"Mất mát của người này là lợi ích của kẻ khác". Câu ngạn ngữ dường như chưa bao giờ hết chính xác khi nói về những cuộc chiến trên thị trường điện thoại thông minh.
Nó cũng được phản ánh qua số liệu mới đây do các công ty nghiên cứu thị trường như IDC hay Counterpoint công bố, về số lượng thiết bị smartphone bán ra trên toàn cầu của quý vừa qua. Mặc dù, có vẻ như số lượng người mua thiết bị cầm tay mới đang ít đi với tổng số lô hàng giảm từ 5% đến 7%, vẫn có một vài thương hiệu tìm ra "cửa thắng" nhờ việc nắm bắt các xu hướng tiêu dùng.
Công ty Hàn Quốc đã chứng kiến số lượng smartphone bán ra giảm 8,1% trong Q1/2019 với 71,9 triệu thiết bị. Kết quả này vẫn đủ lớn để giữ Samsung ở vị trí đầu trên thị trường, nhưng nó đã tạo cơ hội cho Huawei nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Theo dự báo, doanh số của hãng sẽ tiếp tục giảm lần nữa trong quý 2.
Mặc dù phải đối mặt với không ít chỉ trích về doanh thu và cả lợi nhuận, Samsung vẫn tuyên bố loạt smartphone Galaxy S10 được ra mắt gần đây đã bán rất chạy. Phiên bản 5G cũng được tung ra tại thị trường quê nhà Hàn Quốc và công ty có kế hoạch đưa thiết bị này sang tiến đánh các thị trường quan trọng khác vào năm 2019. Bên cạnh đó là chiến lược tập trung vào các sản phẩm trung cấp để chống đỡ những đợt tấn công không ngừng nghỉ từ phía Huawei.
Việc giảm giá cũng như ra mắt một loạt smartphone tầm trung gần đây được đánh giá là những bước đi tích cực của công ty Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây khó có thể coi là một giải pháp dài hạn và triệt để, nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm trong thời gian dài. Nếu không sớm tìm hướng thay đổi, báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của hãng rất có thể sẽ bết bát hơn hiện tại, gấp nhiều lần.
Tập đoàn công nghệ nổi tiếng Trung Quốc Huawei đã tiến lên vị trí số hai trong danh sách các nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất toàn cầu, thay thế vị trí của Apple. So với cùng kỳ năm ngoái, Huawei có mức tăng trưởng lên tới 50,3% trong Q1/2019 với số lượng smartphone đưa ra thị trường lên tới 59,1 triệu đơn vị, chiếm 19% thị phần.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi Samsung lại đang có dấu hiệu hụt hơi, nhiều chuyên gia đã mạnh dạn dự đoán chỉ trong một vài quý nữa, công ty Trung Quốc này sẽ soán ngôi vị số một của công ty Hàn Quốc. Tại thị trường đông dân nhất thế giới cũng đồng thời là sân nhà của chính mình, Huawei đang có một đà phát triển tích cực với hệ thống danh mục sản phẩm nhắm vào tất cả các phân khúc từ thấp đến cao, với sự liên kết và hỗ trợ mạnh mẽ lẫn nhau.
Không giống như Apple chỉ bán iPhone đắt tiền , Huawei mang tới cho người dùng rất nhiều lựa chọn. Không phải ai cũng có thể mua một chiếc flagship như P30 Pro, nhưng họ vẫn có thể mua Honor View 20, có giá gần bằng một nửa.
Bên cạnh đó, chiến lược "thương hiệu kép" cũng là một trong những yếu tố giúp tăng doanh số bán hàng của công ty. Với phương thức chỉ bán hàng online những điện thoại có cấu hình tương tự như của thương hiệu chính Huawei, lượng xuất xưởng của Honor nhiều thời điểm còn lớn hơn cả các thương hiệu khác của Huawei cộng lại.
Nhà phân tích nghiên cứu Shobhit Srivastava của Counterpoint cho rằng: "Huawei mới là đối thủ mà Samsung nên lo lắng, hơn là Apple".
Hầu như mọi công ty ngoài Huawei đều bán ít điện thoại thông minh hơn trong 3 tháng đầu năm 2019, nhưng Vivo là một trong số ít các trường hợp ngoại lệ. Thương hiệu đến từ Trung Quốc này hầu như không được biết đến trên đất Mỹ, nhưng đã tung ra thị trường số lô hàng điện thoại lên tới 23,2 triệu đơn vị, tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một phần nguyên nhân thành công của Vivo nằm ở Ấn Độ, thị trường quan trọng nhất của công ty bên ngoài Trung Quốc. Hãng smartphone này thậm chí còn đầu tư một khoản tiền đáng kể để tiếp thị trong giải Cricket lớn nhất Ấn Độ. Cricket là môn thể thao được yêu quý và phổ biến nhất ở quốc gia Nam Á này.
Là công ty "chị em" với Vivo, cho nên thị phần của hai thương hiệu này có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Oppo đã xuất xưởng 23,1 triệu điện thoại thông minh trong Q1/2019, đủ để chiếm thị phần 7,4%, mặc dù số lượng giảm 6% so với Q1/2018. Tuy nhiên, với loạt sản phẩm Reno sẽ ra mắt trong quý 2, sự trở lại của Oppo đang được nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng. Trong khi đó,các mẫu máy thấp hơn thuộc series A vẫn tiếp tục bán chạy.
Trên thực tế, cả điện thoại Oppo và Vivo đều không được bán chính thức tại Mỹ. Nhưng thương hiệu "họ hàng" khác là OnePlus đang ngày càng trở nên quen thuộc và tạo được sự chú ý của người tiêu dùng nước này. Cùng với nhau, doanh số kết hợp của ba thương hiệu đã biến công ty mẹ BBK Electronics trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới, theo Counterpoint.
