Top 4 pháp sư đường giữa thất sủng ở trình độ cao nhưng không bao giờ “ế khách” ở rank thấp trong Liên Minh Huyền Thoại

Zed  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/07/2017 11:39 PM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Cùng điểm danh nhóm pháp sư bất chấp meta luôn là lựa chọn hiệu quả để leo rank thấp.

Đường giữa với tầm ảnh hưởng lớn đến cục diện trận đấu xuyên suốt mọi giai đoạn luôn là vị trí được đông đảo người chơi lựa chọn bậc nhất để leo xếp hạng. Điều này hoàn toàn đúng đắn thôi, thay vì phụ thuộc đồng đội thì tự tin pick đường giữa và “gank tem” là lựa chọn đáng được hoan nghênh.

Tuy vậy, phải nhìn nhận một sự thật rằng ở xếp hạng, đặc biệt là những bậc rank thấp người chơi không phải là những Faker, Crown hay Bjergsen để thành thục và sử dụng hiệu quả những vị tướng có độ khó rất cao cỡ Syndra, Leblanc, Cassiopeia,... Vẫn còn không ít vị tướng đơn giản, dễ chơi mà phù hợp với dân không chuyên hơn nhiều. Hãy cùng điểm danh Top 4 pháp sư đường giữa thất sủng ở trình độ cao nhưng không bao giờ “ế khách” ở rank thấp trong Liên Minh Huyền Thoại.

Xerath

Đầu tiên là Xerath, Pháp Sư Cổ Ngữ khá thiếu cơ động, dễ bị gank lẫn bắt chết trong giao tranh, phụ thuộc kỹ năng định hướng đồng thời kiểm soát giao tranh khá kém nên không được ưa chuộng ở trình độ cao. Lùi xuống rank thấp hơn đôi chút thì đây lại là lựa chọn không thể coi thường chút nào với khả năng đẩy đường nhanh, cấu rỉa tầm xa cực kỳ khó chịu.

Bộ chiêu thức gây sát thương xa bậc nhất trò chơi của Xerath gây rất nhiều rắc rối cho đối thủ, nhất là ở rank thấp nơi mà khả năng lượn lách, né tránh chiêu thức của người chơi là khá kém. Hồi phục năng lượng dồi dào nhờ nội tại Áp Xung Năng Lượng nên Xerath trụ đường cũng rất tốt. Liên tục dùng Q Xung Kích Năng Lượng và W Vụ Nổ Năng Lượng vừa ăn lính, vừa cấu rỉa, vài ba lần trúng chiêu là đối thủ phải ôm đầu máu thoái lui mà thôi.

Bộ chiêu thức xuyên mục tiêu và cả chiêu cuối Nghi Thức Ma Pháp là công cụ cho phép Xerath gây sát thương lên hàng sau đối thủ rất dễ dàng trong giao tranh. Mới đây lại còn được buff mạnh độ làm chậm từ chiêu W và chỉ số sát thương cơ bản chiêu cuối nữa. Còn xa mới có cơ hội trở lại đấu trường chuyên nghiệp nhưng ở bậc rank thấp Xerath là lựa chọn không tồi chút nào.

Annie

Ở bậc rank tầm trung cỡ Kim Cương thôi, người chơi mà pick Annie đường giữa sẽ nhận phải không ít ánh mắt quan ngại từ đồng đội do đây là vị tướng vẫn bị dè bỉu là dành cho “gà”. Nguyên do bởi lối chơi dễ chơi, dễ trúng thưởng, bộ chiêu thức cực kỳ đơn giản, dễ đoán bắt của Đứa Trẻ Bóng Tối hoàn toàn không có cửa diễn khi gặp phải cao thủ. Thi thoảng xuất hiện ở vị trí hỗ trợ để tận dụng khả năng làm choáng diện rộng, mở giao tranh mà thôi.

