Top 10 game đề tài siêu anh hùng hay nhất từ xưa đến nay (P2)

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 20/04/2016 0:00 AM

Kết hợp những yếu tố chiến đấu ở phần đầu và mở rộng lãnh thổ ra khắp toàn thành phố, Batman: Arkham City đã trở thành một trong những tựa game siêu anh hùng hay nhất.

Hollywood hiện nay dường như đã trở thành “đế chế” của các siêu anh hùng, với hàng loạt bộ phim bom tấn từ MarvelDC chiếm lĩnh cả màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ trong mỗi gia đình. Mặc dù video game cũng là một ngành công nghiệp trị giá nhiều tỷ USD, song đây vẫn không phải là mặt trận “làm tiền” chính của các siêu anh hùng. Tuy không “độc bá” trên console và PC nhà bạn như trên TV, những tựa game siêu anh hùng chất lượng cao vẫn liên tục được tung ra. Tiếp nối kỳ trước, chúng ta sẽ đến với những cái tên còn lại trong số 10 tựa game hay nhất theo thể loại này (không theo thứ tự), trong đó có một số thuộc hàng “cổ đại”, song vẫn rất đáng để bạn chơi đấy.

Spider-Man 2 (2004)

Nếu như Spider-Man năm 2000 gây ảnh hưởng ban đầu tới hướng phát triển của các game siêu anh hùng về sau, thì Spider-Man 2 ra mắt năm 2004 chính là “Con ngỗng đẻ trứng vàng”, đỉnh cao của thể loại này. Dựa trên bộ phim của đạo diễn Sam Raimi, game áp dụng cơ chế môi trường mở để người chơi hóa thân thành Spider-Man tung hoành khắp thành phố New York. Đây còn là lần đầu tiên gameplay thật như vậy, bởi trước khi di chuyển, tơ nhện của nhân vật cần phải có một bề mặt để bám vào, không còn “bắn chim” một cách hư cấu như trước đây nữa. Có rất nhiều tựa game về anh chàng “hàng xóm thân thiện” của chúng ta, nhưng bạn phải công nhận rằng rất ít trong số đó có thể sánh ngang với tượng đài cổ điển Spider-Man 2 này.

Batman Returns (1992)

Đã từng có một thời gian khi mà mọi bộ phim “bom tấn” đều có một video game đi kèm theo sau, và trong số đó, hay nhất có lẽ phải kể tới Batman Returns trên Super Nintendo. Mặc dù vẫn trung thành với “bài” hành động màn hình ngang vào thời đó, song Batman Returns thực sự gây ấn tượng bởi mọi thứ gần như được sao chép “y đúc” từ bộ phim của đạo diễn Tim Burton, từ nhân vật đến các địa điểm. Mặc dù chỉ xây dựng được nền đồ họa 16-bit, song game vẫn rất bắt mắt người chơi. Bên cạnh đó, một điểm cộng hiển nhiên của game là đơn giản, dễ chơi, dễ … giải trí!

X-Men: Mutant Academy 2 (2001)

Siêu anh hùng, dị nhân nào mạnh hơn luôn là chủ đề tranh luận muôn thủa trong giới “mọt truyện”, và còn cách giải quyết nào thú vị hơn là cho họ “lên sàn” đấu với nhau? Vì thế cho nên thể loại đối kháng rất được ưa chuộng trong dòng game siêu anh hùng. Nhưng trong thời điểm giữa series hoạt hình và những bộ phim X-Men người đóng thì không có nhiều game chất lượng lắm các dị nhân này ngoại trừ Mutant Academy 2. Có tới 18 nhân vật khác nhau, cộng với các mức chơi từ dễ đến khó, đây quả thực là một “bữa tiệc” đối kháng thịnh soạn cho người chơi. Đủ dễ để người mới bắt kịp nhanh chóng, nhưng cũng đủ khó để nhiều gamer “hardcore” phải tu luyện một hồi. Bên cạnh đó, game còn có nhiều điều thú vị bất ngờ cho bạn khám phá như một số nhân vật, màn chơi bonus bí ẩn.

The Punisher (2005)

Hầu hết các siêu anh hùng được chuyển thể sang video game đều rất thành công, nhưng có lẽ xét về độ “gấu” thì không ai hơn được The Punisher. Bị thả vào một môi trường thù địch với hàng trăm khẩu súng và vô số tên du côn xung quanh? Nghe có vẻ như là một bữa tiếc đối với nhân vật Frank Castle. Mặc dù không hẳn là một tựa game thử thách cho lắm, song The Punisher lại rất hấp dẫn bởi nó kế thừa phong cách dẫn truyện từ comic (mỗi màn chơi được sắp đặt qua cảnh hồi tưởng khi Frank bị thẩm vấn trong đồn cảnh sát), đặc biệt là những pha hành động đẫm máu mà nhân vật này thực hiện với kẻ ác, từ đẩy chúng thẳng vào máy cưa gỗ đến vứt bình tro ra tại một đám tang trong khi trừng mắt xuống nhìn vào cả băng đảng. Chắc chắn với bạn là không có game siêu anh hùng nào “ngầu” hơn được đâu!

Batman: Arkham City (2011)

Mặc dù có tới 4 tựa game đã được phát hành với tựa đề “Arkham”, song để lại dấu ấn nhiều nhất trong lòng fan hâm mộ phải là phần thứ 2 của series này. Kết hợp những yếu tố chiến đấu ở phần đầu và mở rộng lãnh thổ ra khắp toàn thành phố, Batman: Arkham City đã trở thành một trong những tựa game hấp dẫn nhất tại thời điểm đó. Đặc biệt, phong cách xây dựng nhân vật và cốt truyện cũng là hai yếu tố quan trọng làm nên thành công của tựa game, với một kịch bản gần như hoàn hảo từ Paul Dini, và phần lồng tiếng xuất sắc của hai diễn viên Kevin Conroy (Batman) và Mark Hamill (The Joker). Arkham City không chỉ là trải nghiệm game tuyệt vời mà bất cứ fan hâm mộ nào của Kỵ Sĩ Bóng Đêm cũng ao ước, mà có lẽ còn là tựa game siêu anh hùng hay nhất mọi thời đại!