- Theo Helino | 09/03/2018 0:00 AM
Từ trước tới nay, trong tư duy của không ít ông bố bà mẹ, việc chơi game của con cái họ, những game thủ trẻ tuổi là vô cùng tốn thời gian và vô bổ. Chưa kể, nếu hỏi bất kỳ vị phụ huynh nào về game, chúng ta đều có thể nhận được câu trả lời đại loại như "Không hiểu tại sao suốt ngày nó chẳng chịu học hành gì, cứ cắm đầu vào ba cái trò chơi vô bổ như thế".
Công bằng mà nói, cách nhìn nói chung của xã hội đối với giải trí tương tác sẽ khó có thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Việc những ông bố bà mẹ... chơi game cùng con cái của mình mặc dù có nhưng sẽ là hãn hữu, đặc biệt là tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên một điều không thể chối bỏ, bên cạnh những hiệu ứng tiêu cực, không ít game online hiện nay vẫn mang không ít công dụng giáo dục cho giới trẻ.
Không chỉ có game online mà những loại hình giải trí khác cũng như vậy. Hãy bắt đầu với truyền hình, loại hình giải trí ra đời trước game online... cả thế kỷ. Là một cư dân mạng internet, chắc hẳn cũng đã có một hai lần bạn đọc được những lời than phiền về những chương trình vô bổ, tạo hiệu ứng xấu cho con trẻ đại loại như Teen Mom trên MTV chẳng hạn.
Những chương trình như vậy làm thiên lệch cách nhìn về cuộc sống của một bộ phận thanh thiếu niên, khiến họ có những hành vi và suy nghĩ tương đồng với những tấm gương không tốt trong những chương trình truyền hình vì trong giai đoạn này, tâm lý của các em vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Cũng là một chương trình truyền hình, nhưng Sesame Street một thời hay những chường trình giáo dục với nội dung cuốn hút lại đem đến cho các em nhỏ những kiến thức vô cùng hữu ích, chưa kể tới giá trị giải trí chúng mang lại. Đó là tính hai mặt của truyền hình giải trí hiện nay.
Trò chơi điện tử đôi khi còn có thể đem lại những giá trị hữu ích hơn cả một số chương trình truyền hình. Chẳng hạn, không ít nhà phát triển đã tạo ra những tựa game với mục đích giáo dục cho trẻ nhỏ, tạo cho chúng trải nghiệm vừa học vừa chơi khá thú vị.
Ngay cả khoa học cũng đã chứng minh được việc chơi game hợp lý sẽ thúc đẩy việc phát triển của nhận thức cũng như giác quan của trẻ em, dĩ nhiên là theo hướng tích cực. Tại sao những game thủ lại có thể cải thiện những kỹ năng mà người thường có thể ném hàng đống tiền vào các chương trình kỹ năng mềm rồi có thể không có kết quả như mong đợi?
Đây chính là những gì các nhà nghiên cứu từ đại học Princeton và đại học Rochester háo hức tìm hiểu, và họ nghĩ rằng cuối cùng họ đã tìm thấy câu trả lời. Chơi game hành động nhịp độ nhanh có thể cải thiện hiệu suất công việc bởi vì nó tăng cường khả năng học tập của bạn.
Daphne Bavelier, người đứng đầu chương trình nghiên cứu này, cho biết lý do là chơi trò chơi như vậy giúp não của chúng ta trở nên hiệu quả hơn trong xây dựng mô hình, hoặc bản mẫu của thế giới, cho phép chúng ta dự đoán tốt hơn những gì sẽ xảy ra tiếp theo. "Các bản mẫu tốt hơn thì hiệu suất xử lý sẽ tốt hơn," cô giải thích khi đưa ra công bố khoa học này. "Và bây giờ chúng ta biết chơi game hành động thực sự thúc đẩy các kỹ năng có sẵn tốt hơn."
Nghiên cứu trên đã được công bố trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học, nơi các nhà nghiên cứu đã so sánh khả năng của một game thủ và một người không chơi game trong việc thực hiện bài kiểm tra về khả năng nhận biết. Nội dung bao gồm việc xác định các hình mờ trên màn hình, đây là bài test không dễ nhưng nếu luyện tập thì nó không phải vấn đề đáng ngại. Đúng như dự đoán, game thủ tỏ ra vượt trội so với người không bao giờ tiếp xúc với game.
Dĩ nhiên, người lớn luôn đóng vai trò quyết định trong việc để con cái hay người thân nhỏ tuổi của họ chơi game. Trong một số trường hợp, chính thói quen của người lớn có thể khiến cho trẻ nhỏ nghĩ rằng "Cứ lớn lên là sẽ được chơi Angry Birds cả ngày mà chẳng ai than phiền gì." Không phải tự nhiên những đứa bé nghĩ như vậy. Chúng nhìn phụ huynh, những anh chị của họ cả ngày ngồi chơi game trên máy tính hay điện thoại, và những ý nghĩ như vậy hoàn toàn không có gì là lạ.
Nếu thưởng thức game điều độ, không ít những lợi ích của những tựa game mang tính giáo dục sẽ được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Có nghĩa là, thay vì đưa chiếc iPad để dỗ dành con cái ăn cháo hay ngồi chơi mà không phải trông nom, các vị phụ huynh hoàn toàn có thể tạo ra một thói quen chơi game cho con em họ.
Tương tự như vậy với những tựa game online. Số lượng những game online mang tính giáo dục được ra đời mà chúng tôi đã có nhiều dịp giới thiệu với các bạn độc giả. Bên cạnh việc kiểm soát thời gian chơi game, các bậc phụ huynh nay còn cần quan tâm tới thái độ tương tác với cộng đồng của những cô bé, cậu bé.
Sẽ chẳng ông bố bà mẹ nào muốn con cái mình học theo thói quen spam kênh chat hay văng tục chỉ vì... người lớn nhiều người cũng làm vậy trong game. Chốt lại vấn đề, tuy rằng sở hữu không ít giá trị giáo dục, thế nhưng để những giá trị này phát huy tốt nhất, trách nhiệm của các bậc phụ huynh vẫn được đặt lên hàng đầu, thay vì bỏ mặc con cái họ đắm chìm trong những tựa game.