Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu

THANH LONG, THIẾT KẾ: THÀNH ĐẠT  Pháp luật & Bạn đọc | 25/03/2021 10:12 AM

Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản này xảy ra, các nhà đầu tư cũng cho rằng khi đồng tiền Pi có mặt trên sàn, nó sẽ bị bán tháo đến nỗi giá của Pi sẽ lại trở về con số 0. Đó cũng có thể là lý do khiến nhóm sáng lập Pi Network chưa và sẽ không bao giờ khởi động giai đoạn mà họ gọi là mainnet.

Không phải "virus", "dịch bệnh" hay "COVID"… "bắt đáy" mới là từ tôi nghe thấy nhiều nhất trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng tới Việt Nam. Đúng ngày này một năm trước, thị trường chứng khoán có phiên mở cửa đỏ rực chỉ sau một đêm bệnh nhân N-17 được xác định.

Kể từ đó, hầu như trong tất cả các group chat mà tôi tham gia, ít nhất cũng phải có một ai đó sẽ gõ vào cụm từ "bắt đáy". Chứng khoán đang giảm và đó sẽ là cơ hội đầu tư cho tất cả mọi người. Sự hồi phục của thị trường trong dài hạn là tất yếu.

"Cứ đưa tiền cho tao, bỏ đấy vài tháng sau quay lại lãi thì trích cho tao 30% là được. Mà hứa sẽ lãi", một người bạn của tôi nói chắc nịch. Và thế là một người tham gia, hai người tham gia, tới cái gật đầu thứ tư thì tôi cũng quyết định xuống tiền.

Đó là cách mà tôi đã tham gia vào thị trường chứng khoán, không cần biết cách đọc báo cáo tài chính, không cần theo dõi giá cổ phiếu và thậm chí chẳng cần mở một tài khoản trên sàn giao dịch.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 1.

Nhưng đó vẫn chưa phải câu chuyện kỳ lạ nhất. Đúng một năm sau, giá Bitcoin bắt đầu tăng lên ngưỡng hơn 50.000 USD kéo theo sự tăng giá của tất cả các đồng tiền ảo. Một trào lưu mới xuất hiện trên mạng xã hội thậm chí còn khủng khiếp hơn cả bắt đáy: Đào tiền ảo Pi trên điện thoại.

Ai đó ở phía bên kia Thái Bình Dương đã tạo ra một ứng dụng mà bất cứ ai sở hữu một chiếc smartphone ở Việt Nam đều có thể tải về. Nhà cung cấp hứa hẹn rằng bạn chỉ cần chụp ảnh hộ chiếu hoặc giấy phép lái xe, sau đó mở ứng dụng Pi lên một lần mỗi ngày là đã có thể khiến chiếc điện thoại tự động đào tiền ảo.


Thậm chí, cơ chế điểm danh một lần này còn giúp chiếc điện thoại của bạn còn không hề tốn pin hơn hay nóng lên trong lúc tiền ảo vẫn chảy vào tài khoản của bạn. "Chẳng mất gì cả" là cụm từ tiếp theo dội bom trên tất cả newfeeds và các bình luận tôi đọc được về Pi.

Một người bạn của tôi đã cài Pi, rồi hai người và rồi cả chục người khoe có ứng dụng Pi trong điện thoại. Nhưng lần này, tôi đã quyết định không tham gia.

Khác với "bắt đáy", Pi Network rõ ràng là một kiểu đầu tư FOMO thuần túy, một nỗi sợ bị bỏ lại khi ai cũng được trao cơ hội tìm kiếm tỷ suất lợi nhuận vô cực từ số vốn 0 Đồng. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể tham gia, và có thể đã tham gia. Nếu bạn không vào, tất cả sẽ trở thành triệu phú trừ bạn.

Nỗi sợ hãi chứ không phải cơ hội là thứ đang điều khiển hành vi của một bộ phận người đầu tư vào Pi. Đơn giản vì họ chẳng đầu tư gì cả và lời hứa từ Pi Network là thứ mà bất cứ ai tỉnh táo đều có thể nhận ra nó sẽ không bao giờ thành sự thật.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 2.

