Jane Doe, một cựu kiểm duyệt viên YouTube vừa đâm đơn kiện công ty cũ tại Tòa thượng thẩm California (Mỹ) vì không làm tròn trách nhiệm trong việc bảo vệ nhân viên của mình. Theo đơn kiện, bị đơn phải xem các video giết người, phá thai, hiếp dâm trẻ em, tra tấn động vật, tự sát.
Trong quá trình đào tạo, người này còn tố cáo công ty cho họ xem video mọi thứ trong hộp sọ bị đập vỡ, một phụ nữ bị bắt cóc và chặt đầu, xe tăng cán qua đầu một người, lột da con cáo còn sống hay xả súng tại trường học. Điều đáng nói là họ không hề biết sẽ phải xem video như vậy để có sự chuẩn bị. Người đào tạo nói rằng họ có thể ra khỏi phòng nếu muốn nhưng không dám vì sợ mất việc.
Google , công ty mẹ YouTube, đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong kiểm soát nội dung bạo lực và thông tin sai sự thật, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đến gần. Google còn đối mặt với các cuộc điều tra độc quyền từ luật sư liên bang, Bộ Tư pháp và Quốc hội Mỹ.
Jane Doe làm kiểm duyệt nội dung YouTube thông qua công ty nhân sự Collabera từ năm 2018 đến 2019. Cô bị khó ngủ và nếu ngủ được cũng toàn mơ thấy ác mộng. Cô thường thấy mình tỉnh dậy giữa đêm và nghĩ đến các video đã xem trong ngày. Cô không thể đến nơi đông người như sự kiện, hòa nhạc vì lo sợ các vụ xả súng. Cô cũng gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
Nhân viên kiểm duyệt nội dung YouTube được sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tâm lý Wellness Coaches, tuy nhiên những chuyên gia này lại không phải người được đào tạo bài bản để có thể chẩn đoán hay điều trị tình trạng bất ổn tâm lý. Một người thậm chí còn khuyên bị đơn dùng chất gây nghiện bất hợp pháp để xử lý các triệu chứng, còn người khác nói với đồng nghiệp của bị đơn “hãy tin vào Chúa”. Ngoài ra, họ phải tự bỏ tiền túi khi muốn tìm kiếm trợ giúp từ chuyên gia thực sự.
Đơn kiện nói rằng YouTube thiếu nhân viên nên kiểm duyệt viên thường phải làm thêm giờ và vượt quá giới hạn xem 4 tiếng một ngày do chính công ty khuyến nghị. Bất chấp khối lượng công việc lớn, họ phải duy trì tỉ lệ sai sót rất nhỏ. Cụ thể, YouTube kỳ vọng mỗi kiểm duyệt viên phải xem từ 100 tới 300 video mỗi ngày với tỉ lệ sai sót từ 2% đến 5%. YouTube cũng kiểm soát và theo dõi cách video hiển thị đối với kiểm duyệt viên: toàn màn hình hay chỉ là ảnh đại diện, làm mờ hay họ xem nhanh tới đâu.
YouTube có hàng ngàn người kiểm duyệt nội dung, hầu hết đều làm cho các công ty trung gian như Collabera, Vaco và Accenture. Công việc thường có mức lương thấp, hợp đồng ngắn hạn và ít phúc lợi y tế. Nhân viên phải ký thỏa thuận không tiết lộ để không được lên tiếng công khai về công việc của mình.
Vụ việc cho thấy YouTube cần dồn thêm nguồn lực cho những người kiểm duyệt nội dung. Trong thời gian dịch bệnh, mạng chia sẻ video sử dụng trí tuệ nhân tạo để xem xét và gỡ bỏ video vi phạm. Nhưng thời gian gần đây, họ lại tiếp tục nhờ cậy tới kiểm duyệt viên vì máy tính xóa quá nhiều video dù không vi phạm quy định.
Theo: CNBC