- Theo Trí Thức Trẻ | 22/04/2020 02:00 PM
Khi dịch Covid-19 hoành hành khắp nước Mỹ kể từ hồi đầu tháng 3, giám đốc điều hành tại một công ty ở Thung lũng Silicon đã liên lạc với nhà sản xuất hầm trú ẩn Rising S Co. Ông muốn biết cách mở khóa cánh cửa bí mật ở căn hầm sâu hơn 3m dưới lòng đất, trị giá hàng triệu USD, ở New Zealand của mình. Hiện tại, doanh nhân này đang điều hành một công ty ở Vùng Vịnh nhưng sống tại New York - ổ dịch của nước Mỹ.
Theo Gary Lynch – tổng giám đốc của RiSing S Co., vị CEO công nghệ này chưa bao giờ sử dụng boong-ke và không thể nhớ cách mở cửa. Lynch cho biết: "Ông ấy còn muốn biết cách sử dụng bình nóng lạnh và hỏi về việc có nên sử dụng thêm máy lọc nước hay không khí hay không."
Lynch chia sẻ thêm: "Ông ấy đến New Zealand để trốn chạy khỏi những điều đang diễn ra. Theo tôi biết thì ông ấy hiện vẫn ở căn hầm đó". Ông từ chối chia sẻ thông tin về vị doanh nhân này vì danh sách khách hàng luôn được bảo mật.
Người Mỹ kéo nhau đi tránh dịch
Trong nhiều năm, New Zealand đã là một điểm đến nổi bật nằm trong kế hoạch sinh tồn cho ngày tận thế của giới nhà giàu Mỹ. Họ lo ngại rằng mầm bệnh gây chết người sẽ khiến cả thế giới tê liệt. Nằm tách biệt ở phần rìa của trái đất, cách bờ biển phía nam của Australia khoảng 1.600 km, New Zealand có hơn 4,9 triệu dân. Quốc đảo xanh, sạch, đẹp này nổi tiếng vì cảnh quan ấn tượng, thoải mái về mặt chính trị và có cơ sở y tế hàng đầu.
Những tuần gần đây, quốc gia này đã nhận được nhiều lời ca ngợi vì biện pháp ứng phó với đại dịch. Chính phủ New Zealand ban hành lệnh cách ly từ sớm và hiện tại số ca phục hồi tăng cao hơn so với số ca nhiễm mới. Hiện tại, quốc gia này chỉ ghi nhận 12 trường hợp tử vong, trong khi con số ở Mỹ cao hơn gấp 50 lần.
Tại Mỹ, công ty xây dựng hầm trú ẩn an toàn dưới lòng đất Vivos đã lắp đặt một boong-ke với sức chứa 300 người ở South Island (Mỹ), theo Robert Vicino – nhà sáng lập của công ty có trụ sở tại California. Trong tuần qua, ông đã nhận được 2 cuộc gọi từ các khách hàng tiềm năng, họ mong muốn công ty xây dựng thêm các hầm trú ẩn ở khu vực này.
Hiện tại, đã có hơn 20 gia đình Mỹ chuyển đến khu boong-ke có sức chứa 5.000 người của Vivos ở Nam Dakota, với diện tích bằng 3/4 khu Manhattan (New York). Trong khi đó, công ty này cũng xây dựng một hầm trú ẩn cho 80 người ở Indiana và đang phát triển thêm một khu 1.000 người tại Đức.
Một hầm trú ẩn đang được đội ngũ của Rising S Co. xây dựng.
Rising S Co. trong vài năm qua đã xây dựng 10 boong-ke tư nhân tại New Zealand. Chi phí trung bình của mỗi hầm 150 tấn là 3 triệu USD, nhưng có thể tăng lên 8 triệu USD khi thiết kế thêm những tiện nghi khác như phòng tắm cao cấp, phòng chơi game, trường bắn, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và giường bệnh.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Mỹ, một số người ở Thung lũng Silicon đã chuyển đến các hầm trú ẩn ở New Zealand. Hôm 12/3, Mihai Dinulescu, 34 tuổi, đã quyết định tạm ngừng hoạt động start-up tiền điện tử của mình để trốn dịch. Anh chia sẻ: "Nỗi sợ của tôi là bây giờ hoặc không bao giờ. Tôi sợ rằng biên giới sẽ bị đóng cửa. Tôi cảm giác rất nôn nóng rằng chúng tôi phải rời đi."
