thế nên mới nói, tutorial giống như món khai vị vậy; món khai vị không ngon thì dư vị ấy có khả năng sẽ làm hỏng luôn món chính.

Tutorial tồn tại ở muôn hình vạn trạng, có những thứ bạn chỉ cần nhìn là nhận được ra ngay, và một số khác thì cần làm nhiều hơn là lướt qua một thoáng. Đa phần trò chơi điện tử đều bao gồm phần này; những nhà phát triển hẳn không muốn game thủ xông luôn vào những đứa con tinh thần của họ, hoàn toàn không biết gì rồi lên mạng than phiền game quá khó hiểu. Tất nhiên luôn có những trường hợp người chơi “đặc biệt” thật, nhưng hãy khoan bàn đến vấn đề ấy vội. Trước tiên, hãy tìm hiểu dạng cơ bản nhất của tutorial.

Tutorial là gì? Vì sao mọi game đều phải chăm chút cho hệ thống này? - Ảnh 2.

Đơn giản và dễ hiểu nhất chắc chắn là những hình nút bấm cùng một dòng mô tả hiện lên ngay giữa màn hình người chơi. Bấm W để tiến tới trước, hay S để lùi chắc chắn là những thứ mà ai cũng có thể luận ra ý nghĩa ngay. Không khó hiểu khi đây là chuẩn mực của rất nhiều các tựa game từ mới tới cũ, đơn giản vì dù bạn có mắc chứng khó đọc đi nữa thì loại tutorial này vẫn có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tutorial tệ

Nhưng rồi bạn tự hỏi: nếu mọi sự đơn giản như vậy thì tại sao nhiều khi tôi chán ngấy các phần tutorial? Đó có thể là lúc bạn gặp phải những trường hợp đáng tiếc sau: tutoral quá dài, tước đi sự tương tác của người chơi hoặc đơn giản là coi bạn như một đứa trẻ.

Tutorial là gì? Vì sao mọi game đều phải chăm chút cho hệ thống này? - Ảnh 3.

Hai trong số những ví dụ tiêu biểu nhất của dạng tutorial có độ dài quá đáng có thể kể đến Assassin’s Creed III và The Legend of Zelda: Twilight Princess. Trong khi tựa game thứ nhất bắt người chơi đóng vai cha của nhân vật chính chạy vòng quanh làm mấy trò linh tinh thì cái thứ hai bắt bạn làm đủ thứ nhỏ nhặt đáng chán như lùa gia súc vào chuồng. Mất tới hàng tiếng đồng hồ để bạn có thể tự do khám phá thế giới theo cách mà game mong muốn. Thừa nhận là nhà phát triển đã có tâm đầu tư vào tutorial như vậy, nhưng rõ ràng cái gì nhiều quá cũng không tốt.

Dạng tutorial chán đời thứ hai, tuy thế, lại không nằm ở việc bắt game thủ chơi quá lâu, mà là không cho họ chơi luôn. Phần hướng dẫn trong tựa game chiến thuật theo lượt Civilization IV cho cha đẻ Sid Meier xuất hiện và nêu lên các yếu tố cơ bản. Nhưng khổ nỗi là trong suốt trường đoạn này, người chơi không có bất kì tương tác gì với game hết; Sid nói điều gì đó, game hiện lên một đoạn dài hướng dẫn, người chơi nhấn “tiếp tục” và vòng lặp cứ thế tiếp diễn. Một tutorial chuẩn là một tựa game cho phép người chơi điều khiển được trong khi hướng dẫn, ví dụ như mục training của Street Fighter V vậy. Bạn thoải mái bấm lung tung trong khi game hiện ra những dòng cơ bản về đánh đấm.

Tutorial là gì? Vì sao mọi game đều phải chăm chút cho hệ thống này? - Ảnh 4.

Ít thấy hơn, nhưng không có nghĩa là không có, là dạng tutorial làm quá lên mức độ “không biết gì” của người chơi. Phần thứ nhất của Dead Space hướng dẫn người chơi tiêu diệt những con quái bằng cách viết lên một tấm bảng với dòng chữ viết bằng máu “cắt tứ chi của chúng”. Thế rồi game hiện lên màn hình dòng chữ tiếp theo “cắt tứ chi của quái để tiêu diệt chúng”. Tiếp đến bạn được cho nghe một đoạn băng ghi âm “hãy nhớ cắt tứ chi của chúng”. Đến đây thì bạn có thể phần nào hình dung ra được cái cảm giác bị nhà phát triển coi như con bò vậy.

