Top 21 anime tuyệt vời dựa theo video game cùng tên (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 21/10/2016 09:30 AM

Bản chất toàn bộ thương hiệu game “Tales of” đã vốn có hình hài của một anime đích thực, nên chẳng có mấy bất ngờ khi có nhiều anime được sản xuất và gắn kết với nội dung từng phần game.

Một số video game dường như được sản xuất để cho ra đời những phiên bản chuyển thể anime ấn tượng, trong khi một số khác … lại đem tới thảm họa. Dưới đây, chúng ta sẽ đến với 11 cái tên còn lại trong số 21 anime tuyệt vời nhất được dựa trên game, không tính thể loại “visual novels” để hạn chế phần nào số lượng, và chủ yếu hướng tới các thể loại hành động hay RPG Nhật Bản:

F-Zero: Falcon Densetsu (F-Zero: GP Legend)

“F-Zero” là một trong những series game độc quyền ít tiếng tăm nhất của Nintendo, tuy nhiên nó cũng đủ nổi tiếng để cho ra đời một phiên bản anime có tên “F-Zero: GP Legend”. Điểm thú vị hơn là ở chỗ phiên bản anime tỏ ra tương đối hấp dẫn với những màn hành động, đua xe kịch tính trong thế giới viễn tưởng tương lai và ít nhất là cũng có một cốt truyện hẳn hoi so với những phiên bản game.

Monster Farm: Enbanseki no Himitsu (Monster Rancher)

“Monster Rancher” là một series game mô phỏng nuôi dưỡng quái vật rồi mang đi chiến đấu có lịch sử khá lâu đời và thường được mang ra so sanh với “Pokémon”, tuy nhiên sự khác biệt tồn tại giữa hai thương hiệu là rất rõ ràng. Phiên bản anime của nó có cốt truyện hết sức kỳ quái khi nhân vật Genki bị hút vào chính thế giới của game, và cậu ta phải sử dụng những kỹ năng mình đã biết để giải phóng thế giới ảo khỏi thế lực ma quỷ. Mặc dù có mở đầu chậm và trẻ con, nhưng càng về sau anime càng trở nên hấp dẫn và xúc động khi nguy hiểm có thể đến với bất cứ nhân vật nào.

Viewtiful Joe

Từ một tựa game kỳ quái cho ra đời một anime kỳ quái, đó chính là trường hợp của “Viewtiful Joe”. Khá bám sát với những gì căn bản game, phiên bản anime có phong cách thể hiện hình ảnh vô cùng thú vị, diễn giải một cốt truyện về một anh chàng bình thường có gắng trở thành anh hùng, giải cứu bạn gái khỏi rắc rối kèm theo hàng tá tình huống hài hước và ngớ ngẩn.

Zone of the Enders: Dolores, I

“Zone of the Enders” là một dòng game người máy có cốt truyện nghiêm túc và gắn chặt với thần thoại Ai Cập. Sự thành công với lượng fan nhất định của nó đã giúp cho ra đời phiên bản anime “Zone of the Enders: Dolores, I”. Mặc dù có nội dung không hề bám theo game, nhưng anime này có điểm đặc sắc riêng biệt, giúp khán giả khám phá nhân tính con người và những mối quan hệ phức tạp.

Tales of Zestiria the X

Bản chất toàn bộ thương hiệu game “Tales of” đã vốn có hình hài của một anime đích thực, nên chẳng có mấy bất ngờ khi có nhiều anime được sản xuất và gắn kết với nội dung từng phần game. Hầu hết phiên bản anime đều được đánh giá tốt, nhưng để chọn lọc thì ta chỉ nhắc đến phần gần đây nhất là “Tales of Zestiria the X”. Nhìn chung, chất lượng của bản anime này rất đáng khen, có sự cân bằng về hình ảnh bắt mắt và cách dẫn chuyện thú vị, giúp ngay cả những người không hề chơi game cũng có thể hiểu được.

Hoshi no Kirby (Kirby: Right Back at Ya!)

Trong khi các phiên bản game không hề giải thích thực sự rõ ràng về Kirby, bản anime đã cố gắng giải thích một số câu hỏi cho các fan hâm mộ. Thực tế, Kirby chính là một người ngoài hành tinh, vô tình rơi xuống Dream Land và trở thành vị anh hùng mà ai cũng yêu mến trước Vua Dedede tàn ác. Series anime này rất đáng yêu và chủ yếu nhắm tới đối tượng trẻ em, đồng thời cũng có một cốt truyện hợp lí và đơn giản dễ hiểu.

Street Fighter II V

Series anime này giúp bộ phận fan hâm mộ hiểu hơn về cốt truyện và cuộc đời của nhiều nhân vật của “Street Fighter”, mặc dù có thay đổi một chút so với nguyên tác để tạo sự độc đáo. Kết hợp phong cách thể hiện hình ảnh tốt và nhiều trận quyết đấu lôi cuốn, đây là anime có chất lượng tốt nhất về thương hiệu game đối kháng cùng tên, vượt qua bản phim live-action của Mỹ.

Show by Rock!!

Series anime này dựa trên game mobile âm nhạc cùng tên, và bằng cách nào đó đã vượt xa mong đợi của khán giả. Nó mang tới một câu chuyện thú vị về thành viên của một ban nhạc nữ cố gắng đứng vững trên thị trường mà vẫn sống đúng với bản chất con người mình. Bên cạnh đó, nó có phong cách thiết kế hình ảnh nhân vật rất dễ thương, đánh đúng vào tâm lý của giới trẻ ngày nay. Rốt cuộc đây cũng là một sản phẩm của hãng Sanrio, nơi cho ra đời Hello Kitty và cả tá linh vật dễ thương khác.

Brotherhood: Final Fantasy XV

Để quảng bá cho phiên bản game mới nhất, Square Enix đã không ngần ngại cho sản xuất hẳn một phần phim hoạt hình 3D và một series anime ngắn, với nội dung về những chuyện “râu ria”, giúp khán giả hiểu được phần nào thế giới quan của “Final Fantasy XV”. Trong đó, “Brotherhood” bao gồm 5 tập ngắn, mỗi tập 12 phút giới thiệu về một vài nhân vật chính, tính cách lẫn mối quan hệ của họ.

Bomberman Jetters

Diễn ra ở cùng vũ trụ với các phiên bản game, “Bomberman Jetters” kể một câu chuyện hoàn toàn mới về sự trả thù và trách nhiệm. Trung thành với nguyên tác, anime này cũng có cách thể hiện vô cùng đáng yêu, giúp khán giả gặp gỡ lại hàng loạt nhân vật quen thuộc, hoàn toàn phù hợp cho đối tượng trẻ em đồng thời thể hiện sự tri ân đối cho thương hiệu lâu năm.

Senjou no Valkyria (Valkyria Chronicles)

“Valkyria Chronicles” là một trong số những game không được nhìn nhận đúng mực trên PS3, bởi nó có cách chơi chiến thuật xuất sắc và một cốt truyện hay, sâu lắng về một cuộc chiến tranh giả tưởng. Phiên bản anime bám sát theo câu chuyện và những sự kiện của game, tập trung vào từng nhân vật hơn là cả cuộc chiến để dẫn dắt khán giả được tốt hơn.

Theo Myanimelist

Top 20 nhân vật anime khiến khán giả Nhật Bản thắc mắc về "giới tính" nhất