- Theo Trí Thức Trẻ | 30/03/2017 11:58 PM
Hẳn chúng ta ai ai cũng biết, những trận đấu ở các giải đấu chuyên nghiệp là một thế giới gần như hoàn toàn khác biệt với chế độ xếp hạng. Có những nguyên tắc, cách chơi hay một số vị tướng được sử dụng vô cùng hiệu quả trong chuyên nghiệp nhưng khi mang chúng vận dụng vào đánh xếp hạng thì lại không được như vậy.
Lý giải cho điều này có 2 lý do chủ yếu do sự khác nhau về tính gắn kết trong đội và đương nhiên là cả trình độ người chơi nữa. Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng điểm danh Top 5 vị tướng đang làm mưa làm gió ở đấu trường chuyên nghiệp nhưng tỉ lệ thắng ở chế độ Xếp Hạng lại thấp đến khó tin.
Camille
Camille ngay lập tức tạo nên cơn sốt ở khu vực đường trên sau khi ra mắt, mặc dù bị giảm sức mạnh liên tục nhưng cho đến nay, cô nàng Bóng Thép vẫn là quân bài được các đội tuyển chuyên nghiệp đánh giá cực cao. Camille luôn nằm trong nhóm tướng “không cấm thì phải chọn” tại các giải đấu trên toàn thế giới.
Những đợt giảm sức mạnh khiến Camille giờ đây không còn vượt trội phần còn lại nếu so về khoản đơn đấu hay đẩy lẻ nữa, có khá nhiều vị tướng đủ sức chống lại Camille ở giai đoạn đi đường hay tay đôi. Nhưng khả năng tiếp cận với chiêu E Bắn Dây Móc/Phi Thân và cô lập mục tiêu bằng chiêu cuối Tối Hậu Thư vẫn là tài sản vô giá trên đấu trường chuyên nghiệp.
Khả năng tạo đột biến và bắt giữ mục tiêu bá đạo của Camille giúp cô hoàn toàn hơn đứt những vị tướng đấu sĩ khá như Fiora hay Trundle về độ hiệu quả trong giao tranh lớn. Dù vậy, câu chuyện ở chế độ xếp hạng với cô lại không sáng sủa cho lắm.
Vốn đã là vị tướng khó chơi, sau nhiều lần giảm sức mạnh Camille lại càng khó chơi hơn nữa, đòi hỏi người chơi phải thực sự thuần thục vị tướng này để ra vào giao tranh khéo léo và sử dụng combo chiêu thức chính xác. Đồng thời sử dụng chiêu cuối Tối Hậu Thư hiệu quả cũng cần rất nhiều sự ăn ý, không ít pha Camille 1 mình lao lên giữa team địch và phải nằm xuống trong lúc đồng đội chưa ai theo kịp. Tỉ lệ thắng của cô nàng này trong xếp hạng chỉ là 46,66% mà thôi.
Taliyah
Taliyah đang nổi lên thành pháp sư thiên hướng đảo đường số 1 hiện nay. Không chỉ có khả năng đảo đường, tốc độ di chuyển cao với nội tại Lướt Tường và chiêu cuối Mặt Đất Dậy Sóng, Taliyah còn sở hữu lượng sát thương theo thời gian cao, đẩy đường mạnh mẽ. Tỏ ra toàn năng hơn khá nhiều so với những vị tướng lối chơi tương tự như Twisted Fate, Aurelion Sol.
Được các đội chuyên nghiệp ưa chuộng là vậy, nhưng tỉ lệ thắng ở chế độ xếp hạng của Taliyah chỉ là 46,46%, rất thấp. Tương tự Camille, lý do dễ nhận thấy cho sự trái ngược đó nằm ở độ khó của vị tướng và chất tướng đòi hỏi sự ăn ý, phối hợp thật tốt trong đội để phát huy sức mạnh.
Chiêu W Quăng Địa Chấn của Taliyah rất khó sử dụng, cần không ít thời gian để sử dụng thành thạo. Chiêu cuối Mặt Đất Dậy Sóng không chỉ là công cụ giúp Taliyah di chuyển, can thiệp giao tranh mà còn có khả năng ép góc đối phương rất mạnh trong những tình huống chiếm mục tiêu hay tổ chức tấn công.
Trong xếp hạng thì không mấy khi chiêu cuối của Taliyah được sử dụng tối ưu, đồng thời chất tướng của cô nàng này cũng không mạnh giao tranh theo kiểu all in, cả đội cần tiến lùi hợp lý để lượng sát thương từ những pha Q Phi Thạch của Taliyah đạt hiệu quả. Toàn những yếu tố tưởng chừng không tưởng ở xếp hạng tầm trung, không ngạc nhiên khi tỉ lệ thắng của Phù Thủy Đá thấp đến vậy.
