Top 10 tựa game tuy cực hay nhưng lại góp phần 'bóp chết' cả nền công nghiệp game (P.2)

Axium Fox - Gearvn  - Theo Helino | 26/01/2020 03:38 PM

Cái gì hay quá cũng chưa hẳn đã tốt anh em ạ...

Ở phần trước, chúng ta đã chỉ ra các game dù cực hay nhưng tác động tiêu cực đến cả nền công nghiệp game. Phần 2 này cùng tìm hiểu tiếp nhé!

Bản Early Access – Minecraft

Không thể phủ nhận sự thành công của Minecraft trong thập kỷ vừa qua, phần là vì nó đã tạo ra nhiều xu hướng trong cộng đồng gaming.

Trong đó, nổi bật nhất là Early Access. Đây là một phiên bản còn đang trong quá trình hoàn thiện, na ná kiểu game beta ấy. Game thủ chỉ cần bỏ một số tiền nhỏ là đã có thể vào game chơi được rồi, trong khi nhà phát triển vẫn tiếp tục hoàn tất các công đoạn còn lại. Mấu chốt ở đây là những ai đã mua Early Access rồi thì sẽ được nhận miễn phí phiên bản hoàn thiện của tựa game đó.

Phiên bản Early Access của Minecraft đã thu về 33 triệu USD, và từ đó đã đề-pa cho hàng loạt game khác cũng "Early Access" theo. Nó dẫn tới sự ra đời của chương trình Early Access của Steam vào năm 2013. Và mặc dù nó đã giúp nhiều game có được số kinh phí mà tựa game đó cần – như Don’t Starve, Kerbal Sapce Program, PUBG – hệ thống này cũng đã không ít lần bị lạm dụng và biến tướng nó theo hướng khác.

Vì game Early Access vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện, nên game thủ sẽ không biết được rằng liệu game này có được nhìn thấy ánh sáng ban ngày hay không, nghĩa là có nguy cơ bị tiền mất tật mang. Theo thống kê năm 2014 thì chỉ có 25% game Early Access được hoàn thiện mà thôi.

Và cũng bởi vì nhà phát triển đã có trong tay trước số tiền rồi, cho nên họ thường ít có động lực để hoàn thành nốt tựa game như đã dự định.

Game "chưa hoàn thiện" – Destiny

Ít ra thì game Early Access còn cho bạn biết là nó đang trong quá trình hoàn thiện, và được bán với mức giá thấp. Trong khi đó, vẫn có những tựa game được bán với mức giá tương đương game AAA mà nội dung thì chẳng có gì cả.

Điển hình nhất là game Destiny. Khi ra mắt thì được rất nhiều game thủ săn lùng, nhưng khi mở lên chơi thì mới vỡ lẽ và "thả phẫn nộ". Đặc biệt, Destiny vẫn kéo được game thủ quay trở lại dù có tính thêm tiền cho phần nội dung bổ sung đó.

Mấu chốt ở đây là miễn game nhìn ngầu, hoành tráng, thì khi ra mắt nó không cần phải là một tựa game hoàn thiện. Tương tự, No Man’s Sky ban đầu cũng chả có cái gì hấp dẫn, rồi sau đó nhà phát triển mới từ từ đắp thêm nội dung, tính năng mới vào trong game.

Các nhà phát triển khôn lỏi đã phát hiện ra "mô hình" này, cho nên họ cứ phát hành một tựa game nửa vời với giá như một game hoàn chỉnh, xong rồi từ từ mới bắt đầu "điền vào chỗ trống", hoặc thậm chí là bắt game thủ phải bỏ thêm tiền để được "điền vào chỗ trống".

Tệ hơn, có game còn không được bổ sung thêm nội dung nên đến giờ vẫn còn nghèo kiết xác, như Fallout 76 chẳng hạn. Và một thực trạng đau buồn là đã và đang có nhiều nhà phát hành áp dụng mô hình này vao trong game của họ.

Loot box – Team Fortress 2

Team Fortress 2 không phải là tựa game đầu tiên có trò mở hòm (loot box), nhưng nó là tựa game thành công nhất trong việc đánh vào tâm lý game thủ và ứng dụng cơ chế bài bạc (gamling), hên xui may rủi vào trong game để kiếm lời.

