Top 4 vị tướng không có chỗ đứng ở đấu trường chuyên nghiệp nhưng vẫn là quân bài cực mạnh khi leo rank

Triệu Tử Long  - Theo Trí Thức Trẻ | 31/01/2017 0:00 AM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Không phải lựa chọn được ưa chuộng ở đấu trường chuyên nghiệp nhưng những cái tên dưới đây đều là quân bài lý tưởng để thành thạo và leo rank hiệu quả.

Đấu trường chuyên nghiệp và chế độ xếp hạng luôn là 2 môi trường hoàn toàn khác biệt. Nhiều người dễ lầm tưởng rằng những người chơi đạt rank cao xếp hạng sẽ dễ dàng thành công khi thi đấu chuyên nghiệp. Nhưng thực tế đã chứng kiến rất nhiều cao thủ rất nổi tiếng khi đánh xếp hạng như Scout, BDD hay thậm chí cả Dopa đình đám cũng phải chật vật ở môi trường chuyên nghiệp.

Những trận đấu xếp hạng nặng về kỹ năng là nơi để tất cả cùng phô diễn, thi đấu một cách phóng khoáng để thể hiện trình độ của mình. Nhưng Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp thì khác, ở một mức độ nào đó đã không còn là một trò chơi đơn thuần nữa.

Đây là môn thể thao thành tích, nguồn đầu tư từ nhiều tổ chức lớn đương nhiên không thể đổi lại chỉ bằng những trận đấu vui vẻ giữa 10 game thủ. Thành tích là yếu tố cần đặt lên trên hết. Vì vậy các trận đấu chuyên nghiệp luôn chặt chẽ và căng thẳng hơn rất nhiều. Một môi trường giành cho sự ganh đua khốc liệt.

Điều đó vô hình chung cũng định hình những đặc thù về metagame ở đấu trường chuyên nghiệp khác xa xếp hạng đơn. Có những chiến thuật, lựa chọn tướng ở xếp hạng tỏ ra rất mạnh và hiệu quả nhưng mang ra chuyên nghiệp thì lại thành kẻ “phế vật” không hơn. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Top 4 vị tướng hiệu quả trong xếp hạng nhưng vẫn không được các đội tuyển chuyên nghiệp ưa chuộng

Vel’Koz

Vel’Koz không hẳn là thất sủng hoàn toàn trên đấu trường chuyên nghiệp khi vẫn là một dạng tướng được lựa chọn theo tình huống khá hiệu quả . Nhưng có lẽ Riot khi ra mắt đã mong chờ một pháp sư đi đường cấu rỉa mạnh, gây sát thương trong giao tranh cực khủng như Vel’Koz làm được nhiều hơn thế.

Tất nhiên xét về khả năng sát thương thì không có gì phải bàn về vị tướng này cả, lượng sát thương chuẩn gây ra bằng nội tại Phân Rã Hữu Cơ khiến ngay cả những gã chống chịu cứng cáp nhất cũng có thể bị nung chảy chứ đừng nói là mục tiêu yếu máu. Kèm thêm khả năng cấu rỉa khi đi đường và sát thương diện rộng trong giao tranh thì dễ hiểu khi Vel’Koz là quân bài rất mạnh trong xếp hạng.

Tuy vậy thì môi trường xếp hạng là một thế giới khốc liệt hơn rất nhiều. Những tình huống đảo đường, giao tranh nhỏ lẻ liên tục nổ ra giai đoạn đầu trận là thứ khiến Vel’Koz ái ngại. Dù không cần quá nhiều trang bị để gây sát thương nhưng một quân bài kém cơ động như Con Mắt Hư Không có thể trở thành điểm yếu lớn bị đối phương khai thác.

Khả năng ra vào giao tranh, giữ vị trí giao tranh tổng của các đội chuyên nghiệp cũng khác xa những pha combat kiểu “xáp lá cà” trong xếp hạng tạo điều kiện cho Vel’Koz tung combo. Ngay ở bậc Cao Thủ, Thách Đấu Vel’Koz đã xuất hiện khá ít, vì vậy không ngạc nhiên khi vị tướng này chỉ là lựa chọn hiệu quả trong những trận rank tầm trung trở xuống.

Kayle

Để kể ra ưu điểm của Kayle, vị tướng tiếp theo chúng ta đề cập thì rất nhiều. Không mạnh ở đầu trận nhưng tầm farm xa và đẩy lính nhanh bằng chiêu E Công Lý Thịnh Nộ cho phép Kayle có thể đi đường từ hòa đến thắng trong hầu hết kèo tướng. Đấu sĩ tay ngắn ở đường trên càng là đối tượng ưa thích để đì đọt của cô nàng này.

Đẩy đường rất nhanh nên Kayle cũng thường có thời gian ghé thăm và tiện tay xử lý vài ba bãi quái rừng. Nếu đánh tốt Kayle thì việc farm vượt hoặc bám sát thời gian ở ngưỡng 25’ là chuyện thường tình. Lúc này thì lượng sát thương hỗn hợp mà Kayle gây ra đủ sức thổi bay bất cứ đối thủ nào.

Dồn sát thương tốt mà duy trì theo thời gian cũng ổn định; sát thương đa mục tiêu lẫn đơn mục tiêu đều có luôn. Cộng thêm chiêu cuối Bất Tử Hộ Thân bá đạo, không ngạc nhiên khi Kayle có tỉ lệ thắng rất cao trong xếp hạng, luôn ở ngưỡng 34-35% cả ở đường trên lẫn đường giữa.