Maokai
Đợi giảm sức mạnh nặng nề gần đây khiến Maokai tạm phải xếp sau Nautilus về độ ưu tiên trong danh sách lựa chọn tướng chống chịu. Nhưng gã Ma Cây vẫn luôn là lựa chọn tin cậy ở khu vực đường trên tại các giải đấu chuyên nghiệp bao năm qua, một trong những dàn chắn uy tín nhất Đấu Trường Công Lý.
Thực tế thì Maokai xuất hiện trong danh sách này không phải điều quá bất ngờ như 2 cái vị tướng ở trên. Khả năng chống chịu, hiệu ứng khống chế Maokai mang lại hiệu quả ra sao không phải nói thêm nữa. Vấn đề là chất tướng gánh đội kém, phụ thuộc đồng đội của Maokai khiến vị tướng này chưa bao giờ là lựa chọn phù hợp để đánh xếp hạng cả.
Chơi Maokai đơn giản là bạn sẽ farm an toàn khi đi đường, giơ mặt hứng chịu sát thương và bấu víu chủ lực đối thủ càng lâu càng tốt trong giao tranh. Maokai sẽ là một cánh tay phải hoàn hảo để các tướng chủ lực tỏa sáng. Tuy nhiên chẳng may rơi vào trường hợp người chơi chủ lực team bạn là một tên gà mờ nào đó thì dù xanh xao đến mấy cũng đành bất lực mà thôi. Tỉ lệ thắng của Maokai khiêm tốn dừng lại ở con số 45,67%.
Leblanc
Sau đợt cập nhật tiền mùa giải Thời Đại Thích Khách, Leblanc nổi lên thành vị tướng thống trị đường giữa, tỏ ra quá mạnh so với phần còn lại. Độ cơ động biến ảo lẫn khả năng giết người đều được nâng lên tầm cao mới. Nhất là ở trình độ của những người chơi chuyên nghiệp Leblanc trở nên không thể ngăn cản.
Riot liên tiếp giảm sức mạnh nhưng xem ra vẫn chưa đủ khi Leblanc hiện tại vẫn là lượt cấm gần như bắt buộc trong giai đoạn cấm chọn, số ít lần được hở ra cũng là bấy nhiêu lần Leblanc hủy diệt trận đấu. Tuy nhiên dù là vị tướng có tiềm năng đơn phương gánh đội rất mạnh, tỉ lệ thắng Leblanc sở hữu lại cực kỳ thấp, 42, 56%.
Dễ hiểu thôi, mạnh hơn nhưng đồng thời độ khó của Leblanc sau chỉnh sửa cũng tăng lên đáng kể. Độ khó của Leblanc cũ vốn đã cao nhất nhì Liên Minh Huyền Thoại rồi huống chi là Leblanc mới. Việc tung chiêu thức, dồn combo giờ đây khó hơn trước rất nhiều. Không đơn giản là thuộc vài combo và lao lên dồn tất cả vào đoạt mạng đối thủ như trước nữa. Leblanc ở xếp hạng và Leblanc đánh chuyên nghiệp là 2 thái cực hoàn toàn trái ngược.
Ryze
Mỗi đợt làm lại đều khiến Ryze trở nên khó chơi hơn, yêu cầu sự tính toán khi tung kỹ năng nhiều hơn từ người chơi. Ryze mới hiện tại phần nào cân bằng, nổi bật với khả năng dồn sát thương đơn mục tiêu cực ghê vào cuối trận, chiêu cuối đa dụng, gây đột biến mạnh. Tuy nhiên 2 hạn chế yếu vào đầu trận và chiêu cuối cần sự hiểu ý từ đồng đội để đạt hiệu quả lại là những điểm yếu chí mạng trong đánh xếp hạng.
Vòng Xoáy Không Gian của Ryze tương tác rất mạnh với đồng minh, vì vậy không chỉ Ryze mà cả đồng đội cũng cần tư duy, để ý tận dụng chiêu cuối của Ryze trong giao tranh. Vấn đề thứ 2 là lỗi mà rất nhiều người gặp phải, đó là không nắm rõ ngưỡng sức mạnh của tướng để điều chỉnh lối chơi cho phù hợp.
Quá nhiều ví dụ về những thanh niên sử dụng vị tướng đầu game yếu nhưng lại cực kỳ hổ báo, chơi như thế ăn tươi nuốt sống đối thủ vậy. Kết cục ra sao thì có lẽ không cần nói thêm nữa. Ryze là vị tướng điển hình trong trường hợp này, Pháp Sư Cổ Ngữ rất yếu đầu trận và cần nhiều thời gian tích lũy sức mạnh lẫn trang bị.
Chẳng mấy ai quan tâm, xem highlight của Faker rồi pick Ryze với niềm tin ném tan tành tất cả từ đầu đến cuối trận là được rồi! Tỉ lệ thắng thảm hại 40,76%, thấp nhất Liên Minh Huyền Thoại, rất khó tin đó lại là thống kê hiện tại dành cho Ryze, vị tướng vẫn đang nằm trong nhóm lựa chọn hàng đầu tại khu vực giữa ở các giải đấu chuyên nghiệp.