Trái lại, ở những bậc rank tầm Bạc trở xuống. Khả năng dồn sát thương đáng sợ, gây hiệu ứng khống chế diện rộng với những pha Tốc Biến – chiêu cuối Triệu Hồi Tibbers trứ danh của Annie là cơn ác mộng thực sự. Xu hướng co cụm lại để “cảm thấy an toàn” ở rank thấp càng là tiền đề cho Annie dễ bề thực hiện combo mở giao tranh chết chóc nói trên.

Giàu sát thương, giao tranh tổng mạnh, Annie cũng rất dễ farm nhờ chiêu Q Hỏa Cầu, dễ chơi không đòi hỏi nhiều kỹ năng nên hầu hết người chơi đều chơi khá tốt vị tướng này. Tại thế giới Elo Hell, Annie rất thường xuyên bị cấm hoặc khiến đối thủ phải lo sợ mỗi khi được chọn.

Veigar

Những vị tướng có khả năng gia tăng sức mạnh vô hạn luôn là quân bài vô cùng nguy hiểm ở rank thấp do các trận đấu tại đây thường kéo rất dài. Ngoài Nasus, Sion hay Cho’Gath bên lớp tướng chống chịu, chúng ta còn có Veigar là pháp sư duy nhất trong Liên Minh Huyền Thoại sở hữu năng lực bá đạo này.

Nhiệm vụ của Veigar đầu trận không có gì đặc biệt cả, cố gắng farm thật nhiều chỉ số lính và cộng sức mạnh phép thuật bằng chiêu Q Điềm Gở, chiêu E Bẻ Công Không Gian sẽ là công cụ lợi hại để phối hợp cùng người đi rừng khống chế đối phương hoặc ép góc đối thủ, rút lui khi bị đe dọa. Trong giao tranh tổng cũng rất lợi hại nếu đặc E đẹp, làm choáng nhiều mục tiêu đối thủ.

Những trận đấu dài miên man không hồi kết ở rank thấp là mảnh đất màu mỡ để Veigar farm cháy máy, cán ngưỡng 700-800 hay thậm chí 1000 AP là hoàn toàn trong tầm tay. Càng về cuối trận, Veigar càng mạnh với khả năng dồn sát thương cực kỳ khủng khiếp. Dính hiệu ứng khống chế và ăn trọn combo Q Điềm Gở - W Thiên Thạch Đen – bồi thêm chiêu cuối Vụ Nổ Vũ Trụ thì không một tướng yếu máu nào trụ nổi cả.

Lux

Vị tướng cuối cùng trong bài hôm nay là Lux, thực tế thì quý cô Tiểu Thư Ánh Sáng là vị tướng để đạt đến tầm master cực kỳ khó, đòi hỏi khả năng đọc giao tranh, sử dụng kỹ năng hết sức chính xác để tối đa hóa sức mạnh. Tuy nhiên, lối chơi an toàn, tầm sát thương xa của Lux cho phép người chơi chỉ cần ở mức “tạm tạm” đã có thể chơi rất hiệu quả ở rank thấp rồi.

Lux không mạnh đầu trận nhưng hoàn toàn đủ sức đi đường an toàn với bộ chiêu thức có tầm sử dụng rất xa, farm dễ của mình. Bắt đầu từ giữa trận, ngưỡng 2-3 trang bị là lúc bộ chiêu thức có tỉ lệ cộng theo sức mạnh phép thuật rất cao của Lux bắt đầu phát huy tác dụng. Nhiều sát thương, cấu rỉa lẫn shock đều tốt, bảo kê đồng đội hiệu quả với W Lăng Kính Phòng Hộ, cả 2 chiêu thức còn lại là Q Khóa Ánh Sáng và E Quả Cầu Ánh Sáng đều gây hiệu ứng khống chế khó chịu.

Thêm một lần nữa cần nhắc lại, xu hướng co cụm đội hình trong giao tranh ở rank thấp là tiền đề không thể tốt hơn cho những cú chiêu cuối Cầu Vồng Tối Thương trúng nhiều người của Lux. Kỹ năng gây sát thương khủng khiếp bậc nhất trò chơi. Không được sử dụng nhiều ở trình độ cao nhưng Lux luôn xuất hiện rất dày đặc và là lựa chọn hiệu quả ở rank tầm trung bình cho đến thấp.