Tutorial là gì? Vì sao mọi game đều phải chăm chút cho hệ thống này? - Ảnh 5.
Tutorial là gì? Vì sao mọi game đều phải chăm chút cho hệ thống này? - Ảnh 6.

Nhưng cái oái oăm là lại có những phần hướng dẫn tệ hại theo một cách hoàn toàn khác. Driver sẽ luôn được nhớ tới như là tựa game có một trong những phần tutorial tệ nhất lịch sử. Bạn được cho một danh sách những trick đua xe và bạn phải hoàn thành chúng. Nhưng vớ vẩn nhất là nhà phát triển chi cho tên của những trick đó thôi và hoàn toàn không có mô tả gì về việc làm sao để thực hiện. Cộng với đó là độ khó trên trời cho một màn tutorial khiến chút ít thiện cảm còn lại về Driver bay vào sọt rác.

Tutorial tốt

Nhưng bỏ qua những điều tiêu cực trên, hãy nói về những thứ tốt một tí, nhỉ?!

Tutorial là gì? Vì sao mọi game đều phải chăm chút cho hệ thống này? - Ảnh 7.

Một trong những phần tutorial gần đây nhất được người chơi hưởng ứng đó chính là của Far Cry 3: Blood Dragon. Bằng cách tích hợp tutorial với những câu đùa đầy chất meta như “Ấn shift để chạy. Chạy giống như đi bộ vậy, có điều nhanh hơn.”, nhà phát triển Ubisoft đưa đến cho người chơi những hướng dẫn rất cơ bản nhưng không hề nhàm chán, đủ hữu ích để có thể bắt đầu chơi game và thừa hài hước để níu chân game thủ.

Nhưng nếu nói về bậc thầy trong việc tạo nên tutorial, không thể không nhắc đến Valve, mà điển hình là series huyền thoại Half-Life. Tựa game đầu tiên có một phần tutorial riêng biệt, bao gồm tất cả những yếu tố trong game như đánh đấm di chuyển và hồi máu. Chúng được đưa vào một cách khéo léo, trình bày rõ ràng và không dài một chút nào.

Tutorial là gì? Vì sao mọi game đều phải chăm chút cho hệ thống này? - Ảnh 8.

Half-Life 2, mặt khác, đưa hướng dẫn game vào trong suốt trò chơi. Bạn có nhớ thị trấn Ravenholm không? Bạn cầm chắc khẩu súng Gravity Gun trong tay và bước vào một ngôi nhà. Bạn nhìn thấy phần thân trên của một con zombie bị gim chặt vào tường bởi một lưỡi cưa to bè. Và rồi bạn nhận ra bạn có thể dùng Gravity Gun để nhặt và bắn những lưỡi cưa này nhằm tạo sát thương cực lớn. Valve không đập bộp vào mặt bạn dòng chữ “nhặt lưỡi cưa lên và dùng nó bắn vào zombie”, mà tinh tế và đẹp đẽ hơn nhiều. Điều này được lặp lại theo nhiều kiểu khác nhau từ đầu tới cuối mà không hề làm đứt mạch game. Bạn thậm chí có thể còn không nhận ra là mình đang được hướng dẫn. Ôi cái thời mà Valve còn thật sự phát triển game!

Kết

Tutorial thông thường sẽ là thứ đầu tiên bạn bắt gặp trong video game, và đương nhiên có ảnh hưởng không hề nhỏ đến trải nghiệm tổng thể của tựa game đó. Nếu bạn là một nhà phát triển, hy vọng bài viết này sẽ giúp ích trong việc thiết kế sản phẩm của bạn. Còn nếu bạn chỉ là một game thủ bình thường, hãy cố gắng nhận ra xem những điểm tốt và xấu trong tutorial của tựa game bạn đang chơi, có thể bạn sẽ tìm thấy nhiều thứ thú vị mà trước đây bạn không để ý tới.