- Theo Helino | 23/11/2018 12:09 AM
Tetra Master (Final Fantasy)
Nói đến các mini game của Final Fantasy thì 2 cái tên được ưa thích nhất là Triple Triad (FF VIII) và Tetra Master (FF IX). Cả hai đều là dạng game đánh bài, nhiệm vụ của bạn là phải cố gắng làm sao để kiểm soát nhiều thẻ bài trên bàn hơn đối thủ. Luật chơi của Triple Triad cũng không rắc rối lắm, chỉ cần điểm của lá bài bạn hơn của đối thủ thì bạn sẽ có quyền kiểm soát lá bài đó.
Nhưng trong Tetra Master, mỗi thẻ đều có điểm HP, sức đánh, phòng thủ và có khả năng tất công bất cứ lá bài nào nằm kề hoặc nằm chéo nó. Chỉ thêm một yếu tố nhỏ nhưng chiến thuật của Tetra Master so với Triple Triad được nâng lên tầm cao hơn rất nhiều. Cũng giống như nhiều phiên bản Final Fantasy khác, cố gắng sưu tầm tất cả các lá bài trong bộ sưu tập có thể coi là một trong những quest phụ kì công và tốn thời gian nhất đối với các gamer trường phái "cầu toàn".
Kung Foot (Rayman Legends)
Không cần phải bàn cãi, Rayman Legend là một tựa game tuyệt vời. Không phải nói quá nhưng tựa game này có thể vượt mặt các huyền thoại một thời như Sonic hay Mario bởi tính thử thách, nhân vật độc đáo và đặt biệt là một mini game bóng đá nhỏ có tên là Kung Foot.
Ban đầu, người chơi sẽ không hề chú ý đến sự hiện diện của mini game này bởi nó là một lựa chọn tùy ý được đánh dấu chọn sẵn từ màn hình chính của Rayman Legend. Nhưng dám cá là nếu bạn cùng vài người bạn của mình bị cuốn vào Kung Foot thì việc dứt ra sẽ khó hơn cả lên trời. Luật chơi rất đơn giản: Người chơi chỉ việc chạy loanh quanh, cố gắng đá trái bóng vào khung thành đội bạn. Khoan đã, có phải chúng ta đang nhầm với FIFA hay PES không nhỉ? Không, Kung Foot hoàn toàn là một game 2D.
Nghe qua không có gì đặc biệt nhưng một khi đã bắt đầu, có thể bạn sẽ thấy Kung Foot là một lý do rất thuyết phục để thường xuyên click vào shortcut của Rayman Legends.
'Xếp Rương' (Diablo II)
Nói chuyện ngày xưa một chút. Các bạn ở đây có ai từng sở hữu PC thời Windows Me còn nóng hổi, lúc mà World Wide Web còn là một khái niệm xa lạ đối vời phần lớn người sử dụng máy tính. Nếu bạn là một trong số game thủ thời đồ đá được nhắc phía trên, chắc hẳn bạn đã từng lạc vào ‘trang trại’ của Mephisto, đối đầu với Diablo và cuối cùng là xử Baal trong tựa game RPG hack’n slash của Blizzard, Diablo II. Đó là những điểm nổi bật, nhắc đến Diablo II là phải nhắc đến chúng nhưng hôm nay chúng ta sẽ gạt hết qua một bên, để nói về trò chơi có tên gọi là 'Xếp Rương'.
Vào thời điểm ban đầu thì chắc không ai để ý, nhưng càng dần về sau thì chắc chắn người chơi nào cũng phải cố gắng sắp xếp lại rương đồ của mình để có thể nhặt thêm những món đồ quý rớt trên đường đi. Nghe thì có vẻ khôi hài nhưng thực sự không gian mà Diablo II giao cho người chơi là quá ít vì phải trữ máu, mana, 2 cuốn sách ‘bắt buộc phải có’ (ai hiểu nào?), ngoài ra còn có charm, rồi làm sao khi nhặt được món đồ hiếm trên đường đây? Vứt ra để sắp xếp, rồi nhặt lại, xong lại vứt ra... cứ thế mà các game thủ Diablo II giỏi luôn trò xếp hình. Về sau, Horadric Cube xuất hiện giống như một phép màu vậy, nó cho chúng ta nhiều không gian hơn để xếp đồ, hay nói cách khác là nâng game 'Xếp Rương' lên một cấp độ mới.
