- Theo Nhịp Sống Việt | 03/04/2020 09:18 PM
Đúng là sự thành bại của một tựa game không hoàn toàn phụ thuộc vào cốt truyện như bên phim ảnh, nhưng điều đó không có nghĩa rằng fan sẽ sẵn sàng bỏ qua nếu bạn làm một cái kết game quá thậm tệ.
Có những cái kết khiến fan quay lưng ngoảnh mặt cái rụp vì quá dở, cũng có cái kết chia rẽ cộng đồng fan, khiến họ tranh cãi nảy lửa xem ai đúng ai sai. Kết quả là tương lai của tựa game đó, hoặc cả dòng game đó, không biết rồi sẽ đi đâu về đâu luôn. Sau đây là danh sách 10 cái kết giết chết cả dòng game.
Chọn kiểu nào cũng chết – Mass Effect 3Mass Effect từng là một tựa game nhập vai AAA rất đình đám và được game thủ kỳ vọng rất nhiều, nhưng với phần 3 thì không hiểu sao họ lại làm một cái kết rất là trời ơi đất hỡi. Trong 2 phần trước, mỗi hành động, quyết định của game thủ đều khiến mạch truyện thay đổi, từ đó biến tấu phần kết theo nhiều hướng khác nhau. Biết được điều này, game thủ đã hết sức cẩn trọng với sự lựa chọn của mình trong phần 3, vì dù gì họ cũng muốn xem xem BioWare sẽ viết phần kết cho Commander Shepard ra sao.
Tuy nhiên, đến đoạn kết thì game thủ mới biết là những gì mình làm trước giờ đều công cốc, cày cuốc hàng chục giờ đồng hồ cho lắm vào, cuối cùng mọi thứ đều thu bé lại chỉ với sự lựa chọn vô cùng đơn giản: chọn một màu mà bạn thích. Cho dù trước đó bạn có làm gì đi chăng nữa thì bây giờ cũng chỉ có 3 sự lựa chọn mà thôi, và chọn kiểu nào thì Shepard cũng phải hi sinh. Lúc đó game thủ cảm thấy như mình vừa mới bị lừa một vố to đùng vậy. BioWare sau đó có bổ sung thêm đoạn kết khác, nhưng nhìn chung thì nó cũng chẳng thay đổi được gì cả, và cái gì đã xảy ra rồi thì cũng chẳng thể nào rút lại được.
Nó không chỉ làm ô uế thương hiệu Mass Effect mà nó còn khiến fan quay lưng với dòng game này. Bằng chứng là phần tiếp theo, Mass Effect: Andromeda, đã thất bại thảm hại, nhất là về mặt doanh số. Sau đó, nhiều nguồn tin cho rằng EA đã "đóng băng" series này trong tương lai trước mắt. Chắc là để tìm cách hồi sinh Shepard đây mà.
Kết thúc chưng hửng – Metal Gear Solid V: The Phantom Pain
Phải công nhận rằng Metal Gear Solid V: The Phantom Pain là một trong những tựa game hành động thế giới mở hay nhất mọi thời đại, nhưng đồng thời nó cũng giáng một đòn chí mạng vào dòng game Metal Gear Solid vì có một kết thúc gây ra nhiều tranh cãi (hoặc cũng có thể xem như là không có kết thúc). Mặc dù cú plot twist trong MGSV đã khiến cộng đồng fan chia rẽ, nhưng có một điều khiến họ bực tức hơn nữa, đó là phần kết thúc của game quá chưng hửng.
Vì game bị Konami hối thúc ra mắt cho lẹ nên cũng dễ hiểu vì sao phần kết của game lại thành ra như vậy. MGSV đã bị bỏ mất Chương 3, nhưng nếu có chương này thì đoạn kết sẽ thỏa mãn hơn, giúp dòng game này không lâm vào cảnh khốn cùng như bây giờ. Đây cũng là hệ quả của việc Konami và Hideo Kojima – cha đẻ của dòng game này – đường ai nấy đi. Cho dù tiếp theo đó Konami có làm thêm một tựa game Metal Gear (spin-off) nhưng nó cũng chẳng thành công, vả lại Metal Gear Solid cũng coi như là đã "chết" từ phần 5 rồi.