Chiến lược kinh doanh được áp dụng cho các mẫu OnePlus thường là đưa vào và kết hợp các tính năng tiên phong trên thiết bị của cả Vivo và Oppo. Mặc dù vậy, không phải tất cả các thiết kế thử nghiệm này đều dành cho OnePlus hoặc thị trường nước ngoài. Một số thiết kế riêng đáng chú ý của Vivo bao gồm điện thoại chơi game , thiết bị cầm tay có màn hình ở cả mặt trước và mặt sau hay nguyên mẫu điện thoại không có lỗ khi bỏ cả khe sim, cổng sạc và nút âm lượng.
Trong quý I năm 2019, điểm nhấn mà Apple để lại là hai lần giảm giá bất ngờ, một trong tháng Một và lần thứ hai vào tháng Ba tại thị trường Trung Quốc. Con lốc giảm giá sau đó cũng lan sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam. Chiến lược này đã phần nào thuyết phục người dùng nâng cấp thiết bị lên các model mới, tuy nhiên hiệu quả đem lại chỉ là tạm thời.
Với doanh số bán hàng chậm chạp ở một số thị trường quan trọng, số lô hàng iPhone bán ra đã giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo IDC. Mới đây, đại diện Apple tuyên bố doanh số bán hàng đã tăng ở Trung Quốc. Thông tin nhanh chóng nhận được các phản ứng tích cực của nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại tỏ ra ít tin tưởng vào triển vọng của Apple.
Bởi cả Samsung và Huawei đều đã công bố điện thoại thông minh có thể gập lại và phiên bản hỗ trợ 5G, những mẫu sản phẩm có thể thu hút sự chú ý nhiều hơn so với Apple. Tất nhiên, mạng 5G dự kiến sẽ không trở thành xu hướng chủ đạo ở Mỹ và Trung Quốc cho đến ít nhất đầu năm sau, bên cạnh việc mẫu smartphone gập của Samsung xuất hiện nhiều vấn đề. Tuy nhiên, có vẻ như Apple đang rất cần một thứ gì đó nếu muốn giữ chân người dùng trong năm 2019.
Theo nhà phân tích Mo Jia của Canalys thì các tính năng cập nhật, chẳng hạn như 5G cũng như các phần mềm bản địa hóa (cho thị trường Trung Quốc) là rất quan trọng để ngăn chặn sự sụt giảm về nhu cầu tiêu dùng iPhone.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn lạc quan thì riêng với Apple, doanh số khó có thể phản ánh đúng thực trạng kinh doanh của nhà sản xuất này. Với mức giá bán sản phẩm cao, lợi nhuận của hãng vẫn đang rất ổn định.
Công ty được mệnh danh là "Apple Trung Quốc" cũng trải qua quãng thời gian khó khăn, khi xuất hiện sự sụt giảm về lượng điện thoại bán ra trong Q1/2019 với 25 triệu đơn vị, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm sáng ở đây là Xiaomi đã bán được nhiều điện thoại thông minh ở Ấn Độ.
Mặc dù vẫn tiếp tục kế hoạch xâm nhập vào châu Âu và các khu vực khác ở châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản), Xiaomi vẫn tập trung nhiều nguồn lực vào ba khu vực quan trọng nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia. Trong ba thị trường quan trọng này, Ấn Độ là quốc gia duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng doanh số trong 3 tháng đầu năm nay. Thương hiệu Xiaomi đang có sức ảnh hưởng đáng kể ở cả khu vực thành thị lẫn các vùng nông thôn.
Có thể nói khi thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu bão hòa, Ấn Độ đã trở thành chiến trường chính của các hãng sản xuất smartphone. Bởi đây là quốc gia có dân số đông nhất thế giới chỉ sau Trung Quốc. Giống như Trung Quốc vài năm trước, Ấn Độ có một tầng lớp trung lưu đang phát triển, những người luôn mong muốn có được những chiếc điện thoại cao cấp hơn.
Dẫu vậy, nếu không có chiến lược kinh doanh hợp lý, rất có thể Xiaomi sẽ bị các đối thủ khác qua mặt. Ngay cả ở Ấn Độ, áp lực cạnh tranh từ Vivo và Oppo đã có dấu hiệu tăng mạnh. Trong khi Vivo tích cực đầu tư vào tiếp thị và quảng cáo, Oppo mới đây cũng ra mắt thương hiệu di động mới có tên Realme để tăng tầm ảnh hưởng ở quốc gia này.
Motorola, Nokia, LG, HTC giờ đây đã trở thành những thương hiệu điện thoại ít được người dùng biến đến. Cùng với các nhà sản xuất điện thoại nhỏ khác, các công ty này đã chứng kiến sự sụt giảm hơn 20% trong các lô hàng điện thoại thông minh.
Theo Counterpoint, một phần nguyên nhân bởi mọi người chỉ đơn giản đang giữ điện thoại của họ lâu hơn. Ví dụ như chủ sở hữu của những chiếc điện thoại Android đắt tiền thường chờ đợi trung bình 30 tháng để nâng cấp, trong khi người dùng iPhone là gần ba năm.
Cách giải quyết của mỗi công ty đều không giống nhau. Có thương hiệu chỉ biết im lặng chờ đợi người mua quay trở lại. Có công ty như Gionee, để chủ tịch cầm tiền của công ty đi đánh bạc và thua tới 1,4 tỷ USD, khiến bản thân rơi vào cảnh nợ nần. Một nhà sáng lập thương hiệu smartphone khác là Smartisan, từng nổi tiếng với việc chê bai Apple và Xiaomi, giờ đã chuyển sang bán thuốc lá điện tử.
Tham khảo AbacusNews