Nhưng nhỡ đâu nó có thể thì sao, đồng tiền này - vì một cơ chế chưa bao giờ xuất hiện trên đời - có thể sẽ tăng giá như Bitcoin?

Sau tất cả những gì đã tìm hiểu mà bạn vẫn nghĩ vậy, chào mừng bạn đã đến với thế giới của những nhà đầu tư FOMO.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 3.

FOMO (Fear Of Missing Out) được định nghĩa lần đầu tiên vào năm 2004 bởi nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ Patrick James McGinnis. Nó là một chứng lo âu xã hội, trong đó, một người tin rằng những người khác đang làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt hơn, còn bản thân mình thì không, nên bị thôi thúc phải làm theo họ.

"Làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn" là một mô tả rất bao quát gồm nhiều hành động, từ những việc đơn giản như xem được một bộ phim, tham dự một sự kiện, khám phá một khu du lịch nổi tiếng cho đến nhảy vào một kênh đầu tư mới sinh lời…

Để có thể hình dung dễ dàng hơn hãy cùng xem xét một vài tình huống: Ví dụ thường thấy nhất là có một bộ phim mới ra rạp và tất cả mọi người đều nói về nó trên mạng xã hội: từ báo chí, người nổi tiếng, reviewer cho đến bạn bè của bạn. FOMO bây giờ sẽ khiến bạn tự hỏi: Liệu mình có nên đi xem nó không, nghe mọi người nói thì cũng có vẻ hay đấy?

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 4.

Hiệu ứng FOMO trong đầu tư thật ra cũng hoạt động theo cơ chế giống hệt. Giả sử bạn là một nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường. Theo quy luật, bạn sẽ phải tham gia vào một nhóm các nhà đầu tư khác để có được thông tin và tìm kiếm cơ hội.

Mọi chuyện sẽ rất bình thường cho đến khi thị trường có một biến động lớn, chẳng hạn như sự tăng giá của một mã cổ phiếu hay một đồng tiền điện tử. Khi đó, lẽ tất nhiên mọi người trong nhóm sẽ cùng bàn tán rất nhiều về nó. Là một nhà đầu tư mới chân ướt chân ráo, thông tin chỉ đơn thuần chảy vào tai bạn mà không được phân tích thấu đáo.

Thứ mà bạn quan tâm nhất là lợi nhuận và những lời hứa hẹn được tung ra. Vấn đề là lời hứa đó thường sẽ kèm theo lời mời mua vào khiến bạn cảm thấy sợ bị bỏ lỡ cơ hội mà những người khác dường như đang nắm bắt.

Tâm lý FOMO này sẽ khiến bạn liên tục theo dõi giá từng ngày, thậm chí từng giờ một. Và sau một thời gian thấy thấy giá vẫn tăng đều, bạn quyết định xuống tiền đầu tư vì nó có vẻ an toàn và có lãi.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 5.

FOMO về bản chất là một cảm giác có nguồn gốc từ bên trong mỗi chúng ta, nó bị ràng buộc bởi nỗi sợ hãi, lòng tham và tâm lý so sánh. Nhưng theo quy luật, các tâm lý này cũng được được châm ngòi bởi những tác động đến từ bên ngoài. Đối với các nhà đầu tư FOMO, yếu tố đầu tiên và quyết định chính là sự biến động mạnh của thị trường.

Thị trường biến động mạnh là yếu tố kích hoạt tâm lý nuối tiếc và sợ bị bỏ lỡ. Hãy nhớ lại lần đầu tiên khi có một ai đó rủ bạn đầu tư vào Bitcoin là khi nào? Giá của nó khi ấy là bao nhiêu và bây giờ là bao nhiêu? Bạn có thể đã kiếm được bao nhiêu nếu ngày đó quyết định đầu tư vào đó?

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 6.

