- Theo Trí Thức Trẻ | 17/10/2020 09:31 AM
Trung Quốc có rất nhiều tiểu thuyết lịch sử, thậm chí có người nói còn miêu tả rằng "mênh mông như biển cả" nhưng cho tới bây giờ, không có bộ tiểu thuyết nào ăn sâu vào lòng người giống như Tam Quốc Diễn Nghĩa. Người Việt Nam từ trẻ đến già, từ người có trình độ học vấn cao đến thấp, ai ai cũng biết đến bộ tiểu thuyết này.
Lữ Bố, Quan Vũ, Triệu Vân, Điêu Thuyền, Trương Phi và rất nhiều cái tên khác đã trở thành "huyền thoại", ghi dấu ấn vào tiềm thức người đọc suốt nhiều năm không quên. Tuy nhiên văn chương là hữu hạn, khuôn khổ chật hẹp của con chữ khiến cho La Quán Trung không thể nào miêu tả hết được những cao nhân trong Tam Quốc. Nhiều fan cứng của tác phẩm lừng lẫy này vẫn thường tặc lưỡi tiếc nuối vì còn khá nhiều những "thế ngoại cao nhân" vừa kỳ bí vừa tài giỏi nhưng lại nằm ngoài vòng xoáy phân tranh, sống ẩn cư nơi núi sâu rừng già.
Quản Lộ
Ông là thuật sĩ nước Ngụy thời Tam Quốc, tự là Công Minh, người Bình Nguyên, từ năm 8 - 9 tuổi đã luôn thích ngẩng đầu quan sát các ngôi sao trên bầu trời. Sau khi trưởng thành, ông tinh thông "Chu Dịch", giỏi về bói toán, tướng thuật, học ngôn ngữ của loài chim. Tương truyền rằng mỗi một lời nói của ông đều sâu sắc tựa như "xuất thần nhập hóa".
Tào Tháo cũng phải thán phục trước khả năng tiên đoán phi thường của Quản Lộ
Quản Lộ là thuật sĩ nổi tiếng trong lịch sử, được người đời sau tôn sùng và phong là tổ sư của bói toán và xem tướng. Ông đã để lại rất nhiều tác phẩm, trong đó có Chu Dịch Thông Linh Quyết, "Chu Dịch Thông Linh Yếu Quyết, Phá Táo Kinh, Chiêm Ki… Tam Quốc Chí – Phương Kĩ Truyện" đã xếp thuật bói toán của Quản Lộ ngang hàng với y thuật của Hoa Đà, thanh nhạc của Đỗ Quỳ, tướng thuật của Chu Kiến Bình, tướng mộng của Chu Tuyên.
Tam Quốc Diễn Nghĩa có kể rằng Quản Lộ đã coi bói cho Tào Tháo và tiên đoán chính xác về việc xảy ra hỏa hoạn ở Hứa Đô và sẽ mất một viên tướng ở núi Định Quân. Về sau, những lời này đều ứng nghiệm.
Mạnh Tiết
Trong "7 lần bắt Mạnh Hoạch", Gia Cát Lượng đã được người anh của Man vương Mạnh Hoạch, tự hiệu là Vạn An ẩn giả giúp đỡ. Mạnh Hoạch khởi binh tạo phản, Mạnh Tiết nhiều lần khuyên can nhưng Mạnh Hoạch không để ý, ông đành phải ẩn cư trong rừng sâu. Khi Gia Cát Lượng dẫn quân chinh phạt, quân sĩ bởi vì uống phải nước sông câm mà bị mất tiếng, Mạnh Tiết đã lấy nước của suối An Lạc giúp Gia Cát Lượng giải trừ kiếp nạn này, lại dạy quân Thục ngậm lá giới diệp vân hương để tránh độc khí.
Về sau, Gia Cát Lượng muốn tâu với thiên tử về việc lập Mạnh Tiết lên làm vua xứ Nam Man nhưng Mạnh Tiết từ chối. Gia Cát Lượng bèn lấy vàng và tơ lụa ra tặng nhưng Mạnh Tiết vẫn từ chối không nhận.
