- Theo Trí Thức Trẻ | 11/03/2021 07:59 PM
Việc các game ngày nay sở hữu nhiều yếu tố thực tế là điều hết sức đáng mừng, bởi nó không chỉ đánh dấu sự thành công trong lĩnh vực công nghệ mà còn xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo. Tuy nhiên, không phải cứ thực tế là luôn ghi điểm trong mắt game thủ chúng ta.
Có những cái thực tế nhìn rất sướng nhưng cũng có những cái thực tế lại đem đến sự... kỳ quặc đến mức phiền phức. Ở phần trước chúng ta đã đến với 5 game chân thực quá nên... mất hay, và bây giờ tiếp tục "vào việc" nào.
Độ bền của vũ khí - The Legend Of Zelda: Breath Of The Wild
The Legend Of Zelda: Breath Of The Wild đã giành được rất nhiều lời khen ngợi ngay tại thời điểm ra mắt vào năm 2017. Tuy nhiên, có một yếu tố trong game mà hầu như chẳng ai ưa nổi, đó là độ bền của vũ khí. Những món như kiếm, gậy, rìu... đều có số lần sử dụng hữu hạn, quá số lần đó là nó sẽ bị hư hỏng, nếu cố chấp xài tiếp là sẽ bị bể nát luôn.
Tính năng này chẳng qua là do nhà phát triển đang cố tình muốn game trở nên chân thực hơn so với đại đa số những trò khác trên thị trường. Họ không muốn game thủ cứ chặt chém thoải mái mà vũ khí không bị hề hấn gì. Song chính vì cơ chế độ bền này mà game thủ gặp không ít phiền toái.
Có người sẽ nói rằng cơ chế này khuyến khích game thủ thử nghiệm vũ khí mới, tăng độ chân thực... Nhưng nếu bản thân kho vũ khí trong Breath Of The Wild thật sự thú vị thì game thủ đã tự khám phá từ lâu rồi, không cần đợi đến khi cây kiếm bị gãy mới đi tìm cây kiếm mới. Còn về vụ chân thực thì trong game vẫn còn nhiều yếu tố khác phi lý không kém, vậy mà nhà phát triển vẫn nhất quyết cho cơ chế độ bền của vũ khí vào trong game cho bằng được. Thật là khó hiểu.
Trọng lượng của món đồ – Skyrim
Skyrim được thiết kế theo kiểu một vùng đất fantasy với nhiều chi tiết cực kỳ thuyết phục. Tuy nhiên, trong đó lại có một chi tiết đã phản tác dụng các bạn ạ. Chả là các vật dụng trong game đều có trọng lượng nhất định, và ban đầu thì chỉ số này cũng chả quan trọng gì mấy. Nhưng dần dà, bạn càng thu thập nhiều thứ thì túi đồ của bạn bắt đầu nặng lên, và rồi đạt đến mức giới hạn.
Lúc bị "quá tải" như thế này thì bạn sẽ không thể chạy, không thể dùng xe hàng, và nhất là không thể dùng tính năng "fast travel". Cơ bản thì bạn sẽ phải di chuyển với tốc độ rùa bò cho đến khi bỏ bớt đồ ra - một điều khá là khó chịu đối với những ai thích gom đồ và đồng thời không muốn bỏ bất cứ thứ gì ra khỏi giỏ của mình.
Bấm nút để chớp mắt - Alone In The Dark
Đây là một tựa game kinh dị nhưng chơi rất là vất vả anh em ạ. Ý tưởng của game này cũng khá là hay với hệ thống kết hợp vật phẩm, cho phép game thủ chế cháo để tạo ra vũ khí hoặc món đồ hữu dụng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh tính năng này là cơ chế… chớp mắt rất chi là phiền. Đầu game, màn hình sẽ hiện lên dòng chữ hướng dẫn bạn "spam" nút để chớp mắt, giúp nhìn mọi thứ rõ ràng hơn. Sau này thì bạn lại phải tiếp tục chớp mắt để rửa trôi máu và chất độc ra khỏi con mắt, tùy theo kẻ địch mà bạn vừa giết được.
Lúc đánh nhau với đối phương thì bạn phải chớp mắt đã đành, giờ nó lại còn bắt phải bấm 1 nút liên tục nữa mới khó chịu. Đã vậy, cơ chế này lặp đi lặp lại nhiều đến mức trở nên vô nghĩa, chẳng những khiến game thủ bực mình mà còn làm giảm trải nghiệm khi chơi. Rõ ràng cơ chế này được thêm vào là để Alone In The Dark trở nên chân thực hơn, nhưng quá đáng tiếc là nó lại phản tác dụng!
"Hòn bi" của ngựa bị teo nhỏ – Red Dead Redemption II
Rockstar đã dành rất nhiều thời gian để chăm chút cho các chi tiết nhỏ lẻ trong Red Dead Redemption II với mục đích là để thế giới trong game trở nên sống động và thuyết phục hơn. Một mặt, điều này giúp Red Dead Redemption II trở nên vô cùng hoành tráng, nhưng mặt khác thì nó lại khiến người chơi đôi chút phiền lòng.
Cụ thể, gần như mọi hành động trong game đều có animation của riêng nó. Từ việc lột da động vật, lấy một món đồ nào đó, cho đến chơi domino... đều có đủ hết. Những thứ này ban đầu thấy cũng thú vị, nhưng dần dần thì game thủ bắt đầu cảm thấy khoảng thời gian animation này khá là phí, chẳng thà bấm nút cho nhân vật chính nhặt đồ ngay tức khắc, còn hơn là ngồi đó xem mấy cái động tác thừa.
Tuy nhiên, thứ buồn cười và vô nghĩa nhất trong game này là Rockstar đã thiết kế "hòn bi" của những chú ngựa biết teo lại khi trời lạnh. Phần lớn thời gian bạn sẽ không thấy hoặc không để ý chỗ này của con ngựa, cho nên việc tạo ra animation teo nhỏ cho "hòn bi" của ngựa là một việc làm hết sức rảnh rỗi và khó hiểu của nhà phát triển.
Leo núi theo thời gian thực - Shenmue II
Trong hầu hết các game thì việc di chuyển giữa các địa điểm thường sẽ khá nhanh, nhưng trong Shenmue II thì nhà phát triển lại không muốn như thế. Càng về cuối game, họ lại càng không muốn tiết kiệm thời gian cho người chơi. Lúc này thì nhân vật chính Ryo Hazuki được hướng dẫn đi đến ngôi làng Bailu Village ở Guilin, nơi được cho là kẻ thù giết cha của Ryo đang ẩn náu.
Tại thời điểm này, bạn sẽ nghĩ rằng game bắt đầu mờ dần để chuyển cảnh đến ngôi làng kia, hoặc là chiếu một đoạn cutscene cho thấy Ryo đang chạy đến ngôi làng đó cũng được. Nhưng không các bạn ạ.
Shenmue II buộc người chơi phải leo núi theo thời gian thực, và hành trình này tốn khoảng 2 tiếng hồ mới xong. Trên đường đi thì có vài thứ bạn cần phải làm, nhưng phần lớn thời gian thì người chơi sẽ phải điều khiển Ryo đi bộ hết nguyên cánh rừng, nghe thôi là đã thấy ngán tận cổ rồi. Thà như ở ngoài đời còn giúp tăng cường sức khỏe, chứ còn như trong game này thì đồ họa vừa không đẹp, mấy câu hội thoại thì tẻ nhạt, và nó kéo dài đến tận 2 tiếng đồng hồ. Khúc này game thủ không ngáp ngắn ngáp dài cũng lạ đó.
Nguồn What Culture biên dịch gearvn