Gummi Ship (Kingdom Hearts II)
Gummi là một trong những tựa shooter hiếm hoi vừa hay, vừa có tính tùy biến cao và nhỏ nhắn, đặt gọn trong Kingdom Hearts II. Thực tế, mục tiêu lớn nhất của chiếc phi thuyền Gummi là đưa nhóm của Sora đến một thế giới mới. Nhưng một khi đã đặt tay vào lái, bạn sẽ thấy nó khá thú vị.
Tuyệt vời nhất là độ tùy biến của chiếc phi thuyền này. Nếu bạn là người thích sáng tạo, bạn nên mở khóa hết tất cả các món đồ liên quan đến Gummi để có thể thỏa chí thiết kế nó lại theo ý mình. Bạn sẽ bất ngờ khi mình có thể tự tay tạo ra từ những phi thuyền không gian quen thuộc đến những thiết kế phá cách, quái dị.
Chao Garden (Sonic Adventure 2)
Trong những năm cuối thập niên 90, trào lưu thú ảo nổi như cồn trong giới học đường. Giờ giải lao, trong lớp học hay ở nhà, đâu đâu cũng thấy các cậu bé, cô bé chơi thú ảo, hào hứng khoe với nhau độ chiến của thú cưng mình. Và trào lưu này cũng đã có mặt trên một số game console thời đó, mặc dù số lượng là khá ít. Một trong số đó là Sonic Adventure (1998), cho phép bạn ấp trứng và nuôi nấng một sinh vật lưỡng loài, vừa là cây cũng vừa là người, có tên là Chao.
Ở phiên bản đầu tiên của Sonic Adventure, không có nhiều điều đáng nói về mini game này nhưng người kế nhiệm của nó thì khác. Trong Sonic Adventure 2, cách nuôi dạy của người chơi có thể ảnh hưởng đến việc Chao sẽ trở nên tốt hay xấu. Nếu bạn dịu dàng, ân cần với cậu bé (hay cô bé nhỉ?) này thì nó sẽ ngoan ngoãn, hiền lành. Ngược lại cũng vậy, bạn muốn Chao là một ‘bad ass’ chính hiệu thì chỉ cần ba bước đơn giản như sau:
Bước 1: Đập trứng của Chao vào một hòn đá nhọn hết lần này đến lần khác để trứng nở non.
Bước 2: Đánh đập Chao đến khi nó khóc.
Bước 3: Đáp lại tiếng khóc lóc bằng sự lạnh nhạt.
Blitzball (Final Fantasy X)
Nhìn thấy Blitzball xuất hiện trong danh sách này thì sẽ có hai luồng ý kiến trái chiều: một là tung hô kẻ viết bài, hai là chửi hắn. Nhưng trên thực tế, Blitzball vẫn được ưa thích rộng rãi. Về cách thức thì đây đơn giản là chơi bóng bầu dục dưới nước, hai đội cố gắng đá quả bóng vào khung thành của đối thủ.
Sự thật mất lòng là Blitzball khó đến mức có thể dập bạn nát như chuối ngay từ ban đầu, nếu không kiên nhẫn thì việc nản lòng là cực kỳ dễ hiểu với ‘mini’ game này. Kỹ năng chơi của bạn đóng vai trò quan trọng không kém so với chỉ số của nhân vật. Một khi đã thăm dò đối phương kỹ càng, cày cấp cho nhân vật của mình và thắng một vài trận, bạn sẽ thấy Blitzball dễ dàng hơn… đùa thôi, nó vẫn cực kỳ khó, chẳng qua là bạn ăn may!