Năm 2017 được cho là năm IPO thành công của đồng Bitcoin khi giá của nó lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1.000 USD vào đầu năm và tăng lên gấp 17 lần chỉ sau 12 tháng. Hàng loạt triệu phú đô la đã xuất hiện sau đà tăng giá này khiến những người bỏ lỡ lời mời đầu tư trong hòm mail rác vài năm trước phải trải nghiệm cảm giác tiếc nuối.

Sự biến động của giá Bitcoin thậm chí còn khủng khiếp hơn nữa nếu quay ngược về thời điểm năm 2010. Một người đàn ông đã làm nên lịch sử khi dùng 10.000 Bitcoin để mua 2 chiếc bánh pizza từ tiệm của Papa John. Ngày đó, Bitcoin chẳng đáng giá một xu. Nhưng tại thời điểm này, chúng ta biết rằng anh ấy đã mua 2 chiếc pizza với giá 100 triệu USD.

Chuỗi thắng hoặc thua liên tiếp là yếu tố thứ hai có thể kích thích hiệu ứng FOMO trong đầu tư và đặc biệt là giao dịch. Cảm giác phấn khích với những chiến thắng gần đây có thể khiến bạn nhạy cảm với những cơ hội mới và lao vào chúng một cách nhanh chóng bằng cảm xúc.

Ngược lại, thua liên tiếp sẽ khiến bạn có tâm lý gỡ gạc và chắt chiu những cơ hội mà bạn nghĩ thị trường đang trao cho mình. Khi cảm xúc trở thành thứ điều khiển quyết định đầu tư, FOMO sẽ được dịp lẻn vào thao túng bạn.

Điều thú vị mà bạn có thể để ý ở đây là FOMO sẽ ảnh hưởng nhanh hơn đến những người đã tham gia vào thị trường, chứ không phải những người chưa từng bước chân vào đó. Những người đã mua tiền ảo hoặc đã tham gia nhiều kênh đầu tư khác sẽ hứng thú với làn sóng FOMO tiền điện tử hơn là những người chưa từng mất tiền hay kiếm được tiền từ kênh đầu tư này.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 7.

Tin tức và tin đồn là yếu tố thứ ba. Hãy nhìn vào trường hợp của Pi Network. Đồng tiền ảo này hiện có giá trị bằng 0 USD và ngay cả ở thời điểm biến động nhất của nó, giá của một Pi cũng chỉ bằng 0,007 USD. Vậy điều gì đã kích hoạt hiệu ứng FOMO hết sức mãnh liệu của Pi Network?

Không gì khác chính là những tin đồn và lời hứa. Nhóm những nhà sáng lập Pi Network đã vẽ ra một kịch bản phát triển cho đồng tiền ảo này gồm 3 giai đoạn beta, testnet và mainnet với lời hứa nằm ở giai đoạn cuối cùng, trong đó, đồng tiền Pi sẽ được lên sàn và có giá trị trao đổi thực.

Trong giai đoạn hiện tại mà họ gọi là testnet, Pi có giá trị gần như bằng 0, nhưng lại là những tin đồn nói rằng có một ai đó đã dùng 500 Pi để đổi được một chiếc xe mô tô Triumph 900 cc có giá khoảng 100 triệu đồng.

Giấc mơ về đồng tiền Pi thậm chí còn bị thổi phồng với những nhận định rằng nó có thể đạt tới giá trị của Bitcoin. Nhưng các chuyên gia về Blockchain và tiền ảo đã phải cảnh báo rằng không có bất cứ một cơ sở nào cho thấy Pi sẽ có giá trị.

Cơ chế đào Pi trên điện thoại không khác gì việc điểm danh hàng ngày, nó không có giá trị xác thực giao dịch như đào Bitcoin. Thứ lao động duy nhất tạo ra giá trị trên Pi Network là cung cấp thông tin cá nhân của bạn và mời những người khác cùng tham gia và tiếp tục cung cấp thông tin cá nhân của họ cho mạng lưới.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 8.

