- Theo Helino | 02/10/2019 02:33 PM
Với những ai yêu thích đọc truyện tranh, manga Nhật, và đặc biệt với những team dịch online, thì chuyện bản quyền luôn là vấn đề quá nhiều rắc rối, gây đau đầu. Song song với việc đó, luôn có những bộ truyện "hot" tới nỗi độc giả sẵn sàng đọc free hoặc đọc trả phí cho bên dịch truyện, dù nó đã được mua bản quyền hay chưa. Tranh cãi mới đây về bộ truyện Kimetsu no Yaiba là một ví dụ.
Kimetsu no Yaiba là một bộ shounen manga cực kỳ đắt khách ở thời điện hiện tại. Series truyện này đã được NXB Kim Đồng mua bản quyền vào hồi tháng 8/2019. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều nhóm dịch luôn update các chương mới nhất của truyện một cách nhanh chóng để thỏa mãn sự chờ đợi của độc giả.
Một trong số đó là nhóm dịch Manga 4 You (hay M4Y), vốn đã dịch bộ truyện đang hot này được một thời gian. Sau đó, bộ truyện được cho là bị "dịch chen" bởi nhóm dịch Lê Order, gây ra màn tranh luận không hồi kết giữa 2 team dịch và độc giả.
Từ câu chuyện này lại dẫn sang chuyện khác, vì nhiều người, trong đó có team Lê Order cho rằng: "Cùng là dịch không có bản quyền, tại sao phải làm căng?"
Lê Order team lên tiếng về vụ tranh cãi "dịch chen" và bán truyện không bản quyền
Ở Việt Nam, các nhóm dịch thường dịch free (hay dịch lậu) và vẫn không bị bắt bẻ chuyện bản quyền, bởi hiếm nhóm nào lại kinh doanh lấy lời bằng truyện mình dịch. Hầu hết các nhóm dịch đều làm việc phi lợi nhuận, phục vụ độc giả là chính. Bên cạnh đó, nhiều website truyện tranh vẫn có chế độ Donate cho nhóm dịch.
Thế nhưng, nhóm dịch Lê Order lại cho rằng mình có thể kinh doanh được với truyện dịch, bằng cách "bán" 1 chap truyện Kimetsu no Yaiba với giá 500đ.
Cách làm này khá giống với hình thức đọc truyện - trả tiền online của Comicola hoặc Webtoon, tuy nhiên, nhóm dịch Lê Order lại không có bản quyền truyện. Thu lời về từ một thứ mình không có quyền kinh doanh không chỉ dấy lên phẫn nộ từ độc giả, mà còn vi phạm nhiều vấn đề pháp lý về bản quyền.
Dĩ nhiên, trên phương diện "dịch lậu", thì các nhóm dịch đều cùng vi phạm một luật như nhau. Thế nhưng khi vấn đề "dịch lậu" chuyển sang kinh doanh thu tiền, thì lại là khác. Bởi không đồng tiền nào trong số này được chuyển tới tay tác giả, công ty phát hành truyện, nếu như tất cả các nhóm dịch đều kinh doanh lấy lời như vậy, ai sẽ mua truyện có bản quyền? Ai sẽ trả tiền cho tác giả và biên tập?
Anime Discussion Vietnam lên tiếng về "drama" này
Nói ngắn gọn, nếu như không nắm quyền sở hữu, kinh doanh, thu lợi nhuận một tác phẩm nào đó, thì tốt hơn hết nên tìm cách mua bản quyền hoặc dừng lại.
Tất nhiên, chúng ta phải thừa nhận rằng không phải vụ vi phạm luật bản quyền và kinh doanh nào cũng được xử lý. Đây là một vấn đề gồm những việc nhỏ nhặt như sách lậu, truyện lậu, tới ăn cắp bản quyền; hầu như đều không thể xử lý triệt để mà chỉ có thể đòi hỏi ý thức của độc giả.
Mặc dù vậy, hiện tượng kinh doanh không bản quyền sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều tới các bên mua bản quyền như NXB Kim Đồng. Nếu như là một fan truyện tranh chân chính, hãy ủng hộ những nhà phát hành chính thống.