Trước Cẩm Y Vệ hơn 1000 năm, La Mã sản sinh ra đội quân khét tiếng, nhiều lần giết cả hoàng đế!

Nguyễn Hằng  Theo Trí Thức Trẻ | 16/09/2018 06:10 PM

Cẩm Y Vệ
31/12/2018 NCB: Trung Quốc NPH:

Đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nguy hiểm, đội quân chuyên bảo vệ các hoàng đế La Mã cũng ẩn giấu nhiều “góc khuất” đáng sợ mà không phải ai cũng biết.

Trước Cẩm Y Vệ hơn 1000 năm, La Mã sản sinh ra đội quân khét tiếng, nhiều lần giết cả hoàng đế! - Ảnh 1.

Qua phim ảnh, chúng ta đã biết trong lịch sử Trung Quốc có một lực lượng gọi là  Cẩm Y Vệ , được tổ chức dưới triều đại nhà Minh (1368-1644). Tồn tại hơn 200 năm, đây được cho là công cụ đắc lực bảo hộ cho sự thống trị của thế lực cầm quyền, đứng đầu là hoàng đế. 

Được thành lập vào năm 1382 dưới thời Minh Thái Tổ (vị hoàng đế có tính đa nghi, từng xử tử nhiều khai quốc công thần), Cẩm Y Vệ trở thành thế lực "triều đình ưng khuyển" (hay còn được gọi là "chó săn cho triều đình"), vô cùng thân tín với hoàng đế.

Bên cạnh việc bảo đảm sự an toàn, quyền lợi và quyền lực của hoàng đế, Cẩm Y Vệ còn là một tổ chức mật vụ với những nhiệm vụ mờ ám khét tiếng trong triều nhà Minh, như tham gia các hoạt động gián điệp, điều tra, bố ráp, tra khảo, ép cung, ám sát, lạm sát trung thần...

Thậm chí, những nhân vật quyền lực này còn có quyền hình thành nên cả một hệ thống vu cáo có mục đích, để tìm ra và thanh trừng những kẻ có mưu đồ tạo phản hoặc làm trái với lợi ích và uy danh của hoàng đế Minh triều.

Trước Cẩm Y Vệ hơn 1000 năm, La Mã sản sinh ra đội quân khét tiếng, nhiều lần giết cả hoàng đế! - Ảnh 2.

Cẩm Y Vệ là tổ chức mật vụ khét tiếng của triều đại nhà Minh. Ảnh minh họa

Xét theo những đặc điểm nêu trên của Cẩm Y Vệ, lần theo dòng chảy lịch sử, thì ở La Mã cổ đại trước đó hơn 1000 năm, cũng từng có một lực lượng được tổ chức bài bản như vậy xoay quanh hoàng đế, có nhiệm vụ tương tự, tồn tại đến 300 năm. Thậm chí, lực lượng này còn "manh động" hơn Cẩm Y Vệ ở chỗ, nhiều lần ám sát chính hoàng đế! 

Lực lượng này được gọi là:  Vệ binh .

Sự ra đời của lực lượng Vệ binh

Vệ binh (Praetorian Guard) là lực lượng gồm những binh sĩ ưu tú, được thành lập để nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho các hoàng đế La Mã cổ đại trên chiến trường, kể từ thời kỳ trị vì của Augustus, hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Mã .

Do khủng hoảng từ cuộc nội chiến và xung đột xã hội, Augustus nhận thấy cần thành lập một đội quân trung thành có thể bảo vệ mình. Chính vì vậy, lực lượng vệ binh sẽ chỉ tham gia chiến đấu trong các chiến dịch theo mệnh lệnh trực tiếp của hoàng đế.

Một vị tướng La Mã được biết tới như một praetor (tạm dịch là pháp quan), và nơi đóng quân trên chiến trường gọi là praetorium, do đó, lực lượng bảo vệ đặc biệt này được gọi là Praetorian Guards (tạm dịch là: Vệ binh).

Các nhà nghiên cứu tin rằng đội vệ binh đầu tiên được thành lập là từ Scipio Aricanus, một vị tướng của La Mã. Ông đã chọn các thành viên ưu tú nhất trong đội quân dũng cảm nhất của mình. Vệ binh được miễn các nhiệm vụ của binh lính thông thường, tập trung cho việc bảo vệ hoàng đế.

Trước Cẩm Y Vệ hơn 1000 năm, La Mã sản sinh ra đội quân khét tiếng, nhiều lần giết cả hoàng đế! - Ảnh 3.