Điều này sẽ khiến Pi Network thu thập được một lượng lớn dữ liệu người dùng mà tới nay đã lên tới hơn 10 triệu người. Các chuyên gia nhận định rằng họ có thể dùng những thông tin này để bán quảng cáo và khởi động giai đoạn mainnet từ đó.

Tuy nhiên, ngay cả khi kịch bản này xảy ra, các nhà đầu tư cũng cho rằng khi đồng tiền Pi có mặt trên sàn, nó sẽ bị bán tháo đến nỗi giá của Pi sẽ lại trở về con số 0. Đó cũng có thể là lý do khiến nhóm sáng lập Pi Network chưa và sẽ không bao giờ khởi động giai đoạn mà họ gọi là mainnet.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 9.

Một vài thông tin cá nhân có thể là thứ mà bạn đã mất với Pi Network, nhưng với nhiều nhà đầu tư và giao dịch FOMO trên các sàn giao dịch khác như Bitcoin hoặc chứng khoán, cảm xúc đã khiến họ mất tiền thật, và mất nhiều là đằng khác.

Hãy nhìn vào biểu đồ dưới đây mô tả các giai đoạn của một nhà đầu tư FOMO điển hình. Nói là điển hình bởi đa số các nhà đầu tư dựa theo cảm xúc sẽ đi theo đúng đồ thị này. Họ sẽ bắt đầu ở sườn dốc đang lên của khoản đầu tư, tất nhiên rồi, chỉ khi thị trường biến động mạnh, FOMO mới xuất hiện.

Lấy ví dụ, một nhà đầu tư FOMO quyết định mua 1 Bitcoin với giá 10.000 USD cuối năm 2017. Với kỳ vọng và các tin đồn rằng giá Bitcoin có thể tăng lên ngưỡng 100.000 USD, nhà đầu tư này sẽ giữ đồng tiền ảo của mình trong dài hạn cho tới khi qua đỉnh 17.000 USD. Nếu giá Bitcoin bắt đầu hạ xuống, anh ấy sẽ tự trấn an mình rằng đó chỉ là một giai đoạn điều chỉnh nhẹ của thị trường và tiếp tục giữ.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 10.

Nhưng đến khi giá Bitcoin sụt giảm mạnh, nhà đầu tư lúc này bắt đầu thấy hoảng sợ. Một chu trình FOMO nghịch đảo xuất hiện ở đây khi giá Bitcoin biến động mạnh theo xu hướng ngược lại. Các tin đồn xấu hiện thay cho tin đồn tốt. Cảm giác lo lắng và sợ hãi thay vì phấn khích và bồn chồn. Mọi người bán tháo thay vì mua vào.

Nhà đầu tư FOMO lúc này quyết định bán đồng Bitcoin của mình ở giá 7.000 USD để cắt lỗ. Cuối cùng, anh ấy sẽ lỗ 3.000 USD, trước khi Bitcoin tăng giá trở lại và bắt đầu một chu trình FOMO mới.

Tất nhiên, bạn có thể cho rằng nếu nhà đầu tư FOMO bán đồng Bitcoin của mình ở đỉnh, may mắn thay anh ấy sẽ có lãi. Nhưng vấn đề thực sự trong vai một nhà đầu tư FOMO là bạn không thể biết khi nào và đâu là đỉnh.

Tất cả những gì bạn dựa vào chỉ là cảm xúc bị ảnh hưởng từ người khác và các yếu tố bên ngoài. Khi đó, làn sóng FOMO sẽ nuốt chửng bạn, mọi thông tin bạn có được xung quanh mình chỉ là cái quầng của hiệu ứng FOMO.

"Trong chu kỳ này, những nhà đầu tư FOMO sẽ phải tham gia vào một cuộc chiến giữa tâm lý và thông tin. Hai yếu tố này lúc nào cũng cạnh tranh nhau để thu hút được sự chú ý của một nhà đầu tư tò mò và rất dễ bị tổn thương vì anh ta luôn dựa vào những quan điểm của người khác để ra quyết định đầu tư cho mình.

