Tranh cãi việc liệu có nên cho game thủ chuyên nghiệp đi vệ sinh khi đang thi đấu

SmiLe  - Theo Trí Thức Trẻ | 07/09/2017 05:11 PM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Có những quy tắc riêng để giải quyết nhu cầu cá nhân của các tuyển thủ chuyên nghiệp trong thi đấu thể thao điện tử.

Với người chơi bình thường, khi đang trải nghiệm game mà phát sinh nhu cầu vệ sinh cá nhân, họ đơn giản chỉ việc buông chuột hay tay cầm xuống để vào toilet. Nếu đang chơi cùng đồng đội, mọi người có thể tạm dừng game để chờ hoặc tiếp tục chơi mà không quan tâm tới việc thiếu một người trong đội. Nhưng nếu bạn đang thi đấu trước hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người theo đang dõi trực tiếp lẫn trực tuyến, việc dừng trận đấu không được phép xảy ra, bất kể trận đấu chỉ kéo dài 30 phút hay tới 2 tiếng.


Trước cả ngàn khán giả, các game thủ không được phép tạm dừng trận đấu chỉ để đi vệ sinh.

Trước cả ngàn khán giả, các game thủ không được phép tạm dừng trận đấu chỉ để đi vệ sinh.

Thế nhưng mới đây, hai trận đấu thuộc khuôn khổ giải game League of Legends (Liên Minh Huyền Thoại) khu vực châu Âu và Bắc Mỹ đã buộc phải tạm dừng giữa chừng để các game thủ đi vệ sinh.

Dù kết quả cuối cùng vẫn được công nhận, sự việc này đã tạo nên một cuộc tranh luận dữ dội trên các mạng xã hội và diễn đàn game. Trên trang Reddit, một bài viết chỉ trích hành động trên của các game thủ chuyên nghiệp trong trận đấu tại giải châu Âu giữa hai đội G2 Esports và Splyce đã thu hút hơn 1.500 bình luận. Số ít trong đó chấp nhận việc này và cho rằng khi "tự nhiên đã kêu gọi thì ai cũng phải đáp lời". Tuy nhiên, phần đông số người khác lại cho rằng đây chỉ là chiêu trò câu giờ và tạo cơ hội cho đội thay đổi lại chiến thuật thi đấu cho phù hợp, một dạng "hội ý không được phép".

"Hãy làm cho các bạn ấy một cái ống thông (dùng trong điều trị tiết niệu) khi họ bắt đầu ngồi xuống để chơi game", một người bình luận.

Trên thực tế, việc tạm dừng thi đấu thời gian ngắn có thể giúp các game thủ chuyên nghiệp lấy lại bình tĩnh, thoát khỏi tình trạng bị cuốn theo lối chơi của đối thủ đồng thời hạ nhiệt tâm lý hưng phấn của đội bạn. Quan điểm chung của những người phản đối cho rằng việc tạm dừng trận đấu chỉ nên được dành cho những vấn đề nghiêm trọng như lỗi trò chơi hoặc các vấn đề kỹ thuật.

Đây cũng là một trong những điểm khác biệt của thể thao điện tử so với thể thao truyền thống, bởi trong thi đấu truyền thống, không có chuyện tạm dừng trận đấu bất chợt, trừ các trường hợp đặc biệt như thiên tai, hỏa hoạn... Một lần so tài game thường kéo dài nhiều giờ, tuy nhiên, chúng được chia nhỏ thành các trận với thời gian thi đấu ngắn từ 30 phút tới 1 tiếng. Giữa các trận có khoảng thời gian nghỉ để game thủ tranh thủ ăn nhanh, hoặc đi vệ sinh, nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đảm bảo kiểm soát được hoàn toàn cơ thể mình và khi có nhu cầu bắt buộc phải vào nhà vệ sinh, việc gì sẽ xảy ra?

Một trọng tài giấu tên, thuộc giải đấu game khu vực châu Âu kể trên, cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm. Theo vị này, quy tắc của giải quy định việc tạm dừng chỉ được phép xảy ra với ba lý do. Một là có game thủ bị ngắt kết nối không chủ ý, hai là có sự cố phần cứng hoặc phần mềm, ba là có sự can thiệp về thể chất (chấn thương, bệnh...). Khi trận đấu bị tạm dừng, tất cả game thủ buộc phải ngồi im tại vị trí, không được nói chuyện bằng micro hay sử dụng bàn phím để liên lạc với nhau trong game.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng các trọng tài cũng có quyền chấp nhận một số trường hợp đặc biệt, điển hình như khi các game thủ phát sinh các "nhu cầu cá nhân" như cần đi vệ sinh.


Trên bàn thi đấu của game thủ eSports thường có hai loại nước, một để uống và một là nhãn hàng quảng cáo của nhà tài trợ. Các game thủ thường uống nước riêng của mình, hầu hết là nước khoáng.

Trên bàn thi đấu của game thủ eSports thường có hai loại nước, một để uống và một là nhãn hàng quảng cáo của nhà tài trợ. Các game thủ thường uống nước riêng của mình, hầu hết là nước khoáng.

Scott Parkin, người dẫn chương trình trong trận đấu xảy ra sự việc ở trên, cho biết, cả hai game thủ Kim "Trick" Kang Yoon và Luka "Perkz" Perkovic của đội G2 Esports đã nhiều lần yêu cầu được sử dụng nhà vệ sinh và đã bị các trọng tài từ chối hai lần trước khi được chấp thuận. Tổ trọng tài cũng cử người giám sát và dẫn hai game thủ này đi giải quyết vấn đề cá nhân.

Parkin nhấn mạnh, dù có trái với quy tắc chung nhưng điều này là hợp lý vì "chúng tôi không muốn cái gì đó 'bất ngờ' xuất hiện trên người các tuyển thủ".

Trong khi đó, một thành viên của đội game này cũng lên tiếng nói rằng Trick và Perkz đã sử dụng nhà vệ sinh trước trận đấu và sự việc xảy ra bất ngờ nên có thể xem là hai game thủ này đã bị "ảnh hưởng bởi trạng thái thể chất".

Sau khi sự việc đã tạm lắng xuống, G2 Esports cho biết đội đã thay đổi quy định nội bộ buộc các game thủ phải cố gắng sử dụng phòng vệ sinh trước khi lên sân khấu thi đấu. Điều này cũng giống như việc các bậc cha mẹ buộc con cái phải đi vệ sinh trước khi lên xe hơi để đi xa.

Tuy nhiên, trong tương lai, các tình huống tương tự nhiều khả năng sẽ vẫn xảy ra khi người chơi phát sinh các nhu cầu bất chợt. Các chuyên gia khuyên rằng khi đó người hâm mộ nên tin tưởng vào đội ngũ trọng tài.