Desmond hi sinh – Assassin’s Creed III
Mặc dù dòng game Assassin’s Creed vẫn tiếp tục phát triển tốt và ăn nên làm ra trong thời điểm hiện tại, đối với nhiều fan thì sức hấp dẫn của series này đã phai mờ đi rất nhiều sau cái kết gây phẫn nộ trong Assassin’s Creed III (2012). Mặc dù từ phần đầu tiên đến thời điểm đó game thủ gần như chắc chắn rằng Desmond sẽ là một người hùng, đóng vai trò then chốt trong cả series, nhưng đến phần kết của AC III thì Desmond, vì một lý do nào đó, đã tự hi sinh để cứu loài người khỏi sự diệt vong.
Kể từ lúc đó, game đã giảm bớt các yếu tố của thời hiện đại vì rõ ràng là nhà phát triển chả biết phải làm gì tiếp theo sau cái chết của Desmond, mặc dù đây chính là những thứ thú vị và hấp dẫn nhất về câu chuyện thần thoại trong series. Những phần sau không phải là tệ hay gì cả, chơi vẫn rất cuốn hút, nhưng nhiều game thủ đã quyết định rời bỏ dòng game này kể từ khi chứng kiến đoạn kết khá là cụt hứng trong phần 3.
Chọn Chloe hay là Arcadia Bay – Life Is Strange
Mặc dù phần hội thoại của game có phần thô kệch, mùa đầu tiên của Life Is Strange là một tựa game fantasy drama rất hay, chỉ trừ phần kết là "bóp" dòng game này thôi. Game kết thúc bằng cách cho người chơi lựa chọn: hoặc là cứu bạn thân Chloe của nhân vật chính Max và để mặc cho thị trấn Arcadia Bay bị xóa sổ, hoặc là hi sinh Chloe để cứu lấy thị trấn.
Rất nhiều fan đã phẫn nộ với cái kết này, vì xuyên suốt game bạn sẽ biết được rằng nhân vật chính Max có khả năng tua ngược thời gian. Và việc chọn lựa 1 trong 2 này cũng đồng nghĩa rằng nhà phát triển phải tạo ra một câu chuyện mới và các nhân vật hoàn toàn mới cho phần sau, đây chính là thứ đã chia rẽ cộng đồng fan.
Sau tất cả thì người chơi rất yêu thích cặp đôi Max và Chloe, vì thế, việc đột ngột chuyển sang một bối cảnh và dàn nhân vật khác hoàn toàn cho Life Is Strange 2 đã khiến nhiều fan không hài lòng. Đã thế, Daniel trong phần 2 cũng khá là phiền phức nữa. Cho dù có tiếp phần 3 hay không thì có lẽ cái bóng của Max và Chloe là quá lớn để nhà phát triển vượt qua.
Đến cuối cùng mới biết đây là game MMORPG – Star Ocean: Till The End Of Time
Star Ocean: Till the End of Time có một cú twist phải nói là thuộc hàng ngoạn mục nhất trong làng game, và nó dần được hé lộ trong các màn sau của game. Game thủ sẽ biết được rằng tất cả nhân vật trong game đều là NPC (Non-player character) tồn tại trong một chương trình mô phỏng của máy tính. Và vì thế nên những gì mà game thủ đã gầy dựng được xuyên suốt 4 phần không hơn gì một tựa game MMORPG.
Với mục đích là muốn làm cho fan bất ngờ, nhà phát triển tri-Ace đã khiến nhiều game thủ tự đánh giá lại cảm nhận của mình về series này, và tệ hơn là nó đã khiến fan mất niềm tin vào lối kể chuyện của game. Vì thế, nhiều fan trung thành đã quay lưng với dòng game này kể từ khi đó. Kết quả là những tựa game Star Ocean phát hành sau này đều là phần tiền truyện (prequel), có lẽ vì tri-Ace biết được rằng nếu họ làm phiên bản hậu truyện thì nó sẽ rất là vô nghĩa.
Nguồn: What Culture biên dịch Gearvn