Tưởng rằng truyện tranh chỉ dành cho trẻ em nhưng hóa ra truyện tranh còn dành cho người lớn và có tác dụng như những liệu pháp y tế tích cực, giúp thăng bằng và tăng tính kiên nhẫn, trầm tĩnh cho người đọc trong cuộc sống hiện đại quá căng thẳng.
Truyện tranh “độc”, lạ
Không phải chỉ là những cuốn truyện trẻ con với tính chất nhí nhố như người lớn thường nghĩ về truyện tranh. Truyện tranh cho người lớn hoặc là rất hài hước, thư giãn hoặc là nghệ thuật, trinh thám, khoa học, chính trị, phản ánh chiều sâu lịch sử xã hội và thường được thiết kế theo nhiều khổ sách khác lạ, câu chuyện và hình ảnh đều hết sức độc đáo, đẹp mắt.
Trên thế giới đã xuất hiện một số cuốn truyện tranh được thực hiện bằng phương pháp vẽ tay hoàn toàn, không xuất bản theo cách truyền thống, số lượng ấn bản hạn chế. Mỗi cuốn truyện tranh thủ công kiểu này đều giống như một bộ sưu tập tranh nên tùy thuộc vào tên tuổi của họa sĩ, sách rất được cộng đồng độc giả lớn tuổi trân trọng, lưu giữ.
Truyện tranh của châu Âu, Mỹ khá đa dạng với bút pháp và các mảng đề tài lớn phong phú: chính trị, khoa học giả tưởng, nghệ thuật... thích hợp với cách tiếp cận thông tin nhanh của thời kỳ mới. Truyện tranh thậm chí đã đánh thức mối quan tâm với văn học qua “tiểu thuyết đồ họa”.
Cuốn “Khu vườn bí mật” (Secret Garden) xuất bản ở Anh, sau đó đã trở thành cơn sốt lan rộng ra toàn cầu, dậy sóng nền xuất bản các nước Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan..., được các nhà chuyên môn coi là liệu pháp giúp giảm căng thẳng. Nhiều độc giả từng mua cuốn sách này cũng cho biết ngắm tranh đẹp chứ không phải đọc chữ nhiều giúp họ thấy rất thư giãn, thoải mái, những bức tranh dường như đã tô màu cho cuộc sống tẻ nhạt và nhiều buồn chán của họ trở nên phong phú, sinh động hơn.
“Khu vườn bí mật” đã có ấn bản tiếng Việt và sau đó là nhiều phiên bản khác của thể loại sách tô màu dành cho người lớn như “Căn phòng thời gian”, “Khu vườn thời gian”... Nhiều độc giả người lớn chịu khó dành thời gian ngồi tỉ mỉ tô vẽ hàng ngàn chi tiết trong mỗi bức tranh, xong lại tìm những cơ hội có thể gặp gỡ, sẻ chia với nhau về những bức vẽ của mỗi người trong cộng đồng có cùng sở thích. Mỗi khi ngày hội tranh tô màu được tổ chức, rất đông người lớn tham gia.
Giữa thời buổi mà ai cũng bận rộn và căng thẳng, dường như việc cố gắng học hỏi và rèn luyện con mắt mỹ thuật cũng như tính kiên nhẫn để có được những tác phẩm nghệ thuật của riêng mình lại giúp tinh thần độc giả người lớn được thư giãn hơn, giảm bớt căng thẳng, vui vẻ yêu đời hơn.
Mảnh đất màu mỡ bị bỏ hoang
Thị trường truyện tranh cho người lớn Việt Nam hiện nay được ví như mảnh đất màu mỡ nhưng đang bị bỏ hoang. Tại Hà Nội vừa diễn ra hội sách mùa thu (từ ngày 9 đến hết 13-9), trong đó có một ngày dành cho lễ hội truyện tranh 2016, hội tụ toàn bộ các gương mặt họa sĩ vẽ truyện tranh hàng đầu của Việt Nam về tham dự: Nguyễn Thành Phong, Can Tiểu Hy, Châu Chặt Chém, Thăng Fly, nhóm B.R.O, Dương Thạch Thảo, Vũ Đình Lân, Dương Minh Đức...
Tác giả Can Tiểu Hy nổi tiếng với “Địa ngục môn” tâm huyết ấp ủ: “Mọi người vẫn nghĩ truyện tranh chỉ dành cho trẻ em nhưng giờ chúng ta thấy rõ là cả người lớn cũng đến. Và chúng ta có thể bắt đầu nghĩ đến thị trường truyện tranh cho người lớn. Cuốn truyện tranh “Địa ngục môn” của tôi không phải truyện dành cho độc giả nhỏ tuổi mà hướng tới thanh niên và người trưởng thành. Hiện tại tôi đang vẽ “Địa ngục môn” phần 2, cuối năm 2016 sẽ hoàn thành”.
Họa sĩ Nguyễn Thành Phong (tác giả “Sát thủ đầu mưng mủ”, “Phê như con tê tê”...) mà bạn bè gọi là bút lông di động khi suốt ngày khoác ba-lô chất đầy đồ nghề đi lang thang và sẵn sàng vẽ ở bất kỳ nơi nào, cũng chính là một trong số ít những họa sĩ Việt thành công với cuốn truyện tranh lịch sử “Long thần tướng”, kết hợp cùng biên kịch Nguyễn Khánh Dương mới đây vừa đoạt Giải Bạc - giải thưởng truyện tranh quốc tế 2016 tại Nhật. Thành Phong cho biết anh sẽ tiếp tục đi theo con đường kiếm tìm sáng tạo các truyện tranh hài hước và độc đáo cho độc giả người lớn.
Biên kịch Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola, bức xúc phản ánh thực tế: “Trên thế giới, không có đất nước nào coi truyện tranh là chỉ dành cho trẻ con. Có thể do truyện tranh đầu tiên vào Việt Nam là “Doraemon” nên khiến cho các bậc cha mẹ cứ nghĩ truyện tranh là dành cho thiếu nhi. Nhật Bản có lễ hội truyện tranh Comiket tổ chức mỗi năm 2 lần, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Tokyo Big Sight, bắt đầu từ năm 1975 đến nay, thu hút khoảng 600.000 độc giả là người lớn tham dự. Lucca Comics ở Ý, Angoulême Comics Festival ở châu Âu, New York Comic Con (NYCC) ở Mỹ... người đến xem chủ yếu là lứa tuổi trưởng thành: từ 20-35 tuổi. Nếu truyện tranh chỉ là dành cho trẻ con, tại sao các bộ phim bom tấn chuyển thể từ truyện tranh Mỹ luôn đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu nhiều năm gần đây? Quan niệm sai lầm này của các đơn vị xuất bản Việt Nam dẫn tới việc “ngại” xuất bản các tác phẩm truyện tranh cho người trưởng thành”.
(Theo NLĐ)