Hoa Đà
Hoa Đà, tự là Nguyên Hóa, tên thật là Phu, người ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu, là danh y nổi tiếng vào cuối thời Đông Hán. Lúc còn nhỏ ông từng du học bên ngoài, nghiên cứu y thuật, không màng đến con đường làm quan. Y thuật của ông tinh thông, đặc biệt là giỏi về ngoại khoa, được người đời sau xưng tụng là "Thánh thủ ngoại khoa", "ông tổ ngoại khoa". Ông đã phát minh ra Ma Phi Tán - loại thuốc gây tê dùng trong phẫu thuật được ghi chép sớm nhất trong lịch sử y học thế giới. Ông lại phỏng theo động tác của chim thú như hổ, hươu, gấu, khỉ, chim… mà sáng tác ra Ngũ Cầm Hi, sở hữu sách thuốc Thanh Nang Thư.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Hoa Đà đã từng trị thương cho Chu Thái bên Đông Ngô, giải độc cho Quan Vũ ở Kinh Châu và đã để lại câu chuyện cạo xương trị độc. Về sau bởi vì chẩn đoán ra trong não của Tào Tháo có khối u cần phải mở não làm phẫu thuật mà khiến Tào Tháo nghi ngờ cho rằng Hoa Đà mượn cớ để hại mình nên đã tống giam ông vào ngục. Cuối cùng, Tào Tháo đã thật sự mắc bệnh đó mà chết.
Vu Cát
Vu Cát là đạo sĩ vào cuối thời Đông Hán, người Lang Nha. Trước đó ông sống ở phía đông, sau đó đến Ngô Hội lập tinh xá đốt hương đọc Đạo thư, chế tạo nước phép để trị bệnh cho dân chúng, và làm rất nhiều việc tốt giúp người dân Ngô Hội. Tiểu bá vương Tôn Sách sau khi nghe thấy vậy thì vô cùng tức giận, vừa không tin đạo sĩ, phép lạ, vừa sợ ông tập hợp mọi người lại làm loạn. Tôn Sách cho rằng: "Loại yêu đạo làm điều xằng bậy này có thể mê hoặc người dân, khiến cho quân thần không còn tuân theo lễ nghĩa vua tôi, không thể không giết".
Tôn Sách nghe tin bèn luôn muốn giết Vu Cát
Danh thần Trương Chiêu và mẹ của Tôn Sách đều khuyên không được giết nhưng Tôn Sách giận không kiềm được vẫn lấy cớ mê hoặc nhân tâm mà ra lệnh chém giết Vu Cát. Sau này, mỗi khi ở trong cung điện, Tôn Sách thường nhìn thấy Vu Cát trừng mắt nhìn mình nhưng các binh sĩ đều không nhìn thấy. Tôn Sách vì giết Vu Cát nên ngày ngày đều bị ám ảnh, thường xuyên đập phá đồ đạc trong cung điện. Về sau, Tôn Sách phát bệnh mà chết.
Lâu Tử Bá
Tào Tháo chinh phạt Mã Siêu, đóng quân ở sông Vị, hai bên giằng co mãi không phân thắng bại. Lâu Tử Bá ẩn cư ở núi Chung Nam đã nhắc nhở Tào Tháo rằng dùng binh phải biết thiên thời, dạy cho Tào Tháo cách tưới nước đóng băng đắp thành khiến cho quân Tào chỉ trong một đêm xây xong thành đất và đánh bại quân Mã Siêu. Sau khi mọi chuyện đã thành, Lâu Tử Bá được Tào Tháo ban thưởng nhưng ông không nhận, phiêu nhiên mà đi.
