- Theo Helino | 23/08/2018 03:53 PM
Theo quan niệm thông thường, game hay các trò chơi điện tử lợi bất cập hại, nhất là với lứa tuổi học sinh. Các em dễ sa đà học và làm theo những cái xấu trong game, dẫn đến những hành vi trái chuẩn đạo đức, thậm chí phạm pháp ngoài đời thật. Song PSDK-1, ngôi trường cấp 3 ở Indonesia lại có quan điểm khác hẳn.
Tại đây học sinh được tham gia một môn mang tên eSports (Thể Thao Điện Tử), với thời lượng lên đến 20 tiếng / tuần (trung bình khoảng hơn 3 tiếng trong một ngày học, nếu nghỉ Chủ Nhật). Phòng học cho các em được trang bị đầy đủ máy chiếu, tivi và máy tính cấu hình cao. Học sinh sẽ rèn luyện, tập chiến thuật qua tựa game bắn súng rất nổi hiện nay là OverWatch.
Học sinh và thầy hiệu trưởng (áo đỏ) cùng nghiên cứu eSports tại phòng học đặc biệt.
Hiệu trưởng của trường, ông Yohannes Sigian tiết lộ: "eSports có thể giúp các em phát triển các kỹ năng như giao tiếp, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Xét về góc độ chuyên môn, các em có thể học Toán hay Kinh Tế nhờ eSports. Nhận thấy giá trị giáo dục từ eSports nên chúng tôi đưa vào giảng dạy".
Trường cấp 3 Indonesia đưa eSports vào giảng dạy
Những học sinh đăng ký môn học sẽ được dạy theo 3 phương pháp:
- Tự học chơi game.
- Xem và học tập người chơi khác.
- Thảo luận nhóm, rút kinh nghiệm những lỗi mắc phải trong quá trình chơi...
Các học sinh thảo luận nhóm, rút kinh nghiệm từ quá trình chơi game của mình.
Học sinh Samuel William cho biết: "eSports không chỉ đơn giản là chơi điện tử. Qua đó em còn học được cách làm việc nhóm, kiểm soát cảm xúc cá nhân và phát triển những lợi thế của mình".
Được biết, eSports chỉ là 1 môn trong chương trình giảng dạy của nhà trường, do đó học sinh vẫn phải đảm bảo chất lượng của các môn học khác. Cô Weilin Han, cố vấn của trường, chia sẻ: "Chúng tôi phải đảm bảo rằng học sinh nhận thức được giới hạn và không lạm dụng eSports, tránh trường hợp mải mê không giao tiếp với bạn bè và bỏ bê các môn học còn lại".
Học sinh được định hướng rõ ràng, cách để kiếm tiền từ eSport trong tương lai.
Dự định của ban giám hiệu PSDK-1 là tổ chức giải đấu giữa các trường với nhau, qua đó các em sẽ có cơ hội thể hiện và nhận các học bổng liên quan đến eSport trong tương lai.
Những năm gần đây, chính phủ Indonesia đã có những chính sách hỗ trợ nhằm đẩy mạnh, phát triển nền eSports nước nhà, học tập theo mô hình của Hàn Quốc - đất nước vốn được coi là kinh đô của Thể Thao Điện Tử. Chính vì vậy, quan niệm về eSports tại đất nước này cũng có những chuyển biến tích cực, và nhất là những người chơi có thể tự ý thức được mặt lợi và hại của những trò chơi cạnh tranh tương đối mới mẻ này.