Dinulescu đã đóng hành lý, để lại đồ đạc, TV, tranh vẽ và những vật dụng khác cho một số người bạn. Anh đã mua vé máy bay chuyến gần nhất trong vòng 12 giờ, cùng vợ lên chuyến bay lúc 7 giờ sáng đến Auckland. Cựu sinh viên Đại học Harvard cho biết, tại San Francisco, "toàn bộ khu vực sảnh quốc tế đều không một bóng người, hầu hết các máy bay đều trống trơn, trừ một chuyến đến New Zealand."
Chấp nhận đầu tư hàng tỷ USD để được cấp visa New Zealand
4 ngày sau, New Zealand đóng cửa biên giới với người đến từ nước ngoài. Dinulescu cho biết anh đã liên lạc với khoảng 10 người ở New Zealand, họ sợ sẽ không thể đến kịp trước khi nước này đóng cửa. Tuy nhiên, sau khi biện pháp này được công bố, truyền thông địa phương cho biết số lượng máy bay tư nhân đến quốc gia này đã tăng nhẹ.
Dinulescu hiện đang làm việc tại Ao Air – start-up thiết kế mặt nạ lọc không khí cạnh tranh với N95. Nhà đồng sáng lập của công ty này – Dan Bowden, người New Zealand, cho biết đã có hơn 10 đối tác tiềm năng ngỏ lời muốn hợp tác, nhưng anh vẫn cảnh giác.
Bowden chia sẻ: "Một số người lo sợ và liên lạc với tôi chỉ vì họ muốn có visa." Anh nói thêm, một nhà đầu tư ở Mỹ thậm chí còn hỏi rằng liệu ông ấy có đủ điều kiện cư trú ở New Zealand không nếu tăng cường đầu tư vào start-up này. Một điều đáng chú ý là, New Zealand sẽ cấp visa diện nhà đầu tư với giá trị đầu tư khoảng 6 triệu USD trong 3 năm.
Lệnh hạn chế di chuyển của New Zealand cũng có một yêu cầu khác, được thông qua vào năm 2018, cấm người nước ngoài mua nhà ở Kiwi – một phần để đối phó với tình trạng người Mỹ ngày càng đầu tư mạnh vào các khu bất động sản hạng sang đây. Graham Wall – nhà phát triển bất động sản hạng sang, cho biết ông đã nhận được khoảng 6 cuộc gọi trong những tuần gần đây từ Mỹ, họ kỳ vọng sẽ mua được những căn nhà trên hòn đảo này.
Ban công tại căn hộ của Dinulescu thuê tại đảo Waiheke.
Dù không sống trong biệt thự, nhưng Dinulescu không có kế hoạch quay lại Thung lũng Silicon cho đến khi đại dịch kết thúc. Hiện tại, anh cùng vợ đang trốn dịch trên đảo Waiheke tại một ngôi nhà 2 tầng, 3 phòng ngủ với view hướng biển, có giá 2.400 USD/tháng. Con số này còn thấp hơn so với mức giá của căn hộ 2 phòng của họ ở San Francisco.
Perrin Molloy – một thợ xây địa phương, cho biết Waiheke là "sân chơi của các tỷ phú". Ông thường được liên hệ để sửa chữa các biệt thự lớn trên đảo, hầu hết đều bị bỏ trống quanh năm. Ông cho biết, những căn biệt thự này dành cho giới tỷ phú chạy trốn khỏi những gì đang diễn ra với phần còn lại của thế giới.
Thông thường, các thợ xây đều không biết thông tin về chủ căn biệt thự và việc cải tạo liên quan đến những ngôi nhà "tránh tận thế" là khá thường xuyên. Ông chia sẻ, một trong những đồng nghiệp của ông đã xây dựng ngôi nhà 12 triệu USD ở một khu vịnh tư nhân, có 1 căn hầm đủ cho 4 người đi. Molloy nói: "Đây rõ ràng là một đường hầm thoát hiểm."
Dịch bệnh dường như đã mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển cho ngành công nghiệp phòng chống thiên tai ở New Zealand. Nhà sáng lập của Vivos – Vicino, cho biết: "Rõ ràng Covid-19 đã khiến mọi người nhận ra rằng chúng ta dễ chịu tổn thương như thế nào, nhưng điều họ quan tâm lại là những tàn dư của nó."
Ông có quan điểm rằng việc giới nhà giàu lo ngại về sự sụp đổ hay suy thoái kinh tế có thể gây ra cuộc nổi dậy chống lại top 1% của thế giới. Vicino nói: "Họ không muốn bảo vệ nhà của mình khi có băng đảng, hay những tên cướp xuất hiện."
Tham khảo Bloomberg