Bàng Đức Công
Bàng Đức Công là danh sĩ thời Đông Hán, người Tương Dương. Quan thứ sử Kinh Châu Lưu Biểu dù đã mấy lần mời ông vào phủ nhưng đều không được. Lưu Biểu hỏi ông không nhận lộc quan thì lấy gì để lại cho con cháu sau này. Ông trả lời rằng: "Thứ mà người đời để lại cho con cháu chính là thói xấu ham muốn hưởng lạc, ham ăn biếng làm. Thứ mà ta để lại cho con cháu là làm ruộng đọc sách, sống cuộc sống an cư lạc nghiệp. Cái để lại khác nhau mà thôi!".
Bàng Đức Công có quan hệ thân thiết với các danh sĩ thời ấy là Tư Mã Huy, Bàng Thống, Gia Cát Lượng. Ông gọi Gia Cát Lượng là Ngọa Long, Tư Mã Huy là Thủy Kính, Bàng Thống là Phượng Sồ. Khi Lưu Bị viếng thăm, Thủy Kính mượn lời của đồng tử nhắc nhở đồng thời tiết lộ thiên cơ cho ông: Ngọa Long, Phượng Sồ, được một trong hai có thể an định thiên hạ, từ đây mới có câu chuyện Lưu Bị "tam cố mao lư" sau này.
Lý Ý
Theo Thần Tiên Truyện của Cát Hồng, Lý Ý là người quận Thục, sống vào những năm thời Hán Văn Đế, đến thời Tam Quốc vẫn còn sống. Cũng có người nói rằng, ông là cháu đời thời 17 của Lão Tử Lý Nhĩ, đạo hạnh bí hiểm. Trước cuộc chiến ở Di Lăng, Lưu Bị muốn đích thân dẫn đại binh đánh Ngô để báo thù cho người em kết nghĩa của mình là Trương Phi, nên đã nhờ Lý Ý đoán xem lành dữ thế nào. Lý Ý bèn lấy giấy vẽ hơn 40 bức tranh binh mã khí giới. Vẽ xong, ông lại xé vụn từng tờ một. Sau đó ông lại vẽ một người to lớn nằm ngửa trên mặt đất, một người bên cạnh đào đất chôn, bên trên viết một chữ "bạch" lớn, sau đó chắp tay mà đi. Lưu Bị bực mình nói với quần thần rằng: "Đây là lão điên khùng! Không đáng tin chút nào!". Sau đó, Lưu Bị lấy lửa đốt bỏ bức vẽ, rồi giục quân tiến lên.
Lưu Bị nhờ Lý ý vẽ trang đoán tình hình nhưng lại không tin những gì được cảnh báo
Lý Ý vẽ hơn 40 bức binh mã khí giới ám chỉ 40 doanh trại ở ven sông của Lưu Bị. Ông xé nát bức vẽ ám chỉ doanh trại bị phá. Một người to lớn nằm ngửa trên mặt đất và một người đào đất chôn ám chỉ là Lưu Bị vì bại trận mà chết. Phía trên viết một chữ "bạch" lớn chỉ Lưu Bị gửi gắm con nhỏ cho Gia Cát Lượng ở thành Bạch Đế. Dùng lửa đốt bức vẽ là chỉ doanh trại sau này bị lửa thiêu. Những điều này về sau từng cái đều ứng nghiệm chuẩn xác.
Tả Từ
Ông là phương sĩ cuối thời Đông Hán, người Lư Giang, thuở nhỏ sống ở núi Thiên Trụ luyện đan. Tương truyền rằng, ông đã từng uống rượu cùng Tào Tháo, Tào Tháo muốn có được cá lư sống ở sông Tùng Giang,Tả Từ bèn dùng một chậu đồng đựng nước là câu được ngay. Về sau trong yến tiệc, ông dùng thần thông lấy hết rượu thịt mà Tào Tháo dùng để đãi khách nên đã bị Tào Tháo sai người đuổi giết mà ẩn thân. Về sau thấy có bầy dê, ông liền ẩn mình vào trong bầy dê này nên binh lính đã không bắt được ông. Điều này được ghi chép trong rất nhiều tác phẩm như Hậu Hán Thư, Tả Từ truyện, Sưu Thần Ký, Phương Dư Thắng Lãm... cũng đều có ghi lại.
T.h.