Scipio Aricanus được cho là người thành lập đội vệ binh đầu tiên. Ảnh: Public Domain

Người ta cho rằng, ngoài việc bảo vệ trực tiếp tính mạng cho các hoàng đế La Mã , vệ binh còn phải đảm nhận nhiệm vụ như một lực lượng cảnh sát bí mật, tham gia vào các hoạt động gián điệp, bắt giữ và thậm chí là hành quyết những người được cho là đe dọa đến lợi ích và sự an toàn của hoàng đế.

Cụ thể, vào thời La Mã cổ đại, một số vệ binh được cho là đã cải trang giống như dân thường, trà trộn vào các đám đông gây náo loạn để theo dõi và bắt giữ bất cứ ai đang chỉ trích hoàng đế. Mặt khác, khi không cải trang thành dân thường, cận vệ của Hoàng đế La Mã sẽ được sử dụng như là một lực lượng nhằm kiểm soát đám đông.

Trước Cẩm Y Vệ hơn 1000 năm, La Mã sản sinh ra đội quân khét tiếng, nhiều lần giết cả hoàng đế! - Ảnh 4.

Vệ binh đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoàng đế La Mã.

Trong suốt hơn 300 năm tồn tại, đôi khi, đội quân vệ binh cũng sẽ tham gia vào các trò chơi, chẳng hạn như đua xe ngựa, cuộc săn thú hoang dã để chứng minh sức mạnh và khả năng nhạy bén của họ.

Vào năm 52, hoàng đế Claudius được cho là đã tổ chức "trò chơi đẫm máu" Naumachia (mô phỏng lại những trận thủy chiến nổi tiếng) tại hồ Fucine, với hàng nghìn người tham gia, trong đó có cả lực lượng vệ binh.

"Góc khuất" của vệ binh La Mã cổ đại

Bên cạnh việc bảo vệ hoàng đế, vệ binh La Mã cổ đại còn ẩn giấu "góc khuất" đáng sợ. Đó là lực lượng đứng đằng sau những vụ ám sát quan trọng - kể cả là ám sát chính các hoàng đế.

Hoàng đế Caligula (12 TCN-41 TCN) có thể là một trong những nạn nhân đầu tiên bị lính vệ binh ám sát.

Trước Cẩm Y Vệ hơn 1000 năm, La Mã sản sinh ra đội quân khét tiếng, nhiều lần giết cả hoàng đế! - Ảnh 5.

Những người lính vệ binh còn tham gia ám sát hoàng đế La Mã. Ảnh minh họa

Có những thời điểm, vệ binh trở thành một lực lượng quyền lực bậc nhất. Theo những ghi chép trong lịch sử, họ thường xuyên có những cuộc "leo thang" hoặc lật đổ hoàng đế. Nhiều hoàng đế La Mã từng bị chính những người lính mà họ tin tưởng nhất ám sát.

Tuy nhiên, đội vệ binh cũng từng có lúc đóng vai trò ủng hộ và giúp sức đưa một số người lên kế vị ngai vàng như hoàng đế Claudius, Nero,...

Trước Cẩm Y Vệ hơn 1000 năm, La Mã sản sinh ra đội quân khét tiếng, nhiều lần giết cả hoàng đế! - Ảnh 6.

Một số hoàng đế La Mã đã bị vệ binh ám sát. Ảnh: Akgimages

Dù vậy, vào đầu thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, bước ngoặt lịch sử đã diễn ra dẫn đến chấm dứt sự tồn tại của lực lượng vệ binh.

Đó là năm 312, lực lượng vệ binh đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng khi tuyên bố ủng hộ Maxentius lên nắm giữ ngôi vị Hoàng đế La Mã. Sau đó, Maxentius và đội quân cận vệ của mình đã chiến đấu để chống lại hoàng đế Constantinus I tại trận Cầu Milvian.

Điều này đã chấm dứt sự tồn tại và quyền lực của lực lượng vệ binh ở Rome sau 300 năm tồn tại.

Một nghiên cứu gần đây nêu ra góc nhìn khá lạ về nguyên nhân khiến một số vị hoàng đế La Mã dễ có thể bị ám sát. Đó chính là thời tiết!

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan trùng hợp này khi phát hiện thấy việc thiếu hụt lượng mưa đi đôi với khoảng 20% các vụ ám sát của 82 vị hoàng đế La Mã.

Theo đó, nghiên cứu được công bố trên tờ Economic Letters cho biết: "Lượng mưa thấp hơn bình thường làm nguy cơ quân đội La Mã bị chết đói vì họ cần nguồn cung cấp thực phẩm từ địa phương".

Nếu tình trạng quân lương thiếu hụt kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng bạo động và do đó rất dễ xảy ra các vụ ám sát hoàng đế. Ngược lại, nếu thời tiết mưa thuận gió hòa thì nguy cơ này cũng giảm đi đáng kể.

Tham khảo ảnh/nguồn: Ancientorigins, Ancientpages