Từ bao giờ icon mặt cười trên Facebook bị biến tấu thành thái độ "sỉ nhục" người khác?

Nguyễn Tuấn Tài  - Theo Trí Thức Trẻ | 24/07/2017 03:32 PM

Những đoạn tin nhắn cùng với emoji, ảnh gif đã trở thành một công cụ quen thuộc để thể hiện thông tin, cảm xúc của người gửi.

Công nghệ tiên tiến đang ngày càng làm cho cuộc sống trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Trước đây, có được lò vi sóng hay điều khiển từ xa đã là một điều kỳ diệu, nhưng hiện nay, các công cụ kỹ thuật số len lỏi vào từng khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả sự phát triển của việc giao tiếp – trao đổi thông tin.

Đa số đều cho rằng, những cuộc nói chuyện trực tiếp sẽ giúp chúng ta hiểu rõ được những chi tiết của câu chuyện, biết được biểu lộ cảm xúc thông qua khuôn mặt... Nhưng ngày nay, những đoạn tin nhắn cùng với emoji, ảnh gif đã trở thành một công cụ quen thuộc để thể hiện thông tin, cảm xúc của người gửi và quan trọng là nó được chấp nhận bởi rất nhiều người.

Nhưng liệu có phải lúc nào emoji, ảnh gif cũng giúp chúng ta biểu lộ được đúng cảm xúc và người nhận chúng có hiểu đúng cảm xúc của người gửi?

Trước đây, thời kỳ Yahoo vẫn còn là phương tiện giao tiếp chính của “cư dân mạng” thì những emoji như ":)" hay "=))" đã là thứ quá quen thuộc. Những emoji này đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dùng, và họ tiếp tục sử dụng nó khi chuyển sang Facebook.

Cách đây không lâu, Facebook đã chuyển emoji ":)" thành:

Nhìn qua thì nó cũng khá ổn, vẫn có thể biểu thị niềm vui hoặc sự thân thiện của người dùng. Nhưng dần dần “cư dân mạng” đã biến tấu emoji này trở thành công cụ để biểu thị thái độ khinh thường, sỉ nhục.

Cũng phải thừa nhận là emoji này khá thích hợp để thể hiện sự... khinh bỉ, ngoài ra người ta còn dùng nó để thể hiện sự nghiêm túc, hoặc những vấn đề hiển nhiên, mang tính chất trêu đùa nhau.

Không chỉ có ":)", mà ngay cả emoji ":D" trên Facebook cũng đang bị biến tấu cách sử dụng:

Đối với những người hiểu cách sử dụng emoji này thì nó khá hay, nhưng đối với những người chưa hiểu hay những người dùng Facebook một cách “nghiêm túc” như cô, dì, chú, bác, bố, mẹ... thì nó dễ gây ra hiểu nhầm.

Khi một người sử dụng ":)" hay ":D" trên Facebook với đúng mục địch thể hiện sự thân thiện, nhưng người đọc nó lại tưởng rằng họ coi thường mình, điều này sẽ làm mất lòng nhau. Không chỉ trong giao tiếp với người lớn tuổi, mà ngay cả giao tiếp trong công việc hay người đồng trang lứa, đôi khi việc sử dụng những emoji này cũng đem lại sự hiểu lầm, quy chụp lẫn nhau.

Như vậy, emoji giúp chúng ta thể hiện tình cảm, cảm xúc thông qua tin nhắn. Nhưng nếu sử dụng không đúng lúc và đúng cách, đôi khi nó lại phản tác dụng.