Thật mỉa mai rằng trong thế giới của tiền điện tử, ý kiến của những người khác có thể gây hại nhiều hơn là đem lại lợi nhuận cho bạn", Bobby Azaryan, một tiến sĩ triết học và sinh học thần kinh nhận thức giải thích.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 11.

Bởi những lí do này, FOMO luôn là thứ thu hút những nhà đầu tư không chuyên nhảy vào thị trường trong giai đoạn quá nóng. Và đó là cơ hội cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp khác, những cá mập đã nắm giữ phần lớn thị trường và có khả năng thao túng nó để kiếm lời bằng cái đầu lạnh của họ.

Vậy nên, nếu bạn thấy quyết định đầu tư của mình đang bị thao túng bởi nỗi sợ bị bỏ lại, lòng tham, tâm lý liều lĩnh may rủi hoặc sự thiếu kiên nhẫn, thì đó là lúc bạn cần phải cẩn thận với FOMO.

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 12.

Nếu bạn tìm hiểu về FOMO trong cuộc sống nói chung, bạn sẽ thấy nó đang tạo ra ảnh hưởng lớn nhất đến thế hệ Gen Z và Millennials. Tiếp xúc sớm với nhiều công nghệ kết nối mới như internet và mạng xã hội, khoảng 62-67% Gen Z (sinh ra từ năm 1997-2002) bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng FOMO và sẽ so sánh những gì mình đang làm với cuộc sống của người khác.

Con số thậm chí cao hơn ở gen Y hay thế hệ Millennial (sinh ra từ năm 1980 đến năm 1996), những người đạt tuổi trưởng thành trong lúc sử dụng internet và Facebook. Khoảng 7 trên 10 (69%) thế hệ Millennial bị ảnh hưởng bởi FOMO.

Một khảo sát của Charles Schwab năm 2019 cho thấy quyết định chi tiêu của Gen Z và Millennials bị ảnh hưởng rất mạnh từ hiệu ứng FOMO:

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 13.

Nhưng khi nói đến các nhà đầu tư theo cảm xúc, Millennial sẽ áp đảo hoàn toàn GenZ. Bởi trong độ tuổi từ 24 đến 41, họ đang là nhóm có mặt nhiều hơn trong thị trường. Trong khi FOMO ít ảnh hưởng tới gen X và các thế hệ trước đó, Gen Z chỉ đơn giản còn quá trẻ và phần lớn chưa có tài chính cho các khoản đầu tư.

Vì vậy, nhắc đến một thế hệ những nhà đầu tư FOMO ở thời điểm này, chúng ta có thể nhận diện họ là những 8x và 9x đời đầu. Một ước tính của công ty nghiên cứu CB Insight cho thấy thế hệ này đang được thừa kế một khoản tiền lên tới 30 nghìn tỷ USD và FOMO đang nuốt những đồng tiền này của họ.

Fabrizio Campelli, giám đốc quản lý tài sản toàn cầu của Deutsche Bank AG cho biết mạng xã hội là thứ đang thúc đẩy các quyết định đầu tư của thế hệ Millennial. Họ có nỗi sợ bị bỏ lỡ vì họ được tiếp xúc và nối mạng nhiều hơn so với các thế hệ nhà đầu tư khác.

Đó cũng là điểm yếu mà một số nền tảng đầu tư đã dùng để thu hút Millennial, chẳng hạn như eToro, một trang web giao dịch cho phép bạn "copy" theo nghĩa đen mọi quyết định đầu tư của người khác chỉ bằng một vài cú click chuột và thỏa mãn hoàn toàn cảm giác FOMO của bản thân.

Các trào lưu đầu tư chứng khoán, tiền ảo hay thậm chí bán hàng đa cấp cũng lợi dụng triệt để tâm lý FOMO này của Millennial để thu hút họ tham gia. Vậy làm thế nào để phòng tránh?

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 14.