Câu chuyện trên đấu trường chuyên nghiệp không thể đơn giản như vậy. Lối đánh đẩy cao đường liên tục của Kayle gần như tự sát khi khả năng kiểm soát tầm nhìn tốt giúp rừng đối thủ có thể dễ dàng tìm những góc né mắt và camp chết cô.

Điểm trừ khá lớn khác là Kayle nếu đi top thì đội sẽ thiếu chống chịu còn trong vai trò đường giữa vị tướng này chỉ thực sự mạnh trong thế công, khả năng đánh lùi và kiểm soát giao tranh kém hơn khá nhiều so với những cái tên như Syndra, Viktor hay Cassiopeia. Dù sao thì Kayle vẫn là quân bài rất mạnh với nhiều ưu điểm đáng để tin dùng trong xếp hạng.

Blitzcrank

Một cái tên tiêu biểu khác cho việc thất sủng ở đấu trường chuyên nghiệp nhưng vẫn vô cùng hiệu quả khi mang vào xếp hạng. Blitzcrank – Người Máy Hơi Nước là cơn ác mộng thực sự ở những bậc rank thấp, với trình độ cao hơn một chút mà vào tay ngưới có kỹ năng thì đây vẫn là tướng hỗ trợ tạo đột biến cực mạnh với cú kéo trứ danh của mình.

Điểm mạnh dễ nhận thấy từ Blitzcrank là khả năng tạo áp lực, ép góc khi đi đường, cô lập mục tiêu mạnh với chiêu Q Bàn Tay Hỏa Tiễn. Đòi hỏi kỹ năng sử dụng chính xác từ người chơi để vị tướng này phát huy chiêu thức cực mạnh của mình. Một pha kéo chuẩn xác trúng mục tiêu quan trọng của Blitzcrank là quá đủ để đem về chiến thắng.

Mặc dù vậy thì Bàn Tay Hỏa Tiễn là chiêu thức khá bị động, ở đấu trường chuyên nghiệp nơi mà kỹ năng của người chơi ở mức thượng thừa thì việc tung chính xác cú kéo là chuyện không hề đơn giản.

Tầm nhìn là thứ khá thiếu thốn trong xếp hạng, tạo điều kiện cho những cú kéo từ góc khuất của Blitzcrank được thực hiện. Đó là điều xa xỉ ở xếp hạng khi toàn bản đồ luôn rực sáng với lượng mắt dồi dào từ tất cả người chơi.

Kéo trúng được là một chuyện, kéo ai lại là chuyện còn phức tạp hơn. Trước những tướng chống chịu luôn sừng sững đi đầu tiên phong trong giao tranh thì việc kéo trúng chủ lực còn khó hơn lên trời. Chưa kể kéo chúng về còn trực tiếp khiến đồng đội bị đe dọa nữa.

Ngoại trừ Bàn Tay Hỏa Tiễn tạo đột biến cao thì khả năng bảo vệ đồng đội cũng như ảnh hưởng trong giao tranh của Blitzcrank kém xa hỗ trợ khác. Gần như vô dụng khi bị đối phương vượt lên dẫn trước. Không quá khó lý giải vì sao Blitzcrank lép vế ở đấu trường chuyên nghiệp. Nhưng nếu bạn đánh xếp hạng và tự tin gánh đội trong vai trò hỗ trợ thì vị tướng này là lựa chọn không tồi chút nào.

Jinx

Suốt từ khi được ra mắt năm 2013 đến nay, Jinx – Khẩu Pháo Nổi Loạn với tạo hình phong cách ấn tượng, sát thương dồi dào, một hyper carry đích thực có khả năng gánh đội cực mạnh về cuối trận luôn nằm trong số những xạ thủ được người chơi yêu thích bậc nhất trên Đấu Trường Công Lý.

Sát thương đa dạng với 2 dạng súng từ Q Tráo Hàng! cùng chiêu cuối Tên Lửa Đạn Đạo Siêu Khủng Khiếp, nội tại Hưng Phấn! cho khả năng dọn giao tranh số 1 trong Liên Minh Huyền Thoại, thêm cả cơ chế đòn đánh được thiết kế cho phép hit and run vô cùng mượt mà giúp Jinx dù không đến mức mạnh bá đạo nhưng luôn thuộc nhóm xạ thủ hàng đầu.

Tuy nhiên, chỉ 2 hạn chế yếu đầu trận và kém cơ động xem ra là quá đủ khiến Jinx không có chỗ đứng trên đấu trường chuyên nghiệp. Ở trình độ cao nhất thì một xạ thủ thuần sát thương thiếu cơ động như Jinx gần như không có cửa chơi trước khả năng ra vào giao tranh và ép góc cực mạnh của các đội chuyên nghiệp.

Ví dụ dễ thấy nhất là giai đoạn CKTG 2015 khi 2 đội tuyển Đài Loan Ahq và Flash Wolves đều sử dụng Jinx để bán hành vòng bảng nhưng khi vào sâu trong giải, đặc biệt là trước người Hàn Quốc thì vị tướng này hoàn toàn tắt điện. Kể từ năm 2015 thì Jinx cũng gần như không còn xuất hiện trở lại.

Thêm một lý do nữa là các xạ thủ đang vô cùng chật vật tìm chỗ đứng cho mình trong meta hiện tại. Những kẻ cơ động, hoạt động độc lập tốt như Lucian, Ezreal, Caitlyn còn phải thấy khó thở thì cơ hội cho Jinx, một xạ thủ cần khá nhiều tài nguyên, sự hỗ trợ và chậm đạt ngưỡng sức mạnh tỏa sáng ở đấu trường chuyên nghiệp thực sự rất khó.