Loot box trong Team Fortress 2 được giới thiệu vào khoảng cuối năm 2010, và game thủ có thể mở hòm bằng các chìa khóa có thể mua được bằng tiền thật. Những năm sau đó, vô số game AAA có mục chơi mạng đều bỏ cái hòm này vô trong game, ví dụ như Halo 5, Overwatch, Call of Duty, Gears of War, FIFA.

Mọi chuyện cũng không đến nỗi nào cho đến khi Star Wars Battlefront II của EA xuất hiện. Loot box trong game có thể cày được, nhưng nó cực kì tốn thời gian. Vì thế nên những ai bỏ tiền ra mua hòm luôn thì sẽ có lợi thế hơn so với những người đi theo con đường cày cuốc. Sự kiện này đã khiến fan game Star Wars nói riêng và cộng đồng game thủ nói chung đã "nổi trận lôi đình", và EA đã phải xuống nước để xoa dịu họ.

Kết quả là game thủ bây giờ không còn ủng hộ mô hình loot box hăng hái như trước nữa. Dù vậy, nó vẫn còn tồn tại ở đó, và trong tương lai nó cũng không đi đâu xa được đâu.

Những tựa game "vừa đủ hay" – Gears 5

Xbox Game Pass là một dịch vụ tuyệt vời dành cho game thủ. Nó giống như Netflix, bạn bỏ tiền ra mua gói dịch vụ hàng tháng (hoặc hàng năm), đổi lại bạn có toàn quyền truy cập mọi nội dung mà dịch vụ đó cung cấp.

Như có một vấn đề là nó sẽ tạo tiền đề cho việc nhà phát triển chỉ tạo ra những game chỉ "vừa đủ hay" (good enough) mà thôi. Để cho dễ hiểu thì có thể ví dụ như thế này: Có thể bạn sẽ không sẵn sàng bỏ tiền vé gần cả trăm ngàn để vào rạp xem một tựa phim hài nhảm hạng B, nhưng nếu tựa phim đó có trong gói dịch vụ của Netflix thì nhiều khả năng là bạn sẽ xem nó. Bởi vì đằng nào thì bạn cũng đã "mua vé" xem phim đó rồi mà, đúng không?

Tương tự như thế, Game Pass và những mô hình dịch vụ game tương tự sẽ mở màn cho trào lưu tạo ra các tựa game chỉ vừa đủ hay mà thôi, theo lý thuyết là vậy. Lấy ví dụ Gears 5 luôn. Là một trong những tựa game AAA đầu tiên có mặt trong gói Game Pass, đồng ý là nó có những thứ hay ho và rất cuốn hút khi chơi, nhưng nhìn chung thì đây là một phần Gears of War không mấy ấn tượng cho lắm, nếu không muốn nói là đáng quên.

Nếu game ra mắt theo dạng bán lẻ như bình thường thì chắc có lẽ nó đã không được công đồng game thủ hưởng ứng như vậy. Nhưng vì nó "miễn phí" cho những ai đã mua gói Game Pass nên mới nhận được nhiều lời tán dương đến vậy. Tương tự với trò Crackdown 3.

Mô hình chơi game theo gói cước (subscription) là một lựa chọn khả thi cho game thủ, nhưng nó có những mặt trái mà hi vọng rằng chúng ta sẽ không phải đón nhận trong tương lai trước mắt.

Thể loại game hồi hộp – The Last of Us

The Last of Us của Naughty Dog là một tượng đài, điều này không cần bàn cãi. Đây là một tựa game tạo được ấn tượng mạnh với cốt truyện thu hút và nhân vật có chiều sâu.

Tất nhiên, khi một tựa game thành công thì sẽ có nhiều tựa game khác ăn theo. Nhưng hầu hết chúng đều "không có tuổi" so với The Last of Us.

Đơn cử là trò Days Gone độc quyền của PS4. Game thủ có thể dễ dàng nhận thấy Days Gone được lấy cảm hứng từ The Last of Us, nhưng nó làm không tới nơi tới chốn, và cơ chế sinh tồn trong game cũng chả đâu vào đâu.

Cũng giống như phim The Dark Night của đạo diễn đại tài Christopher Nolan đã từng thách thức các tựa phim "dark" (mang màu sắc u tối) ăn theo, và chúng đều thất bại vì không có yếu tố con người trong đó; The Last of Us cũng thách thức những nhà phát triển sau này làm sao để tạo ra một game hành động drama mà vẫn giữ được màu sắc và yếu tố con người trong đó.

Nguồn: What Culture, biên dịch Gearvn