Nếu bạn là một Millennial, bạn sử dụng mạng xã hội và tất cả những người bạn của bạn cũng đang tham gia vào một trào lưu đầu tư nào đó dù là tiền ảo hay chứng khoán, sẽ thật khó để bạn tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi FOMO. Nhưng như nhà đầu tư Warren Buffett từng nói: "Chỉ khi nào kết hợp được trí tuệ với kỷ luật cảm xúc, bạn mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn".

Vì vậy, trước khi có một quyết định tham gia vào một thị trường đầu tư, bạn thực sự phải học và tìm hiểu kỹ về lĩnh vực và "sân chơi" mà bạn định đi vào đó. Hãy tự hỏi liệu bạn có đang ra quyết định quá nhanh chỉ vì FOMO hay không? Bạn thực sự đang đầu tư hay đầu cơ và chơi một canh bạc?

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 15.

Quá trình học hỏi và tìm hiểu tất nhiên sẽ mất thời gian, bạn có thể sợ rằng cơ hội đầu tư này sẽ trôi qua mất. Suy cho cùng, đó là bản chất của FOMO, nỗi sợ bị bỏ lỡ. Nhưng đừng lo, kiến thức chứ không phải một đợt tăng giá sẽ là thứ bạn cần nhất khi tham gia vào một thị trường đầu tư mới.

Cơ hội sẽ luôn đến giống như những chuyến xe bus – nhiều người năm 2018 đã nghĩ rằng Bitcoin chỉ có một lần tăng giá cuối cùng, nhưng rốt cuộc, năm 2021 đồng tiền này vẫn phá được mức giá kỷ lục. Nếu bạn không tìm hiểu kỹ khi tham gia vào thị trường tiền điện tử, bạn có thể mất tiền trước khi học được một bài học. Ngược lại dù có thắng đi chăng nữa, đó cũng chỉ là một may mắn giống với trò cá cược.

Và bạn còn nhớ về chuỗi thắng và thua liên tiếp chứ? FOMO sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến bạn trong những lần đầu tư hoặc giao dịch tiếp theo, sau khi bạn đã bước chân vào thị trường. Điều đó có nghĩa là trở thành một nhà đầu tư lâu năm không đảm bảo cho bạn tránh được FOMO.

Nó vẫn có thể gây ra các lỗi "overtrading", mua và bán quá nhiều trong thời gian ngắn, chốt lãi hoặc cắt lỗ quá sớm, đầu tư vượt hạn mức và chạy theo tin tức trôi nổi… Và quan trọng nhất FOMO tiếp tục khiến bạn hành động theo cảm xúc của mình chứ không phải phân tích thị trường.

Vậy làm thế nào để kiểm soát tình trạng này, dưới đây là một số mẹo có thể sẽ giúp ích:

Từ chứng khoán, Bitcoin đến Pi Network: Cái bẫy FOMO dành cho những nhà đầu tư thế hệ 8x, 9x đời đầu - Ảnh 16.

Ngoài ra, bạn còn có thể vượt qua FOMO bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi khao khát hành động, trong trường hợp này là những lời mời gọi đầu tư. Hãy tắt máy tính, ngắt kết nối với mạng xã hội để thực hành chánh niệm, lùi lại một bước để xem xét nó một cách thấu đáo.

Tập trung vào lòng biết ơn, vào những gì bạn có, những kế hoạch bạn đã đặt ra cho riêng mình thay vì bị áp lực và phải chạy theo xu hướng của xã hội, một nhóm nhỏ hay bất kỳ ai khác. Và dù quyết định của bạn là gì đi chăng nữa, đừng bị dằn vặt bởi sự bỏ lỡ của mình.

FOMO có thể được biến thành JOMO (hay Joy Of Missing Out) tùy vào góc nhìn tâm lý của bạn. Nếu bạn cảm thấy thực sự đã bỏ lỡ một cơ hội, hãy nhắc nhở bản thân rằng sẽ luôn có các cơ hội khác trong tương lai phù hợp hơn với kế hoạch đầu tư, hay thậm chí kế hoạch trong cuộc đời của mình. Điều bạn cần làm chỉ là viết nó xuống nhật ký, rồi thư giãn!

Tổng hợp